(BVCL) Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến tháng 11/2019, đã có hơn 53.100 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Để “lọt” những người thiếu đức, kém tài vào bộ máy, chứng tỏ kẽ hở trong công tác cán bộ rất lớn và cần thiết phải bịt lỗ hổng này.
Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”
Rất nhiều người vẫn chưa quên những sai phạm của ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị trong thời kỳ ông còn là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ông Đinh La Thăng đã gây thất thoát cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
Thời điểm chưa bị bắt giữ, ông Trịnh Xuân Thanh dù không còn giữ các chức vụ về Đảng, chính quyền ở Tổng Công ty Xây lắp dầu khí nhưng vẫn được điều về Bộ Công Thương đảm nhận vị trí chủ chốt và quy hoạch Thứ trưởng, sau đó luân chuyển về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Hay như sự việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương, Sở có 46 người thì có tới 44 lãnh đạo, trong đó, ông Phạm Văn Kháng được bố ruột là ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, ký quyết định tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển và sau đó được tiếp nhận bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính.
Rồi vụ ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục. Vụ ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai mình khi chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn…
Thực tế những chuyện như: “chạy chức, chạy quyền”, “cả nhà làm quan”, “thăng tiến thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm cả khi “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”… xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy lỗ hổng trong công tác cán bộ rất lớn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; xem xét công tác nhân sự và quyết định thi hành kỷ luật cán bộ, ngày 21-6-2019 (Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự cuộc họp). Nguồn: TTXVN
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến tháng 11/2019, có hơn 53.100 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, 1 cán bộ là Ủy viên Bộ chính trị và 04 cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 cán bộ là nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 là nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 là tướng lĩnh quân đội, công an. Một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Nhiều năm qua, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là khâu “then chốt”, đề ra rất nhiều quy định, quy trình chặt chẽ trong quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự. Vậy mà, những tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn không giảm, thậm chí, để xảy ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, kỷ luật nơi này “nhảy” sang vị trí khác cao hơn.
Có thể nói, việc để lọt những cán bộ kém tài, thiếu tâm vào bộ máy Nhà nước không chỉ gây ra nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước qua các đại án tham nhũng trăm tỉ, nghìn tỉ mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu thẳng vấn đề: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?
Khi có quyền lực, có điều kiện mà không bị giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì lòng tham nổi lên. Vì thế, mặc dù chúng ta đã có những quy định, quy trình trong công tác cán bộ khá chặt chẽ nhưng vẫn để “lọt” những người cơ hội, tham vọng quyền lực, phẩm chất đạo đức yếu vào bộ máy công quyền.
Để xảy ra những vi phạm trên, rõ ràng có trách của những cá nhân, tập thể đã không tuân thủ quy trình, thao túng quyền lực, cố ý đưa những người không đủ đức tài vào làm suy yếu bộ máy.
Song, do chúng ta chưa phân tách rạch ròi được trách nhiệm cá nhân với tập thể. Vì thế, khi xảy ra sai phạm, nhiều người tìm cách né tránh, đổ lỗi cho tập thể hòng thoát tội.
Công cụ kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, việc kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ, chế tài xử lý chưa nghiêm minh khiến nhiều cán bộ biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nói như ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Chừng nào những tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ chỉ dừng lại ở kỷ luật cảnh cáo, rút kinh nghiệm thì người ta sẽ không sợ”.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhìn thẳng vào vấn đề để đánh giá: “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”.
Xử lý nghiêm để “bịt” lỗ hổng
Khi quyền lực chưa bị kiểm soát, khi trách nhiệm cá nhân người đề cử còn ẩn náu trong trách nhiệm tập thể, khi việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ, khi sai phạm không bị xử lý nghiêm thì lỗ hổng trong công tác cán bộ sẽ còn.
Tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Ðảng triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả”.
Do đó, ngoài việc xây dựng quy trình 5 bước trong công tác bổ nhiệm cán bộ, Quy định 205-QĐ/TW được kỳ vọng là công cụ sắc bén, là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực nhằm kiểm soát, ngăn chặn đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”.
Quy định 205-QĐ/TW đã đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cụ thể hóa, quy rõ trách nhiệm cho từng đối tượng cùng chế tài, hình thức xử lý nghiêm minh.
Cần bịt lỗ hổng trong công tác cán bộ - Ảnh minh họa
Quy định gồm 4 phần, 15 điều được thiết kế chặt chẽ với nhiều điểm mới như: Xử lý vi phạm cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu: “Cán bộ, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm các nội dung nêu tại các Điều 4, 5, 7, 8 của Quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành” (khoản 2 Điều 9).
Đình chỉ công tác, chức vụ nếu đề xuất nhân sự sai: “Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách”. Tại điểm a, khoản 2 Điều 9 ghi rõ: “Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra” (khoản 3 Điều 4). Làm tốt điều này, chắc chắn sẽ khắc phục được “Tình trạng Đinh La Thăng” (Ông Đinh La Thăng dù không được Bộ Chính trị Khóa XI giới thiệu nhưng cuối cùng vẫn “lọt” được vào Bộ Chính trị Khóa XII – một điều chưa từng có trong tiền lệ cảu 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc của Đảng ta).
Có thể nói, việc kiểm soát quyền lực chặt chẽ, quy rõ trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh kể cả khi đã chuyển công tác, nghỉ hưu bằng Quy định 205-QĐ/TW, được xem là giải pháp hữu hiệu để “vá” lỗ hổng trong công tác cán bộ từng gây nhức nhối nhiều nhiệm kì qua.