Đắk Lắk – Mảnh đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế

Mạnh Hưng| 19/11/2022 08:55

BVCL - Đắk Lắk là tỉnh ở trung tâm vùng đất Tây Nguyên với địa hình đồi núi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và giàu tiềm năng phát triển, tỉnh đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đất Tây Nguyên.

Đắk Lắk là một tỉnh lớn thứ 4 với diện tích 13.125,37 km2 nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba. Đắk Lắk ở độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, nằm0020cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Đắk Lắk có biên giới phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp với tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, phía Nam giáp với tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp với Campuchia.

Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2016 đạt 1.869.322 người, mật độ dân số đạt hơn 135 người/km². Trong đó, dân số sống tại thành thị đạt 462.013 người, chiếm 24,7% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn đạt 1.407.309 người, chiếm 75,3% dân số. Dân số nam giới đạt 942.578 người, trong khi đó nữ giới đạt 926.744 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 0,75 %. Đây cũng là tỉnh đông dân nhất vùng Tây Nguyên với hơn 1,8 triệu dân. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2021 đạt 24,72%. Dân số tỉnh phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, thị trấn, huyện lỵ, ven các trục Quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana. Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Ea Hleo v.v…

Nghị quyết đại hội lần thứ 17 của tỉnh đã chỉ rõ mục tiêu của tỉnh đến năm 2025: “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học – công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tằng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ khiến nhiều lĩnh vực mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh gần như tê liệt thì tổng thu ngân sách của tỉnh vượt dự toán của Trung ương và HĐND tỉnh giao. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh ước thực hiện hơn 7.068 tỷ đồng, đạt 86,2% so với dự toán năm và tăng 23,88% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm sáng trong thu ngân sách của tỉnh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sau khi đại dịch COVID-19. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát các doanh nghiệp bước vào ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh kéo theo các nguồn thu tăng vọt.

Đến với Đắk Lắk là đến với mảnh đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Thủ phủ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là trung tâm kinh tế của tỉnh và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột viết chính xác là Buôn Ama Y Thuot (Buôn: làng, Ama: cha, Y Thuột tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng, người có công sáng lập ra buôn làng sớm nhất, để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.

1.jpg
Ngã 6, điểm giao nhau giữa quốc lộ 26 và quốc lộ 14, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Điểm nhấn là tượng đài ngã sáu với hình ảnh chiếc xe tăng bằng thép mở đầu trận đánh Buôn Ma Thuột

Đắk Lắk là tỉnh ở trung tâm vùng đất Tây Nguyên với địa hình đồi núi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, êm đềm với các cung đường bạt ngàn màu xanh mang đến trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc cho những ai được từng có dịp đặt chân đến tham quan và trải nghiệm. Đến với Đắk Lắk, du khách sẽ được tận mắt trải nghiệm mảnh đất cao nguyên giữa đại ngàn vừa thơ mộng huyền ảo, nơi giao thoa của 49 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35.7% dân số. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tham quan nhiều địa danh nổi tiếng như Thác Dray Nur, Dray Sap, hồ Lăk, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Làng Cà Phê, Bảo tàng thế giới cà phê, Chùa Khải Đoàn,... và địa điểm mới quảng trường Voi Premia Square với Song tượng Thịnh Vượng - biểu tượng của trẻ trung, năng động..

2.jpg
Song tượng Thịnh Vượng - biểu tượng của trẻ trung, năng động
3.jpg
Hồ Lắk – Hồ nước ngọt lớn thứ hai Việt Nam với vẻ đẹp hoang sơ giữa thiên nhiên Đắk Lắk

Với lợi thế to lớn của vùng đất cao nguyên đất đỏ bazan rộng lớn đầy nắng và gió, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và áp dụng khoa học – công nghệ vào sản suất, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng và sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 182.343ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Tỉnh cũng là nơi trồng bông, cacao, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời, là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác, như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài...đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.

4.jpg
Cây cà phê – Cây trồng chủ lực của vùng cao nguyên Đắk Lắk

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh và bền vững. Với tiềm năng to lớn của một cao nguyên về phát triển điện năng lượng tái tạo, trong có đó điện gió, Đắk Lắk đang trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tỉnh Đắk Lắk hiện đang hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Tây Nguyên với điện gió.

5.jpg
Nhà máy điện gió Ea Nam – Cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha thuộc các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo), có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Vừa qua, nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên”.

Với những lợi thế trên, Đắk Lắk đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, phù hợp với yêu cầu phát kiển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và định hướng phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk – Mảnh đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO