Trong nước

Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng":Tái hiện bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhật Minh 06/05/2024 - 08:15

Các nội dung chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ quyết thắng", diễn ra tối 05/5 tại 5 điểm cầu, đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Cầu truyền hình đặc biệt "Dưới lá cờ quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tại 5 điểm cầu, trong đó điểm cầu sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1, TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên; 4 điểm cầu còn lại gồm: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng trường Lam Sơn (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Nhà rông Kon Klor (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Quận 1, TP.HCM).

img4580-1714921515342595255507.jpg
Phút lắng đọng xúc động tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: VGP

Tên gọi "Dưới lá cờ quyết thắng" được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu "Quyết chiến - Quyết thắng" Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953. Lá cờ luân lưu dẫn đường cho các đơn vị xông lên, vượt qua đạn bom, tung bay từ cứ điểm này sang cứ điểm khác, dẫn tới chiến thắng rực rỡ 7/5/1954. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong chiến dịch, ngọn đuốc dẫn đường đi tới chiến thắng.

Tại các điểm cầu có sự hiện diện của: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025 Trương Thị Mai, cùng nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, đảng viên, nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tổ chức điểm cầu.

Tại chương trình, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm và thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian, đi cùng năm tháng như Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Nam Bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Đường lên Tây Bắc, Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Huy Thục), Tiến quân ca (Văn Cao), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến)...

Với thời lượng 120 phút, cầu truyền hình đã đưa khán giả quay lại những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.

Mở đầu chương trình, khán giả đến với điểm cầu tại Đồi D1 (Điện Biên) - nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch. Từ nơi đây, có thể quan sát được toàn bộ Lòng chảo Điện Biên.

Tiếp đó, Cầu truyền hình đến với Cột Cờ Thủ Ngữ, TP.HCM. Nơi đây, ngày 23/9/1945, khi đại đội quân Anh đến để hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, một tiểu đội tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu, chống trả quyết liệt tới người cuối cùng. Tinh thần quyết tử của các anh đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của quân, dân Nam Bộ trong những ngày kháng chiến.

img4584-1714922184509489047664.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Kỷ niệm chương cho các cựu chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: VGP

Tại điểm cầu Hà Nội, khán giả đã được nghe câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của bài hát "Người Hà Nội" của Nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Tối 19/12/1946, tôi và đồng chí Trần Huy Liệu nhận lệnh rời Hà Nội về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ, khi sau lưng cả Hà Nội đã chìm trong khói lửa của ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bên cây đàn Piano cũ, những hình ảnh sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa để bảo vệ Hà Nội 'Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung…” cứ hiển hiện trong đầu. Tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn trào trên phím đàn"...

Điểm cầu Thanh Hóa đưa người xem đến với Bình Trị Thiên khói lửa. Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công có sự đóng góp lớn của hậu phương lớn Thanh Hóa. Số dân công huy động cả ngắn ngày và dài ngày lên tới 178.924 người, trong tổng số 262.000 người của toàn chiến dịch (chiếm gần 70%); số lương thực đóng góp là 9.000 tấn trong tổng số 25.200 tấn của cả nước (chiếm gần 40%). Gần 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 chiếc thuyền được toàn tỉnh huy động vận chuyển cho chiến dịch. Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tấn rau, củ quả... phục vụ chiến dịch quyết định này.

Điểm cầu cuối cùng là "Tây Nguyên bất khuất". Điện Biên - Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000 km nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân (1953-1954), trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, "chia lửa" với Điện Biên. Sau chiến thắng Kon Tum, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công Liên khu V, bức điện có đoạn: "Thắng lợi Kon Tum là thắng lợi đầu tiên của ta trên mặt trận miền Nam. Nó là một trong những thắng lợi quan trọng của ta trong mùa xuân năm nay trên chiến trường toàn quốc. Tôi thay mặt quân đội cảm tạ toàn thể đồng bào các dân tộc đã ra sức ủng hộ bộ đội chiến thắng quân địch".

img4556-1714921490577401943339.jpg
img4576-1714921514020884238428.jpg
Các nội dung chương trình tại 5 điểm cầu đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Theo dõi Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng", khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Các nội dung chương trình tại 5 điểm cầu đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và một lần nữa khẳng định, suốt 70 năm qua lá cờ mang khát vọng Chiến thắng đã dẫn dắt quân và dân ta vượt qua các cuộc kháng chiến dành độc lập tự do, tập hợp sức mạnh ý chí để đổi mới, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học, những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo. Tự hào và tin tưởng bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nguyện đem hết sức mình phát huy truyền thống hào hùng của Điện Biên Phủ và lá cờ quyết chiến quyết thắng mãi là biểu tượng cho ý chí, cho khát vọng Việt Nam hùng cường.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng các đại biểu đã trao hoa và kỷ niệm chương tặng các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến... đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng": Tái hiện bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO