Khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế

T. Trang - T/h | 20/10/2021 19:05

BVCL - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Chiều nay (20/10), trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã đề cập tới việc triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế.

quoc-hoi-1634720830561.jpeg
Mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội được cơ quan của Quốc hội khẳng định là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng (Ảnh: QH).

Cụ thể, theo ông Cường, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm.

Trước tình hình thực tế đặt ra, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nhấn mạnh Chính phủ cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

"Nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động…", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội diễn ra sáng nay (20/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

"Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về quan điểm chỉ đạo điều hành, người đứng đầu Chính phủ khẳng định điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp, khả thi, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài.

Đồng thời tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược.

Về giải pháp điều hành những tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sẽ sớm được hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền. Cùng đó là rà soát, tháo gỡ ngay nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt và đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế. Việc này, theo Thủ tướng, nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo dantri.com.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO