Giáo dục

Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Dương Minh 07/12/2023 - 10:43

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn cho hay việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để quản lý, đảm bảo chất lượng, quyền lợi người học.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 06/12, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới quan điểm của Bộ GDĐT về việc đưa việc dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi đó, đa số giáo viên dạy thêm hiện nay là nhỏ lẻ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đề xuất này không mới.

hoang-minh-son-1694262456929378443195.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 06/12.

Trước kia, Luật Đầu tư có quy định đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2012, Bộ GDĐT có ban hành Thông tư 17 quy định việc này, “chứ đây không phải là ý tưởng mới”.

Sau đó, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên Bộ GDĐT bỏ một số điều của thông tư này. Bây giờ mới có đề xuất, đề nghị lại, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Về một số ý kiến cho rằng, đa số giáo viên dạy thêm hiện nay là nhỏ lẻ, Thứ trưởng Bộ GDĐT thông tin, giáo viên tham gia vào dạy thêm theo 3 - 4 hình thức, thầy cô dạy nhỏ lẻ dạy học sinh lớp khác, gia sư, phụ huynh nhờ; tham gia dạy thêm ở các trung tâm; tự thầy cô tổ chức trung tâm đó; có hình thức mới là dạy trực tuyến, một số thầy cô tổ chức một mình, có thêm đồng nghiệp tham gia, quy mô lớn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc dạy thêm, học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm. Nhưng nhiều vấn đề dư luận đặt ra, phụ huynh học sinh quan tâm là con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao; địa phương quan tâm nội dung thế nào; có đảm bảo công khai, minh bạch không.

Ông Sơn cho rằng, việc đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy cô.

“Chúng tôi sẽ hoàn thiện, sửa đổi thông tư để ban hành. Quản lý chất lượng, quản lý về mặt thời gian, trách nhiệm của thầy cô, trong trường hợp nào thì được dạy thêm, có trong trường học không, với đối tượng nào. Chúng tôi cho rằng cái này là cần thiết nên đề xuất lại để đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chứ không thể cứ nói là nhỏ lẻ, bởi dạy trên mạng thì không nhỏ lẻ và nhỏ lẻ cũng phải quản lý”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Trước đó, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sáng 20/11, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy nói "nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập, thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng".

Vì thế, theo đại biểu Huy, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng bị lên án, cần quy định là ngành kinh doanh có điều kiện để tránh biến tướng.

Giải trình trước Quốc hội về dạy thêm học thêm, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế.

Bộ đã có văn bản quy định đầy đủ việc kiểm soát dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường gồm đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường, thực thi công vụ.

Tuy nhiên, môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GDĐT đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

"Nhưng không rõ lý do tại sao từ năm 2020, 2021 việc này không được chấp thuận", ông Sơn nói, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm bên ngoài 53.000 trường học trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO