“Hỏi để khoẻ hơn” số 10: “Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim”

PV| 18/07/2022 08:58

BVCL - Nhồi máu cơ tim là hậu quả của bệnh mạch vành tiến triển trong nhiều năm. Đây được coi là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu lòng mạch không được khơi thông, các tế bào cơ tim bắt đầu chết đi, tạo thành một tổn thương khó phục hồi.

anh-1.jpg
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 10 với chủ đề “Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim”

Người bệnh nhồi máu cơ tim cần điều trị như thế nào để có thể hồi phục sau cơn nguy kịch? Những thắc mắc liên quan đến nội dung này đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 10 với chủ đề “Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim” do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

Bệnh mạch vành, đặc biệt là nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhiều nhất là ở các nước phát triển như Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu. Tại Việt Nam, ước tính vào năm 2016, số người mắc bệnh mạch vành là khoảng 150.000-180.000 ca và có xu hướng tăng 5-10%/năm. BS CKII. Bùi Quang Thắng, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết:

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành nhiều nhất có thuốc lá, thuốc lào, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, chế độ ít vận động, yếu tố tuổi, càng nhiều tuổi thì tỉ lệ mắc bệnh động mạch vành càng cao. Việt Nam là nước mà có tỉ lệ hút thuốc lá thuốc lào cao trên thế giới do thói quen sinh hoạt, tập tính nông thôn, các bệnh lý mỡ máu, tiểu đường, huyết áp cũng gặp nhiều hơn trong dân số Việt Nam.

Nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc hoàn toàn do mảng xơ vữa bị bong tróc hoặc do cục máu đông hình thành bên trong lòng mạch thì sẽ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim. Theo Bác sĩ Bùi Quang Thắng, dù đã can thiệp bằng bất cứ phương pháp nào thì điều trị nội khoa là đặc biệt quan trọng với bệnh nhân nhồi máu cơ tim trong mọi trường hợp:

Một bệnh nhân nhồi máu cơ tim bắt buộc phải điều trị các thuốc theo khuyến cáo nếu như không có chống chỉ định cho dù bệnh nhân đó có được điều trị nội khoa đơn thuần, có được điều trị tiêu sợi huyết, được bắc cầu nối động mạch vành thì nội khoa vẫn là bắt buộc và dùng chung cho tất cả các bệnh nhân.

anh-2.jpg
Bác sĩ Bùi Quang Thắng

Cũng theo Bác sĩ Bùi Quang Thắng, cơ thể mỗi người có những phản ứng, đáp ứng khác nhau với các loại thuốc điều trị nội khoa. Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim nếu có kèm theo các bệnh lý về dạ dày cần phải hết sức lưu ý:

Bệnh nhân cần tái khám và thông báo cho bác sĩ những triệu chứng bất thường, ví dụ thấy đầy bụng, bầm tím, khó chịu thì phải thông báo lại cho bác sĩ. Nếu như chúng ta có tiền sử về viêm loét dạ dày, đặc biệt là có tiền sử loét hoặc chảy máu dạ dày thì chúng ta cần phải báo cho bác sĩ ngay tại thời điểm mình đang nằm viện chứ không phải đến khi tái khám lại. Bởi vì trong trường hợp bệnh nhân nguy cơ cao thì các bác sĩ sẽ phải dùng các thuốc để bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc là giảm tiết axit trong thời gian nằm viện và thời gian bệnh nhân được điều trị ngoại trú.

Đáng chú ý, đã có nhiều bệnh nhân đang điều trị nội khoa sau cấp cứu nhồi máu cơ tim không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ nên khiến bệnh tình tái phát, trở nặng hơn, đây là những trường hợp rất đáng tiếc. Do vậy, Bác sĩ Bùi Quang Thắng cảnh báo, bệnh nhân đang điều trị bệnh mạch vành tuyệt đối không được tự ý ngưng sử dụng hay thay đổi liều lượng của thuốc trong bất kỳ trường hợp nào:

Khi mà dùng thuốc chúng ta thấy khó chịu, thấy đầy bụng, bầm tím chúng ta lo ngại chuyện chảy máu thì tốt nhất là chúng ta đi khám lại sớm hơn cả lịch hẹn. Nguyên tắc là không được dừng thuốc, giảm liều hoặc thay các thuốc khác, đấy là điều rất nguy hiểm bởi vì các thuốc chống đông đều có thể nguy cơ nếu chúng ta thay đổi liều, nó sẽ có thể xuất hiện các biến cố tim mạch. Trường hợp nặng nếu như chúng ta có dấu hiệu nôn máu hoặc đi ngoài phân đen, phân máu, đi tiểu ra máu cần phải đi khám lại ngay lập tức chứ không đợi đến lịch hẹn hay chờ người nhà thu xếp thời gian. Chưa lên được cơ sở y tế điều trị cho mình thì đến khám tại cơ sở y tế gần nhà mình nhất.

Trong chương trình, một bệnh nhân cao tuổi đã băn khoăn khi hay quên uống thuốc do trí nhớ kém nên bệnh tình không được ổn định và bệnh nhân muốn biết phải xử trí thế nào trong trường hợp này. Trả lời câu hỏi của bệnh nhân, Bác sĩ Bùi Quang Thắng cho biết, đây là vấn đề rất hay gặp ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim:

Nếu như mình quên thuốc, nếu trong ngày bệnh nhân nhớ ra mình quên thuốc thì bệnh nhân uống lại thuốc càng sớm càng tốt. Nếu đã quên ngày hôm đấy thì ngày hôm sau vẫn duy trì liều cũ chứ không được tăng liều lên gấp đôi. Trường hợp nếu bệnh nhân quên thuốc nhiều sớm, thì việc dùng thuốc lại càng sớm càng tốt. Nếu xuất hiện các triệu chứng như là đau ngực khó thở, hoặc bất kỳ khó chịu nào đi kèm thì bệnh nhân nên được khám lại ngay lập tức. Nếu bệnh nhân không có bất thường thì dùng thuốc lại càng sớm càng tốt. Đi khám lại chúng ta phải thông báo cho bác sĩ việc chúng ta đã dừng thuốc lại một quãng thời gian. Để đỡ quên thuốc thì tốt nhất nên uống thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày. Sau bữa ăn sáng, sau ăn trưa hoặc sau ăn tối.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 10 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số 11 với chủ đề “Thuyên tắc huyêt khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật: Làm sao để nhận biết nguy cơ và dự phòng hiệu quả?” với khách mời là PGS.TS Trần Bảo Long - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ lên sóng vào lúc 15h ngày 29/7. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khoẻ hơn” số 10: “Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO