Trong nước

Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp 09/09/2024 - 11:25

Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về một quốc gia số. Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP; và Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

chuyen-doi-so-16609887995321082627469.jpg
Ảnh minh họa

Với mục tiêu rất cao mà chương trình đề ra, cần phải quyết liệt phấn đấu mới thực hiện được đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP và năm 2030 đạt 30% GDP; đồng thời, 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025, và đến năm 2030, có 80% dân số sử dụng được các hệ thống số trong dịch vụ công và nhiều dịch vụ ứng dụng số trên toàn quốc.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi

Chuyển đổi số quốc gia là một cuộc cách mạng trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tạo môi trường lành mạnh và minh bạch trong quản trị đất nước và phát triển dịch vụ, nhằm đem lại tiện ích cho người dân trong tiến trình hội nhập quốc tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ công, viên chức tiếp cận được nhiều nguồn tài nguyên và thực hiện thành công việc nâng cao năng lực làm việc; đồng thời, tạo nguồn nhân lực đa dạng, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, thúc đẩy giao tiếp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong kỷ nguyên số một cách dễ dàng, thuận lợi. Chỉ khi chuyển đổi số thành công, chúng ta mới có được nền tảng quản lý bằng công nghệ vững chắc, để từ đó hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước thành quốc gia công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045 được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây và các công nghệ khác nhằm thực hiện các mối liên kết chính giữa thế giới thực và không gian kỹ thuật số đã và đang có những tác động thuận lợi và cả những thách thức đối với mọi mặt trong đời sống xã hội, đặc biệt là mối đe dọa tiềm ẩn trong sử dụng không gian mạng. Trong khi đó, việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế của nước ta cũng chịu nhiều tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, việc hoàn thiện khung thể chế và pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số là vô cùng quan trọng.

Việc điều chỉnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ hỗ trợ tất cả các tổ chức kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Thay đổi hoàn thiện chính sách theo khuôn khổ mới sẽ giúp đất nước phát triển đồng bộ hơn, bộ máy vận hành trơn tru hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cho phát triển bền vững, nâng cao năng lực thực thi pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý trong tất cả các lĩnh vực quản lý công giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực kinh tế vùng và hội nhập quốc tế. Chính sách pháp lý phải rõ ràng minh bạch trong qua trình hợp tác (international standards – OCDE rules, protecting investors – legal framework - compliance) và cập nhập kiến thức về luật quốc tế, trọng tài quốc tế và chính sách của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

ngaychuyendoisoquocgia-scaled-2048x1228.jpg
Ảnh minh họa

Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ nguyên số, ngành quản lý hành chính cũng chịu nhiều áp lực quốc gia về tiêu chuẩn, quy tắc và quy định liên quan đến công nghệ số và tương tác số trong liên quan đến đảm bảo an ninh và sử dụng an toàn không gian mạng. Từ đó cho thấy, việc hoàn thiện thể chế về khung pháp lý bản quyền sử dụng công nghệ cũng cần được nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh, sửa đổi theo xu hướng phù hợp hơn với pháp luật quốc tế hiện đại, trong đó có việc sử dụng các ngân hàng dữ liệu số giúp cho các tỉnh, thành Việt Nam có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý hành chính từ các hệ thống quản lý tiên tiến khác trên thế giới.

Xây dựng hệ thống quản lý dựa trên nền tảng kỹ thuật số

Ngày 20/05/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ” đề cập nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các loại thị trường và các yếu tố thị trường, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ, kinh tế số và thị trường số.

Với việc xác định nhiệm vụ và mục tiêu rõ ràng trong Nghị quyết số 50, cho thấy yêu cầu xây dựng nền tảng kinh tế số cho quốc gia và quản lý hành chính công vô cùng quan trọng. Đây được coi là tiền đề và nền móng để hình thành, phát triển nền kinh tế số, bởi nền tảng kỹ thuật số sẽ cung cấp, xây dựng kiến trúc hạ tầng bao gồm nhiều chức năng có thể đáp ứng trong giai đoạn khởi đầu và dễ dàng bổ sung, điều chỉnh phù hợp theo thời gian, nhu cầu phát triển của đất nước, nhu cầu phát triển kết nối chia sẻ dữ liệu từ trung ương đến địa phương, ứng dụng thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội

Từ số liệu thực tế từ các tổ chức quốc tế, có thể nhận thấy họ đã chấp nhận chi ra một khoản ngân sách khá lớn của mình để xây dựng nền tảng kinh doanh ứng dựng kỹ thuật số. Điều này một lần nữa khẳng định nền tảng kỹ thuật số vô cùng quan trọng đối với việc quản trị quốc gia trong thời đại 4.0, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả, cần phải tính toán kỹ lưỡng và lựa chọn tối ưu liên quan đến các giải pháp mới, công nghệ mới và phương thức triển khai mới. Đây có thể được xem là bước đi vô cùng thận trọng, có tác động lớn đến quá trình hoàn thiện thể chế, định chế tài chính liên quan đến việc kế hoạch chi ngân sách, quản lý và phân bổ ngân sách cho mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Dù vậy, với định hướng chiến lược đầu tư dài hạn, ngân sách được chuẩn bị đầy đủ để thực hiện được việc xây dựng nền tảng kỹ thuật nhằm đáp ứng chuyển đổi sang kinh tế số, cần có những chính sách thực thi pháp luật hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời lựa chọn công nghệ, xác định mục tiêu kỳ vọng, thiết lập kế hoạch phát triển, đảm bảo duy trì phát triển lâu dài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ khả năng tiếp nhận, vận hành hệ thống được chuyển giao từ các nhà cung cấp trong suốt quá trình xây dựng nền tảng kinh tế kỹ thuật số.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

* TS. Nguyễn Hoàng Hiệp hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO