Góp ý Dự thảo Luật Đất đai: Đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất bị thu hồi

Văn Kỳ| 28/02/2023 11:05

BVCL - Trong số những điểm mới tại Dự thảo Luật Đất đai lần này có nội dung đáng chú ý liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định chi tiết, rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất bị thu hồi.

gop-y-du-thao-luat-dat-dai-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-su-dung-dat-bi-thu-hoi-hinh-anh01532302289.jpg
Người bị thu hồi đất phải được bảo đảm quyền lợi khi thu hồi đất là điểm mới trong Dự thảo luật sửa đổi (minh họa).

Tại Luật Đất đai 2013, nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến đất bị thu hồi quy định tại Mục 2 (từ Điều 74 tới Điều 87). Tuy nhiên, nhìn chung các quy định chưa chi tiết, rõ ràng. Trong đó, Điều 74 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất chỉ có 3 khoản: “1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.

Trước khi Dự thảo này được Quốc hội thông qua, đây được xem là kim chỉ nam để nhà nước thực hiện bồi thường cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, sự thiếu chi tiết, không có lộ trình cụ thể mà chỉ nói chung, việc bồi thường phải: “dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật” đã khiến việc áp dụng còn có tính mơ hồ.

Các con số thống kê liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong đất đai thì lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn chiếm tỷ lệ cao. Không chỉ tăng về thời gian, không gian mà gần đây nó trở thành vấn đề nổi cộm của xã hội khi Nhà nước đẩy mạnh dự án đầu tư công. Đặc biệt, vấn đề đất đai phát triển nóng, rất nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực làm dự án bất động sản, cần các quỹ đất.

Thực tiễn đã xảy ra các khiếu nại tố cáo như: đền bù rẻ không sát giá trị, không thực hiện tái định cư, không hỗ trợ… triền miên tại lĩnh vực đầu tư tư nhân. Trong đó có các trường hợp nổi cộm như người sử dụng đất bám trụ đất, không nhận suất tái định cư, liên tục tố cáo, khiếu nại, khiếu kiện, chống đối kéo dài. Nhìn bình diện chung, thực trạng này không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn gây bất ổn chính trị…

Tại Dự thảo Luật Đất đai lần này được nhà làm luật thiết kế tại Chương 2, chia làm 4 mục, từ Điều 89 đến Điều 110, đây được xem là bước tiến đáng kể so với Luật Đất đai 2013. Cụ thể, nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 89 tăng lên thành 6 khoản (so với 3 khoản tại Điều 74, Luật Đất đai 2013).

Sự tăng về số lượng khoản là chi tiết hóa cách thức thực hiện bồi thường, lộ trình bồi thường, không còn mang tính chung, mơ hồ như trước. Đặc biệt, Dự thảo luật lần này có quy định một nội dung khá hay tại khoản 4: “Việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất”.

Cho tới trước khi có Dự thảo luật lần này, nội dung phương án bồi thường được nêu mờ nhạt, không cụ thể và không có lộ trình dẫn đến việc áp dụng không đồng bộ, thống nhất tại các địa phương. Lần này dự luật nêu rõ và đưa thành nguyên tắc, có nghĩa trước khi thu hồi đất của người sử dụng, nhà nước phải hoàn thành xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nếu chưa có phương án được phê duyệt, thì cơ quan Nhà nước không thể ban hành quyết định thu hồi đất. Một trong những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất.

Điều này cho thấy, nhà làm luật đã hướng đến đề cao, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, tạo hành lang, lộ trình cho cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền chủ động thực hiện. Hi vọng, Điều luật này sẽ được Quốc hội thông qua để khắc phục được những hạn chế trong luật trước. Đồng thời chấm dứt được thực trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo trong lĩnh vực này.

Điều 89, Dự thảo Luật Đất đai  

Điều 89. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất  

1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 90 của Luật này thì được bồi thường.  

2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.  

3. Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.  

4. Việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.  

5. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.  

6. Chính phủ quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai: Đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất bị thu hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO