Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Di sản văn hoá nhân loại “Đờn ca tài tử”

Thu Trang | 09/03/2023 11:18

BVCL - Trước guồng quay của cuộc sống hiện đại, nghệ thuật đờn ca tài tử đang đối mặt với nguy cơ bị mai một.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Đây là loại hình mang giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, trước guồng quay của cuộc sống hiện đại, nghệ thuật ĐCTT đang đối mặt với nguy cơ bị mai một.

Di sản văn hoá nhân loại

ĐCTT là kết tinh của nghệ thuật dân tộc Việt Nam, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ hàng trăm năm qua. Mỗi khi một bản ĐCTT được cất lên, người nghe như thấy được ở đó tiếng lòng cùng những tâm tư, tình cảm của người dân vùng miệt vườn sông nước với những con người trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường.

anh-1-don-ca-tai-tu.jpeg
Một ban nhạc Đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911

ĐCTT được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 trên mảnh đất phương Nam, có nguồn gốc từ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Đình Huế trong quá trình mang gươm đi mở cõi, đã mang theo những điệu thức của nhã nhạc, ca Huế. Lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện thêm hình thức ca nên gọi là đờn ca.

Theo nghiên cứu của GS.Trần Văn Khê, ngôn ngữ âm nhạc của đờn ca rất tinh vi, mỗi chữ nhạc không có độ cao tuyệt đối hay độ cao tương đối cố định nhưng tùy theo điệu thức hoặc kỹ thuật đờn mà có một cao độ khác nhau: Tiếng đờn non là cao độ thấp một chút, tiếng đờn già là cao độ cao một chút, độ cao thấp do thầy dạy và học trò làm theo. Nếu nhấn quá cao hay quá thấp thì bị lạc hơi.

Muốn diễn tả tình cảm, ĐCTT có nhiều điệu thức khác nhau, trong giới nhà nghề thường gọi là “Hơi”: Hơi Bắc vui tươi; hơi Quảng nhộn nhịp như nhạc Quảng Đông; hơi “Xuân” thanh thản; hơi “Ai” buồn.

ĐCTT được sinh ra từ trong đời sống của nhân dân, nên không hề câu nệ về trang phục, chỉ khi biểu diễn ở sân khấu hay các buổi lễ trang trọng họ mới chưng diện, trang phục phù hợp. Người hát đờn ca có thể tụ họp nhau trên những bộ ván, hoặc chiếu, dưới những bóng cây, trên con thuyền hoặc trong những đêm trăng sáng, tiếng đờn ca cất lên càng thêm thắm đượm, trữ tình.

anh-2-don-ca-tai-tu.jpg
Biểu diễn Đờn ca tài tử cho khách du lịch

Có nhiều quan điểm cho rằng, ĐCTT vừa mang tính bình dân, lại vừa mang tính bác học. Quan điểm này dường như là có phần mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy hoàn cảnh ra đời của đờn ca tài tử là trong đời sống lao động, nhưng những điệu đờn, lời ca theo những người đi mở cõi phương Nam vốn dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam.

Trên nền tảng ấy, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bản gốc (bài Tổ) gồm: 3 Nam (Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước), 6 Bắc (Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản), 7 Lễ (Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc), 4 Oán (Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng; 4 bài Oán phụ.

ĐCTT được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo. Nhạc cụ được sử dụng trong ĐCTT gồm: Đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song, loan… từ khoảng năm 1930 có thêm đờn ghi ta phím lõm, Hạ Uy Di được cải biên đưa vào nhạc tài tử.

anh-3-don-ca-tai-tu.jpg
Đờn ca tài tử Nam Bộ được Unessco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2013

Người thực hành ĐCTT gồm: Người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi nhạc cụ; người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến… người đờn (danh Cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (danh Ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.

ĐCTT được truyền dạy theo hai hình thức: Truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp tại nhà, câu lạc bộ gia đình, dòng họ; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia. Người học đờn cần ít nhất 3 năm để học những kỹ năng cơ bản như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy…học chơi độc chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ khác nhau. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo ra cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc.

Với những giá trị to lớn về nghệ thuật, tinh thần, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2013.

Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT từ cơ sở

anh-4-don-ca-tai-tu.jpg
Nhạc cụ trong Đờn ca tài tử gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam…

Nghệ thuật ĐCTT hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát Đờn ca tài tử nhất. Đối với người phương Nam, nghệ thuật ĐCTT là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng.

Là nơi sớm tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật ĐCTT từ đầu thế kỷ XX, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Kiên Giang luôn tích cực thực hiện các biện pháp nhằm vừa bảo tồn, vừa thúc đẩy hoạt động ĐCTT. Thời gian qua, số câu lạc bộ, nghệ nhân và người tham gia sinh hoạt ĐCTT tăng lên ngày càng nhiều ở các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng phong trào ĐCTT trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo nhiều nghệ nhân đang giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT tại Kiên Giang, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần có một địa điểm để các tài tử đờn tập hợp lại, cùng nhau sinh hoạt, tập luyện, học hỏi kinh nghiệm, từ đó nâng cao tay nghề, tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ, tạo cơ sở cho nguồn tài tử đờn trong các buổi sinh hoạt ĐCTT.

anh-5-don-ca-tai-tu.jpg
Chú trọng truyền dạy ĐCTT cho giới trẻ

Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử đã hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ Đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Họ làm nhiều nghề để sinh sống, khi có khách yêu cầu thì tham gia phục vụ văn nghệ. Hoạt động văn hóa cộng đồng này đang góp phần phục vụ du lịch bền vững ở địa phương, duy trì sự đa dạng văn hóa của quốc gia và quốc tế.

Cách đây 5 năm, khi Dự án sân khấu học đường do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại Kiên Giang, khi đó phong trào của tỉnh chưa được khởi sắc nhưng cũng đã thu hút được trên 50 em học sinh tham gia học. Sau đó là một loạt hoạt động tập huấn, giao lưu ĐCTT do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức đã thu hút đông người mộ điệu ĐCTT trong tỉnh tham gia. Mấy năm trở lại đây, Ngày Sân khấu Việt Nam được tổ chức ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh với tấm lòng “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự biết ơn, trân trọng các bậc tiền nhân khai sinh ra bộ môn sân khấu. Nhiều hoạt động của câu lạc bộ trong tỉnh Kiên Giang có mô hình sinh hoạt hấp dẫn, hiệu quả thu hút được đông thành viên tham gia và duy trì sinh hoạt đều đặn, góp phần phát triển phong trào chung của tỉnh.

Một trong những “cú hích” lớn cho phong trào ĐCTT trong tỉnh phát triển mạnh là việc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020”, đến nay đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, phong trào ĐCTT có bước phát triển rộng khắp. Đã tổ chức 2 cuộc thi ĐCTT cấp tỉnh, 6 hội thi ĐCTT cấp huyện và một số chương trình giao lưu nghệ thuật ĐCTT để phục vụ nhân dân, tạo sân chơi bổ ích cho các câu lạc bộ tham gia, nhằm đáp ứng nhu cầu mộ điệu cho những người tham gia sinh hoạt say mê, cống hiến, gắn bó với ĐCTT.

Để tạo sự kết nối và mở rộng không gian sinh hoạt ĐCTT, ngành Văn hóa tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, không gian ĐCTT phục vụ các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội, hoạt động xúc tiến du lịch; tham gia hội thi, giao lưu ĐCTT với các tỉnh, thành phố.

Theo Tiến sĩ Văn hóa, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Mai Mỹ Duyên -Trưởng Ban Giám khảo Hội thi ĐCTT tỉnh Kiên Giang hai năm liền nhận xét: Ở Hội thi ĐCTT tỉnh Kiên Giang hai năm. Bên những mái tóc đã nhuộm màu sương, đã xuất hiện những khuôn mặt thơ trẻ hứa hẹn sự phát triển tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Đây còn là điều kiện để ngành Văn hóa phát hiện tài năng trẻ, bồi dưỡng đào tạo, làm cho đội ngũ kế thừa nghệ thuật dân tộc ngày càng đông đảo. Qua đó, hứa hẹn một lớp kế thừa đầy đam mê với nghệ thuật truyền thống ĐCTT. Theo tôi, đây chính là thành công lớn nhất của Hội thi.

anh-6-don-ca-tai-tu.jpg
Tiếp tục bảo vệ, phát huy nghệ thuật ĐCTT trường tồn cùng với thời gian

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những hạn chế để phong trào ngày càng phát triển mạnh, bền vững thì một số địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều câu lạc bộ ĐCTT còn hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện hoạt động. Việc tổ chức sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa có sự gắn kết giữa các thành viên, sau một thời gian hoạt động dẫn đến tan rã hoặc hoạt động cầm chừng. Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và công tác vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao.

Từ đó để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025”. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng các câu lạc bộ, nghệ nhân ĐCTT; đẩy mạnh các mặt truyền dạy, sáng tác, thực hành ĐCTT; xây dựng môi trường tốt cho hoạt động ĐCTT thông qua các hình thức liên hoan, hội thi, hội diễn; huy động các nguồn lực xã hội, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước để nâng cao chất lượng phong trào; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá ĐCTT...

Với những khởi sắc của phong trào ĐCTT trong tỉnh Kiên Giang, sẽ tiếp tục được phát huy, vang vọng theo dòng chảy của thời gian, lưu truyền cho các thế hệ mai sau và song hành cùng cuộc sống của người dân Kiên Giang nói riêng đã và đang đồng hành cùng với 21 tỉnh, thành khu vực Nam bộ bảo vệ, phát huy nghệ thuật ĐCTT trường tồn cùng với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Di sản văn hoá nhân loại “Đờn ca tài tử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO