Tôi vui mừng đón nhận món quà Xuân thật ý nghĩa từ hai người anh, hai người đồng đội mà chúng tôi hay gọi là “tiên sinh”. Đó là hai cuốn sách mà chỉ đọc qua tựa đã thấy hấp dẫn. Hai cuốn sách không chỉ giá trị về mặt hàm lượng thông tin, thông điệp mà còn là hiện thân phẩm chất nhân văn của tác giả.
Luận bàn và suy ngẫm - Góc nhìn từ thực tiễn
Tác giả cuốn sách mang tính chính luận này là Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Cuốn sách gần 300 trang tập hợp những bài viết, những phát biểu của tác giả ở những thời khắc khác nhau trong khoảng thời gian từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng đến nay. Đúng như tên gọi của tập sách, “từ góc nhìn thực tiễn” tác giả là người trong cuộc đã “luận bàn và suy ngẫm” về những gì mắt thấy tai nghe. Không chỉ thế, ông còn dấn thân, thăng trầm, đương đầu với những khó khăn, thách thức.
Từng trải qua những thời khắc lịch sử của các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế, các bài viết của Trung tướng Lưu Phước Lượng không chỉ luận bàn, suy ngẫm về những cảnh huống chiến tranh mà ngay khi còn tại ngũ làm chỉ huy, lãnh đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, Lưu Phước Lượng đã để tâm nghiên cứu về những vấn đề kinh tế văn hóa xã hội và cả đường lối ngoại giao của Đảng.
Từ thực tiễn sôi bỏng ở vùng đất mang tính chất chiến lược Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ, tác giả Lưu Phước Lượng nhìn nhận đánh giá sự kiện và nhân vật với phương pháp luận biện chứng và khoa học. Là người được đào tạo cơ bản qua trường lớp chính quy, nhưng các bài viết, bài nói của Lưu Phước Lượng không nhuốm màu kinh điển mà đắm chìm trong thực tiễn phong phú và đa dạng của từng chặng đường cách mạng.
“Luận bàn và suy ngẫm - Góc nhìn từ thực tiễn” góp phần khắc họa sâu sắc chân dung tác giả với cách nghĩ, cách làm không lẫn vào đâu được. Bởi thế, dù không còn đảm nhiệm trọng trách trong quân đội và hệ thống chính trị, Lưu Phước Lượng vẫn được đồng đội và nhân dân tin tưởng, gửi gắm.
Tác giả của “Dấu ấn cuộc đời” được mọi người quan tâm, chia sẻ nay càng lan tỏa những niềm tin và sự gửi gắm trong chặng cuối “nối dài sự cống hiến”. Với vai trò tư vấn cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, ông đã góp phần định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt để tổ chức của những người thiện nguyện hoàn thành sứ mệnh trái tim: tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
Văn hiến xứ Đông
Đó là tập sách mới của tác giả Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; hiện tại là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Với độ dày gần 400 trang, tập sách tập hợp những bài ghi chép, biên khảo, trao đổi của tác giả trên lĩnh vực ông được phân công phụ trách trong vài thập kỷ gần đây.
Xuất thân là thầy giáo dạy cấp 3, đã từng có những năm tháng đứng lớp nơi tuyến lửa Quảng Bình, khi trở về quê hương Xứ Đoài, Nguyễn Hữu Oanh được giao làm cán bộ lãnh đạo cấp huyện (Bí thư Huyện ủy) và cấp tỉnh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Văn Xã). Đây chính là mảnh đất màu mỡ để thầy giáo Nguyễn Hữu Oanh vun trồng ước mơ và khát vọng, đó là nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và thực hiện việc tôn tạo, lưu truyền các giá trị văn hóa Xứ Đoài (bao gồm cả đất và người) lưu danh cho muôn đời con cháu.
Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã viết trong lời giới thiệu: Cuốn sách của Nguyễn Hữu Oanh là một nghĩa cử về sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các tiền nhân, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Sự biết ơn, tri ân ấy được minh chứng rõ nét từ việc nói đến làm của tác giả.
Trong hơn một thập kỷ từ 1997, Nguyễn Hữu Oanh cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Hải Dương và cộng sự của ông đã khơi thông dòng chảy về nhận thức các giá trị trầm tích văn hóa xứ Đông. Điểm độc đáo là tác giả đã mượn nhân vật giáo sư Hoàng để thực hiện các cuộc trao đổi, từ đó làm “sống lại” các di tích, cụm di tích lịch sử văn hóa, tâm linh như cụm danh thắng Côn Sơn- Kiếp Bạc, Chí Linh- Yên Tử, Văn Miếu - Mao Điền… gắn với những nhân vật lịch sử lỗi lạc: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Khúc Thừa Dụ… đã thực sự sống lại. Những tầng vỉa trầm tích được lan tỏa một cách khách quan, thuyết phục giữa người thực việc thực.
Có thể nói, “Văn hiến Xứ Đông” là một kho tư liệu quý về đất và người của một trong những vùng đất cổ tích và huyền thoại của dân tộc ta. Và tác giả cuốn sách ấy đang tiếp tục “hành quân” trên hành trình và sứ mệnh lịch sử tri ân tiền nhân - những người có công dựng nước và giữ nước, trong đó có các anh hùng liệt sĩ thời đại Hồ Chí Minh.