Đôi nét về Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ

Thành Nhớ - Phúc Khang| 12/03/2023 18:06

BVCL - Vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch hằng năm, Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây được diễn ra, đây là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer, cũng là dịp để người dân gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

anh-1.-ba-con-dan-toc-khmer-tap-trung-lam-le-tai-chua.jpg
Đồng bào dân tộc Khmer tập trung làm lễ tại chùa trong dịp Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm Mới.” Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, thời gian này là lúc giáp nắng và mùa mưa, là thời kỳ kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa. Đây là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc được người Khmer quan niệm là sự khởi đầu cho một năm mới gọi là Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới).

Theo truyền thống, những ngày này người dân tập trung vào chùa. Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Tại chùa các vị Chư tăng tổ chức lễ với những nghi lễ, ý nghĩa khác nhau. Gần đến ngày Tết các vị chức việc của các chùa Phật giáo Nam tông Khmer như (A-Cha, Ban quản trị), quy tựu các con em Phật tử, mọi người cùng với Chư tăng tập trung dọn dẹp, trang trí sơn phết lại ngôi chùa với nhiều màu sắc sặc sỡ rất đẹp.

anh-2.-cac-bac-cao-tang-thuc-hien-nghi-le-tam-phat.jpg
Các bậc cao tăng thực hiện nghi lễ tắm Phật

Các gia đình đồng bào dân tộc Khmer, mọi người tập trung ăn mặc đẹp, mọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn, thức uống, bánh trái, hoa quả, cá thịt… tất cả đều sẵn sàng đầy đủ cho những ngày tết. Gia đình cho dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu được Num-Chrụt (bánh tét), Num-tean (bánh ít) và Num-Kha-Nhây (bánh gừng)…các loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, dùng để cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên; dùng làm lễ vật, đi chùa và để tiếp khách trong những ngày tết.

Tết năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10-15 ngày. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hòa cùng xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày, trong đó ngày thứ nhất có tên gọi là Sang-kran “bước đi, tiến tới”; ngày thứ hai gọi là Wonbơf “thiếu hoặc thừa”; ngày thứ ba gọi là Lơn-sắk “tiến lên, tăng lên”.

anh-3.-tuc-dap-nui-cat-tai-cac-chua-trong-dip-tet.jpg
Tục đắp núi cát dịp Tết Chôl Chnăm Thmây

Trong ngày Tết đầu tiên - Chôl sangkran Thmây, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran,” đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa dù kê, robăm, ramvông...

anh-4.-gia-dinh-dan-com-len-chu-tang-1-.jpg
Gia đình dâng cơm lên chư tăng

Ngày Tết thứ hai - Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày), mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.

Ngày Tết thứ ba - Lơm săk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa.

anh-5.dang-com-len-su-sai-la-mot-trong-nhung-hoat-dong-chinh-trong-dip-tet-chol-chnam-thmay.jpg
Dâng cơm lên sư sãi là một trong những hoạt động chính trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây

Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau trong phum sóc, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệp chuyện tương lai. Cũng như Tết Nguyên đán, thì trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, con em trong gia đình dù đi làm ăn nơi xa đều quay về trong 03 ngày Tết, thể hiện lòng báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình trong năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôi nét về Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO