(BVCL) Diễn viên Tuấn Tú chia sẻ “Lựa chọn số phận” là bộ phim rất giàu tính nhân văn, giàu ý nghĩa và trong phim Tú thấy được ý nghĩa tuyên truyền và giáo dục rất lớn.
Tuấn Tú đang gây bức xúc cho nhiều khán giả với vai thẩm phán Quang trong bộ phim "Lựa chọn số phận" phát sóng trên VTV1. Nhân vật Thẩm phán Quang trong phim "Lựa chọn số phận" là kẻ cơ hội, mưu mô, luôn muốn hạ bệ người khác để khẳng định năng lực của mình.
Quang đố kỵ, ganh ghét với Thẩm phán Cường (Hà Việt Dũng thủ vai). Báo Congly.vn đã có cuộc trao đổi với diễn viên Tuấn Tú xung quanh bộ phim "Lựa chọn số phận" cũng như vai diễn của anh.
Tuấn Tú đang gây ức chế cho nhiều khán giả với vai Thẩm phán Quang trong bộ phim “Lựa chọn số phận” phát sóng trên VTV1, Cơ duyên nào dẫn anh đến với vai diễn này?
Tuấn Tú đến với “Lựa chọn số phận” bằng một cơ duyên tình cờ bởi lẽ trước khi Tuấn Tú đến với bộ phim “Về nhà đi con” Tuấn Tú đã có kế hoạch quay trở lại với khán giả xem truyền hình. Sau một lần uống café với đạo diễn Mai Hồng Phong, là đạo diễn của bộ phim “Lựa chọn số phận”.
Anh Mai Hồng Phong là một người anh rất là thân với Tuấn Tú, trước đó Tuấn Tú cũng có dịp cộng tác với đạo diễn Mai Hồng Phong trong nhiều bộ phim, có thể nói đến bộ phim đầu đời của Tuấn Tú là phim “Lãnh địa đen” thì mình vào vai cảnh sát hình sự, đây là bộ phim đầu tiên trên màn ảnh của Tuấn Tú. Chính vì thế, ngồi tâm sự rất nhiều với nhau, khi đó anh Phong muốn làm “Quỳnh Búp bê” phần 2 và có nói “Thôi mày vào Quỳnh Búp Bê phần 2 đi rất hay”. Nhưng do nhiều yếu tố như kịch bản,… nên Quỳnh Búp Bê phần 2 đã không được làm, vì vậy sau khoảng 1 năm anh Phong có điện và nói anh đang làm một bộ phim về ngành toà án rất hay, và hợp với em.
Tuấn Tú vào vai Thẩm phán Quang trong "Lựa chọn số phận"
Do đó, Tú đi casting thử, và được nhận vào vai Quang. Quả thật trong phim này, nhân vật Quang là nhân vật làm khán giả ức chế, mỗi khi anh ta xuất hiện, thì các câu chuyện đang tiến triển theo cách vui vẻ thuận lợi thì khi Quang xuất hiện sẽ khiến câu chuyện trở nên căng thẳng. Bản thân Tú khi xem “Lựa chọn số phận” thì cũng có cảm giác ức chế với nhân vật này, và Tú nghĩ việc Tuấn Tú và anh Mai Hồng Phong đã bàn bạc rất kỹ để xây dựng hình tượng nhân vật Quang từ nói năng, cách thể hiện, ánh mắt,… đều phải khác với Quốc của “Về nhà đi con”.
Vì thế, khi khán giả cảm thấy khó chịu với Quang trong “Lựa chọn số phận” thì Tú nghĩ mình đã một phần thành công khi không ai nhớ tới Quốc nữa. Đó là điều rất mừng đối với người diễn viên chúng tôi, khi mình vào những vai diễn, những bộ phim với đề tài gai góc cũng như những nhân vật hoàn toàn trái ngược với những vai diễn trước dó, đây là sự thử sức rất lớn. Tú cảm thấy vui khi khán giả có những comment như vậy, dạo này Tuấn Tú không còn livestream nữa vì rất nhiều người khó chịu với mình, họ bị xem phim cuốn quá và quên mất Tuấn Tú là Tuấn Tú chứ không phải là Quang khi ở ngoài đời, và có những lời lẽ rất khó chịu với nhân vật này.
Vai Thẩm phán Quang là vai diễn phản diện đầu tiên trong sự nghiệp của anh? Vì sao anh lại quyết định thay đổi hình ảnh vốn có của mình?
Vai Thẩm phán Quang không phải vai diễn phản diện đầu tiên của Tú. Vai diễn đầu tiên Tú đảm nhận là trong phim “Vòng tròn cạm bẫy” – đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Tú đóng một nhân vật kỹ sư nhưng chuyên đi phá hoại và về sau bị công an bắt. Và một vai diễn phản diện trong phim điện ảnh “Vũ điệu tử thần” Tú đóng cùng Thanh Thuý, Bình Minh.
Sau một thời gian dài, Tuấn Tú mới quay trở lại với làm phim thì với vai thẩm phán Quang là vai thứ 3 Tú đóng phản diện. Với vai diễn này Tú xác định đây là một thử thách rất lớn, Quang là người rất thủ đoạn, anh đặc trưng cho mẫu phản diện. Tú phải chú ý từ ánh mắt, tâm lý cả kể đến những nụ cười để lột tả nhân vật. Những tập tiếp theo các bạn sẽ được xem khi ở gia đình Quang sẽ có những hành xử toan tính ra sao, để lột tả nhân vật này Tú đã phải xem rất nhiều dạng vai khác nhau trên nhiều bộ phim và đặc biệt phải tiếp xúc, xem những thẩm phán ngoài đời khi mà các anh làm việc thì phong thái như thế nào và đặt phong thái đó lên phim vào một vai phản diện quả thật rất khó.
Tuấn Tú và Huỳnh Hồng Loan
Ngoài đời các anh thẩm phán theo quan sát của Tú rất đĩnh đạc, thông minh, giỏi… nhưng khi bản thân diễn một thẩm phán phản diện đòi hỏi Tú phải xem những phim về thẩm phán, luật sư của nước ngoài như Hongkong… và đặc biệt Tú để ý đến những vai phản diện. Tú phải về nhà nhìn mình trong gương để tập luyện ánh mắt, để thuyết phục khán giả đây không phải ông Quốc đây là thẩm phán Quang. Ngay từ những tập đầu khi lên sóng khán giả cũng phản hồi không còn thấy bóng dáng của Quốc, cách thoại Tú cũng phải sửa rất nhiều, Quang luôn thoại một cách rất chậm rãi, rất khiêu khích… gây ức chế cho khán giả. Đây là một thử thách rất lớn, Tú đã cố gắng hết sức để hoàn thành vai diễn, và cho thấy Tuấn Tú hoàn toàn có thể lột xác được với nhiều dạng vai khác nhau.
Ngay từ đầu, đạo diễn Mai Hồng Phong đã chọn anh cho vai Thẩm Phán Quang đầy mưu mô xảo quyệt?
Đúng là bộ phim này Tú phải cảm ơn một số người đã giúp Tú có được vai diễn này. Đầu tiên, là anh Đỗ Thanh Hải người đã nghĩ tới Tuấn Tú ngay khi viết xong kịch bản, sau đó là đạo diễn Mai Hồng Phong cũng là người rất nhiệt tình với Tuấn Tú ngoài việc nhân vật có trong kịch bản thì anh đã thêm rất nhiều để nhân vật thẩm phán Quang được hay hơn. Đặc biệt, lời thoại và cách thể hiện của nhân vật này. Thoại của nhân vật này tương đối ngang trái làm cho khán giả khó chịu với nhân vật là điểm Tú rất thích. Người thứ 3 là anh Thành người casting Tú vào vai diễn này, anh Phương quay phim và các anh chị em trong ekip đã làm cho Tú một vai diễn rất tốt.
Đoàn phim là một đoàn phim rất thú vị, khi mọi người giúp đỡ nhau để chạy đua với sóng, hiện tại Tú vẫn đang quay, để có thể hàng ngày hàng giờ để kịp phát sóng cho khán giả. Hiện tại, kịch bản phim vẫn chưa viết xong đây là một kịch bản mở để có thể lắng nghe những phản hồi của khán giả, để chúng ta có một bộ phim trọn vẹn. Việc làm một bộ phim đề tài chính luận đề tài toà án thực sự khó đòi hỏi tâm huyết và sự cố gắng của cả ekip.
4. Khi nhận vai phản diện, anh có sợ mình sẽ phải hứng “gạch đá” từ dư luận? Đặc biệt là đối mặt với nguy cơ bị “tẩy chay” khi bộ phim kết thúc?
Nếu mình diễn thành công, khán giả thực sự ghét mình, thì mất đi rất nhiều fan hâm mộ vì họ luôn hâm mộ những hình ảnh trong sáng, đúng thôi đúng không? Chứ hình ảnh mảng tối của xã hội như thế này thì ai cũng sợ thôi, ai cũng lo lắng. Nhưng không phải vì thế mà người diễn viên từ chối trách nhiệm và sự khao khát tìm ra con đường nghệ thuật của mình.
Tuấn Tú muốn mình là người diễn viên đa dạng và không đóng khung ở một dạng vai nào cả. Bản thân hiện tại Tú đang phải nghe rất nhiều gạch đá với vai diễn phản diện này, nhưng Tú nghĩ đây là điều may mắn, chứ bạn thử nghĩ xem nếu khán giả xem một vai phản diện mà vẫn yêu vai đó thì lại không phải là thành công. Tú nghĩ được khán giả ghét khi đóng phản diện là thành công. Và Tú nghĩ rằng khán giả xem phim với một tâm thế và cảm nhận nghệ thuật cũng tốt hơn trước rất nhiều.
MC Tuấn Tú tại bối cảnh quay "Lựa chọn số phận"
Người diễn viên phải làm sao cho họ ghét nhân vật mình trong phim nhưng lại yêu cái khả năng của mình khi hoá thân thành nhân vật thì Tú rất hạnh phúc. Những tương tác như: “Trong phim em rất ghét anh Quang, nhưng em lại yêu anh Tuấn Tú ngoài đời”, khiến Tú cảm thấy may mắn khi trong 20 tập phim đầu phát sóng khán giả thấy ghét nhân vật của mình nhưng lại yêu cách hoá thân của Tú.
Anh đánh giá thế nào về sức hút của dòng phim chính luận của Việt Nam hiện tại?
Với kinh nghiệm Tuấn Tú được làm 2 năm tại Uỷ viên Hội đồng phim Quốc gia, và Tú tham gia nghệ thuật từ sớm cách đây 15- 17 năm thì Tú phải nói là từ khi có giờ vàng của phim VTV1, phim chính luận chỉ có 25 phút 1 tập thì đây chính là đột phá của đài truyền hình Việt Nam, của VFC. Bởi vì, thường chúng ta nghĩ dòng phim chính luận rất “căng” nên thời lượng sẽ thu ngắn lại và các tình tiết của bộ phim được đẩy lên rất nhanh, như thế người xem sẽ thấy hấp dẫn hơn rất nhiều và luôn bị cuốn theo tình tiết của phim.
Nói chung các bộ phim chính luận ngắn hay dài 25 hay 40 phút thì luôn có sức sống, các đạo diễn đã có sự xử lý rất mềm mại. Đặc biệt trong phim “Lựa chọn số phận” những yếu tố về hình sự, về tình yêu, các mối quan hệ của giới trẻ, các trends, các mối quan tâm của xã hội đều được đặt vào trong phim một cách rất đời thì các bộ phim ấy mặc dù chủ đề khô khan về toà án nhưng các đạo diễn vẫn làm được bộ phim đề tài chính luận không bị nhàm chán, hô khẩu hiệu như trước đây. Tú nghĩ dòng phim chính luận có sức sống không chỉ với khán giả lớn tuổi mà ngay cả khán giả trẻ cũng yêu thích. Đó là điều rất thành công với mức độ phổ biến rộng.
Tuấn Tú và Huỳnh Anh
Còn một điều nữa các nhà làm phim hiện nay về đề tài chính luận đã khắc phục được đó là Lời thoại. Lời thoại dựa theo luật, theo chuẩn mực của xã hội, các đạo diễn đã dùng hình ảnh, dùng lời thoại chân thực hơn và cách xử lý tình hống nhanh, với những phân đoạn được cắt ghép với nhau vừa truyền tải được thông điệp vừa rất đời thường khiến khán giả không bị nhàm chán, đó là điều Tú nghĩ các đạo diễn đang làm rất tốt.
Trong “Lựa chọn số phận” đạo diễn Mai Hồng Phong đã làm cho khán giả không bị khó chịu khi phải theo dõi những điều luật, khi các phiên toà diễn ra với những kỹ thuật làm phim chúng ta thấy nhưng tình tiết gay cấn, sôi nổi, và các hình ảnh được diễn ra liên tục khiến khán giả không nhàm chán và họ lại hiểu thêm về luật. Đây cũng là một cách tuyên truyền về luật một cách rất hay qua những bộ phim như thế này.
Áp lực mà anh phải đối mặt khi lần đầu tham gia một bộ phim về ngành Tòa án?
Lần đầu tiên, làm một bộ phim đặc trưng về ngành Toà án, đây là vinh dự cho Tuấn Tú. Sau “Sinh Tử” nói về Viện kiểm sát, thì “Lựa chọn số phận” là bộ phim nói về ngành Toà án mà Tú may mắn được đóng phim này. Bộ phim đặc trưng về ngành toà án là thể loại rất khó vì khi chúng tôi đóng thì chúng tôi phải hiểu luật và chúng tôi phải có cái uy nhất định để khi khán giả xem họ tin được chúng tôi là những thẩm phán thật chứ không phải những diễn viên. Và để khán giả tin được, thì từ trong ánh mắt, cách nói, và lời thoại chúng tôi phải hiểu nó, vì vậy tất cả những cảnh quay liên quan đến xử án, tiếp bị cáo, bị can… thì chúng tôi đều phải có sự nghiên cứu kịch bản, điều luật kỹ lưỡng để khi chúng ta truyền tải đến người xem khán giả mới thấy được sự chân thật, chứ nếu không sẽ giống như học thuộc lòng.
Đặc biệt, Tú thấy khi đóng phim về ngành Toà án sẽ làm cho người dân hiểu rõ luật hơn, cảm thông và hiểu hơn về những người làm trong ngành tư pháp, ngành Toà án. Họ là những người phải đối mặt rất nhiều sự hiểm nguy, những khó khăn.
Khi Tú làm phim này thấy các anh chị vất vả thật, có anh chị tâm sự cả gia đình đi theo nghề này. Khi mẹ các anh chị xem bộ phim này mới thấy rằng nghề các con hiểm nguy như vậy à? Mẹ cứ nghĩ rằng chỉ đơn giản là đến toà thôi nhưng thực ra rất phức tạp.
Trong ngành nghề nào cũng vậy thôi, cũng có những con sâu, mà chúng tôi đang điển hình hoá lên qua phim ảnh để có những ông Nghĩa hay thẩm phán Quang để chúng ta xem chúng ta hiểu cái sự cám dỗ của kinh tế thị trường, bản thân những người thẩm phán xem họ cũng có những bài học rút ra cho riêng mình. Tú nghĩ đây là bộ phim rất giàu tính nhân văn, giàu ý nghĩa và trong phim Tú thấy được ý nghĩa tuyên truyền và giáo dục rất lớn. Hy vọng mọi người xem sẽ luôn ủng hộ và theo dõi, góp ý để chúng ta có cái kết của phim thật thành công.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!