Đời sống

Hà Nội đề xuất khôi phục lại các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng

PVA 11/03/2024 - 10:52

Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội sắp tới sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô đề xuất bổ sung một số chính sách đặc thù so với chính sách chung áp dụng cho các địa phương khác.

Trong số đó, một chính sách đặc thù đang được Chính phủ đề xuất là khôi phục lại hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) vốn đã loại bỏ trên cả nước từ năm 2020 sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP 2020) có hiệu lực.

Cụ thể theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất, hợp đồng BT là hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi nhà đầu tư chuyển giao công trình sẽ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.

Nếu đề xuất này được thông qua, Hà Nội sẽ trở thành địa phương thứ hai sau TP. Hồ Chí Minh được triển khai mới dự án BT sau khi Luật PPP có hiệu lực năm 2020.

Theo đề xuất của Chính phủ, hình thức hợp đồng BT sẽ được áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường, hạ tầng kỹ thuật thủy lợi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trước khi có Luật PPP 2020, Hà Nội đã triển khai các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất và thanh toán bằng tiền. Thời gian tới, Hà Nội có nhiều công trình giao thông, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch và các sông khác… cần thiết phải bố trí nguồn vốn ngân sách, huy động tối đa nguồn lực xã hội với các phương thức hợp tác đa dạng tham gia vào đầu tư.

Do đó, việc đề xuất thực hiện các dự án này theo hợp đồng BT bằng tiền hoặc đất sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội khi ngân sách chưa kịp thời đáp ứng.

tay ho 9.jpg
Dự án BT theo dự thảo Luật Thủ đô linh hoạt hơn về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư, được phép triển khai sớm hơn. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà.

Khái niệm “hợp đồng BT” trong dự thảo Luật Thủ đô về cơ bản tương đồng với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT tại Hà Nội có sự mở rộng so với TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh việc thanh toán bằng tiền thì nhà đầu tư có thể được Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất. Đây là cơ chế đã được áp dụng trước khi Luật PPP 2020 ra đời, chẳng hạn tại Nghị định 63 năm 2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Một quy định khác cũng “ưu ái” hơn cho Hà Nội là thời điểm tiến hành lựa chọn nhà đầu tư dự án BT: theo dự thảo Luật Thủ đô, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi thiết kế cơ sở (thiết kế bước 1) được phê duyệt; tuy nhiên theo chính sách áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh sau thiết kế cơ sở (thiết kế bước 2) được phê duyệt.

Như vậy, so với chính sách áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh thì dự án BT theo dự thảo Luật Thủ đô không chỉ linh hoạt hơn về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư mà còn được phép triển khai sớm hơn.

Theo vietnamnet.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề xuất khôi phục lại các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO