Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng đồng bào dân tộc Cao Bằng

Nguyễn Liên| 25/08/2021 16:44

BVCL - Mỗi lần trở về với Cao Bằng, Đại tướng đều lên thăm Pác Bó, thăm khu rừng Trần Hưng Đạo; thăm hỏi đồng bào các dân tộc, những người đã tin yêu, quý mến, bảo vệ, nuôi và che chở cho cán bộ cách mạng. Đáp lại tình cảm ấy, các dân tộc ở Nguyên Bình nói riêng và quê hương cách mạng Cao Bằng nói chung đều coi Đại tướng như người con của quê hương mình, dân tộc mình với cái tên gần gũi "Bác Văn"

Với người dân các vùng như Tam Kim, Hưng Đạo, Hoa Thám, Minh Tâm… huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường được gọi với cái tên thân thiết, trìu mến: bác Văn. Trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây, Đại tướng là một phần lịch sử của mảnh đất này.

a1...jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh tặng quà cho cụ bà Ma Thị Thiết là người Tày- năm nay đã 99 tuổi, ở thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cụ là một trong những Đảng viên đặc biệt trên mảnh đất cội nguồn cách mạng này.

Cụ bà Ma Thị Thiết là người Tày- năm nay đã 99 tuổi, ở thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cụ là một trong những Đảng viên đặc biệt trên mảnh đất cội nguồn cách mạng này. Trong khoảng những năm 1941 đến 1944, thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tên gọi "Anh Văn" được Bác Hồ giao xây dựng căn cứ, lực lượng tại khu vực các châu Hòa An, Nguyên Bình, gia đình bà Dương Thị Thiên, mẹ đẻ cụ Thiết tại xóm Thẳm Gầu, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình đã che chở, đùm bọc Đại tướng và các đồng chí của mình.

Sau lần ốm nặng được cụ Thiên cứu chữa, Đại tướng đã nhận cụ Thiên là mẹ nuôi theo phong tục địa phương. Còn cụ Thiết cũng theo truyền thống gia đình đã hăng hái tham gia cách mạng và được Đại tướng đặt bí danh là Tự Tín. Hàng ngày cụ bí mật đưa cơm cho Đại tướng hoặc làm công việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Năm 1943, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giới thiệu cô gái người Tày khi ấy mới tròn 20 tuổi vào hàng ngũ của Đảng. Chồng cụ Thiết, ông Trương Nam Hiến, cũng là một người hoạt động cách mạng cùng bác Văn trong khoảng thời gian này.

Bà Ma Thị Minh Thương, con gái cụ Thiết cho biết: "Khi hỏi bà khi xưa bà đi đưa cơm cho bác Giáp ai theo dõi bà không, bà đưa kiểu gì, cơm cho bác ăn thì có gì? Bà bảo, chỉ có cơm không thôi, có thêm chút muối nữa, chỉ như mang đi chăn trâu mình ăn thôi, chứ không có gì cả. Ngày trước con gái Tày thường mặc áo dài, tà áo đằng trước gập vào rồi cho cơm vào đó để mang đi. Nghe mẹ tôi kể, rồi trước bà ngoại kể thì cảm thấy bác Giáp giống như bác cả trong gia đình tôi thôi"....

Tháng 8 về, ông Dương Văn Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình, nghỉ hưu tại xóm Nà An, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình kể: Bố của ông, cụ Dương Văn Long từng nhắc câu chuyện, có lần lính dõng khủng bố, vây đuổi, cụ Long và bác Văn đã phải dìu nhau chạy xuyên rừng từ Phai Khắt, cõng nhau vượt sông ở Nà An, Nà Viểng (xã Tam Kim) qua vùng Hoa Thám để trốn thoát. Cụ Long chính là em trai cụ Dương Thị Thiên và được Đại tướng đặt cho bí danh Trọng Khánh. Đây cũng là người được Đại tướng nhắc tới nhiều lần trong trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra”.

Ông Sơn tự hào khi cả bố, mẹ và các bác của mình đều là những bậc lão thành cách mạng, được kề vai, sát cánh cùng bác Văn trong những ngày gian khó nhất. Theo ông Sơn, bố ông kể bác Văn về đây là ăn ở với dân thôi, mặc quần áo như người dân bản, còn học cả tiếng Tày nữa, bác rất thương yêu bà con ở đây, coi người dân ở đây như những người trong làng, trong xóm thôi. Nên được bà con tin tưởng, bác nói gì bà con dân làng nghe theo hết. Cho đến bây giờ bà con vẫn gọi Đại tướng là bác Giáp, bác Văn, gần gũi thế thôi.

4 năm ngược xuôi trên vùng đất từ Hà Quảng, Hòa An sang Nguyên Bình đến các vùng thuộc Cao- Bắc –Lạng, mỗi ngọn núi, ngôi làng ở vùng đất này đều in dấu chân của Đại tướng. Từ dãy núi Dền Sinh, Tác Hát đến ngọn Khau Lảng, Khau Dáng, Phia Vựt, Slam Cao,… nơi nào cũng gắn với những kỷ niệm về "bác Văn". Tự học thành thạo ngôn ngữ, phong tục của người Tày, Nùng, Dao đỏ, Dao tiền để có thể cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động cách mạng- Có lẽ đây là điều khiến người dân nể phục nhất ở "bác Văn"- Võ Nguyên Giáp.

a3-dai-tuong-vo-nguyen-giap-tham-rung-tran-hung-dao-xa-tam-kim-nguyen-binh-nam-1994..jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình) năm 1994.

Ở xã Tam Kim, người dân vẫn kể câu chuyện: Khi thấy bác Văn dù ốm mệt vẫn làm việc thâu đêm, chủ nhà rán một quả trứng gà để bác bồi dưỡng. Vậy nhưng sáng hôm sau, người nhà lại thấy quả trứng được để ngay ngắn cạnh giường của bà cụ trong nhà. Cách sống giản dị, gần gũi ấy đã giúp người dân tin theo đảng, cống hiến hết mình cho cách mạng, bất chấp nhiều gia đình đã bị giặc đến đe dọa, khủng bố, đốt nhà. Cũng chính vì đó, Nguyên Bình đã trở thành căn cứ địa vững chắc, làm bàn đạp để lực lượng cách mạng nam tiến thành công. Ngày 22/12/1944, ngay tại khu rừng Trần Hưng Đạo, dưới chân ngọn núi Slam Cao thuộc xã Tam Kim, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời.

Cao Bằng với Đại tuớng những tình cảm đuợc viết thành những công trình lịch sử của truyền thống cách mạng yêu nuớc nơi linh thiêng mảnh đất cội ngùôn của dân tộc. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ năm 1925, Võ Nguyên Giáp bắt đầu con đường hoạt động cách mạng. Từ năm 1941 - 1945, nhiều hoạt động, sự kiện mà đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện ở Cao Bằng đã góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ (trong đó có 25 người là con em các dân tộc Cao Bằng) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập. Đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Chỉ hai ngày sau khi thành lập, Đội đã ra quân và giành thắng lợi tại 2 trận đánh đồn Phai Khắt (ngày 25/12) và đồn Nà Ngần (ngày 26/12), mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam...

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn mang ý nghĩa chiến lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng với cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân và dân ta, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Đại tướng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa II đến khóa V; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII và đảm trách nhiều cương vị như: Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam… Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đối với Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành một tình cảm đặc biệt sâu nặng. Từ sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, Đại tướng đã 5 lần trở lại thăm Cao Bằng. Những lần Đại tướng về thăm, Cao Bằng như được đón người thân trở về nhà, được đón nhận những lời chỉ bảo ân cần, những bài học sâu sắc, khơi dậy và nhân lên lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.

a2-dai-tuong-vo-nguyen-giap-tro-lai-tham-nhan-dan-pac-bo-ha-quang-nam-1994.-anhtrieu-duong.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm nhân dân Pác Bó (Hà Quảng) năm 1994.( Ảnh:Triều Đương)

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mãi mãi biết ơn và khắc ghi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như những cống hiến của Đại tướng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nguyện tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, trước mắt là phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nỗ lực vươn lên, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, quyết tâm xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với lời căn dặn của Đại tướng: “Cao Bằng đã là ngôi sao sáng trong cách mạng giải phóng dân tộc thì mong rằng đồng bào Cao Bằng vận dụng cái tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tính năng động, sáng tạo của nhân dân các dân tộc, kể cả ở nơi rẻo cao, để làm sao trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, Cao Bằng cũng trở thành một trong những ngôi sao rất sáng”.

a4.jpg
a5.jpg
Sáng 24/8, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021) với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng đồng bào dân tộc Cao Bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO