Chủ tịch OCB nói về khoản vay của FLC và bà Nguyễn Phương Hằng

Q. Chữ| 23/04/2022 15:18

BVCL - OCB cho biết sẽ thu hồi sớm hơn một nửa khoản vay của FLC trong tháng 4 còn Công ty Đại Nam của bà Nguyễn Phương Hằng cũng "thừa khả năng trả nợ".

Tại đại hội cổ đông thường niên sáng 23/4, lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhận nhiều chất vấn của cổ đông về Tập đoàn FLC và Đại Nam, hai khách hàng có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, bà Nguyễn Phương Hằng - những người vừa bị bắt.

1.jpg
Phiên họp đại hội cổ đông OCB sáng 23/4.

Với FLC, OCB hiện là một trong ba ngân hàng cho vay nhiều nhất, sau Sacombank và BIDV. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nói với VnExpress, tổng dư nợ hiện là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con.

Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn thông tin thêm, khoản 1.500 tỷ đồng cho FLC vay tập trung chủ yếu vào hai dự án Tropical 1 và 2 (Hạ cánh và Hạ cánh 2) tại Quảng Ninh. Hai dự án vẫn đang triển khai và khi cho vay có đủ điều kiện pháp lý, chỉ giải ngân khi dự án đã giải phóng mặt bằng. Khoản vay có tài sản đảm bảo bằng bất động sản trên 2.000 tỷ là đất đai có sổ cấp cho chủ đầu tư, không phải từ dự án hình thành trong tương lai.

Theo ông Tuấn, FLC trước nay luôn hoàn thành nghĩa vụ trả gốc lãi và chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ. Ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp gồm tăng cường kiểm soát dòng tiền để đảm bảo thu hồi nợ và đang thương thảo để thu hồi sớm từ 1.200 đến 1.500 tỷ.

"Tuy nhiên, vụ việc ông Trịnh Văn Quyết vi phạm pháp luật là rủi ro lớn với FLC và các đối tác của họ. Với ngân hàng, chúng tôi coi đây là sự việc rất quan trọng", ông giải thích cho việc cần thu hồi nợ sớm.

Theo OCB, chưa tính tới tài sản đảm bảo, số hàng hóa FLC đã bán và khách hàng đang chuẩn bị chuyển tiền về khoảng 2.400 tỷ - đảm bảo đủ khả năng trả nợ.

Với khoản 1.000 tỷ OCB cho Bamboo Airways vay, thế chấp bằng bất động sản, nếu doanh nghiệp này duy trì hoạt động tốt, ngân hàng tuy không cấp thêm vốn nhưng vẫn duy trì dư nợ hiện tại.

"Tóm lại, sự kiện là sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến quản lý danh mục tín dụng của OCB nhưng do đã làm đúng từ đầu và cẩn trọng nên chúng tôi chưa xác định được tổn thất", chủ tịch ngân hàng này chia sẻ.

Trên cương vị là ngân hàng cho vay, ông Tuấn hy vọng việc ông Quyết vi phạm pháp luật lần này chỉ là sự việc có tính cá nhân, Tập đoàn FLC cũng đang khó khăn nhưng cũng đang hợp tác xử lý nợ với ngân hàng.

Ngoài khách hàng là Tập đoàn FLC, danh mục cho vay của OCB cũng có Đại Nam - doanh nghiệp liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thông tin, tổng dư nợ ngân hàng cho Đại Nam vay là trên 1.000 tỷ đồng.

"Nhiều người cứ nghĩ Đại Nam là doanh nghiệp địa ốc nhưng thực chất họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm dịch vụ khu công nghiệp, nhà máy nước, sản xuất găng tay...", ông Tùng nói. OCB không cho vay liên quan đến khu giải trí Đại Nam mà cấp vốn cho nhà máy sản xuất găng tay xuất sang Mỹ của họ.

Sự việc liên quan đến bà Phương Hằng, theo lãnh đạo OCB, là điều đáng tiếc, không nên có và họ cũng chưa từng gặp nhưng khác hoàn toàn với rủi ro của Tập đoàn FLC bởi Đại Nam "thừa sức để trả nợ" cho tất cả khoản vay tại tất cả ngân hàng.

Chủ tịch OCB cho biết sau sự kiện bà Hằng, khách hàng đã trả nợ 450 tỷ đồng ngay hôm qua (22/4). Sắp tới, Đại Nam sẽ thu được khoản tiền 4.500 tỷ và thừa sức trả nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch OCB nói về khoản vay của FLC và bà Nguyễn Phương Hằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO