Vấn đề và Sự kiện

Cần bảo vệ Thẩm phán và giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án

Mai Thoa 29/05/2024 - 16:17

Mới đây, vụ việc Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bị tấn công trọng thương ngay tại trụ sở trong giờ làm việc dấy lên lo ngại về việc đảm bảo an ninh cho cơ quan Tòa án và an toàn cho Thẩm phán.

tru-so-tandtc9.jpg
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao.

Trước tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, số lượng vụ án và tính chất nguy hiểm ngày càng gia tăng, các Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử phải thường xuyên đối mặt không chỉ áp lực đảm bảo việc xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mà còn phải đối diện với các hành vi manh động, coi thường pháp luật của một số đương sự, bị cáo xâm phạm đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền lợi hợp pháp của Thẩm phán.

Với cụm từ khóa “gây rối tại phiên tòa”, “hành hung Thẩm phán”, “bảo vệ Thẩm phán”, phương tiện tìm kiếm cho ra hàng loạt những bài báo như: dựng lên bức tranh đáng buồn về thực trạng này. Đó là những bài như: “Tấn công chủ tọa gây náo loạn Tòa án”; “Tấn công Thẩm phán, đánh gãy tay nguyên đơn”; “Hàng chục đối tượng tấn công Thẩm phán ngay tại phiên tòa”; “Khi Thẩm phán bị “khủng bố” và tấn công”; “Khi Thẩm phán tuyên án xong phải"hứng"… mũ bảo hiểm” rồi “Khởi tố người nhắn tin dọa giết Thẩm phán”; “Đặt mìn nhà Thẩm phán”… Đây là một thực trạng đáng buồn!

Mới đây nhất, ngày 02/5/2024, Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Quý đang nghiên cứu hồ sơ tại phòng làm việc thì bất ngờ đối tượng Trần Văn Tuân (SN 1973, trú tại Hương Hồ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) xông vào phòng, dùng kéo sắc nhọn đâm trọng thương…

Thực tế cho thấy, cơ chế bảo vệ Thẩm phán, Tòa án hiện nay chưa rõ ràng. Đơn cử như tại các Tòa án địa phương, lực lượng an ninh bảo vệ chưa đủ để đảm bảo an toàn cho Thẩm phán cũng như cán bộ Tòa án, việc ra-vào Tòa án chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc tiếp cận khu vực làm việc của Thẩm phán/cán bộ Tòa án còn tương đối dễ dàng, chưa có rào cản về an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách pháp luật bảo vệ Thẩm phán cũng chưa được đầy đủ.

Đặc thù nghề nghiệp của Thẩm phán là liên quan tới tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của công dân, nên đối tượng bị thua kiện, bị xử phạt, rất dễ mang tâm lý thù oán đối với Thẩm phán. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi gây rối tại phiên tòa cũng chỉ bị xử lý tương tự như gây rối tại các nơi công cộng khác, thậm chí nhẹ hơn; các hành vi xúc phạm, đe dọa, gây thương tích hay sát hại Thẩm phán vì lý do công vụ của nạn nhân cũng chỉ bị truy tố, xét xử như phạm tội với các đối tượng khác, không có sự phân biệt đối với nạn nhân là Thẩm phán, thân nhân của họ, người tiến hành tố tụng… Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể về việc bảo vệ Thẩm phán và gia đình họ khi có nguy cơ bị tấn công hay đe dọa tấn công.

Pháp đình là chốn tôn nghiêm, nơi Tòa án thực hiện quyền tư pháp, cần được sự tôn trọng từ tất cả các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy không gian trụ sở một số Tòa án trở nên không an toàn cho chính những người phán xử và những người tham gia tố tụng. Thực tế hàng chục năm qua, với rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử cho thấy nhu cầu được bảo vệ của Thẩm phán rất cấp bách và thiết thực.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tháng 5 này đã sửa đổi bổ sung quy định về việc bảo vệ Thẩm phán, Tòa án. Theo đó, dự thảo Luật có các quy định về việc bảo vệ các phiên xử, Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Trụ sở Tòa án,… được bố trí lực lượng bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát bảo vệ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo yêu cầu của Tòa án.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: Thẩm phán được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết. Chế độ bảo vệ Thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm các hành vi như: Đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Thẩm phán; thân nhân của thẩm phán; cản trở thẩm phán thi hành công vụ; gây ảnh hưởng đến tính độc lập, vô tư, khách quan của Thẩm phán khi thi hành công vụ.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) cũng đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trước đó.

dinh-thi-ngoc-dung.jpg
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương)

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng, cần có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm an ninh, trật tự tại Tòa án, đảm bảo an toàn cho các hoạt động của Tòa án. Theo đại biểu, thực tiễn công tác của Tòa án cho thấy, bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự của Tòa án đang là yêu cầu cấp thiết. Trụ sở các Tòa án thường là nơi tập trung đông người, đặc biệt khi có phiên tòa. Người tham gia phiên tòa thường là những người nhà của bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án, khi đến phiên tòa dễ có tâm lý căng thẳng với nhau.

Đại biểu cho rằng, trụ sở của các Tòa án là nơi quản lý, lưu giữ các tài liệu giải quyết vụ án, đây đều là những tài liệu liên quan đến việc quyết định sinh mạng, tự do, quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc, vì vậy, trụ sở các Tòa án cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn nữa. Nhiều trường hợp, các đối tượng, phần tử tiêu cực chống đối Nhà nước Việt Nam đã lợi dụng việc Nhà nước xét xử công khai để lôi kéo, dụ dỗ, kích động người dân, người thân của bị can, bị cáo gây rối, làm mất trật tự tại phiên tòa, thậm chí kích động gây nên khiếu nại, khiếu kiện đông người, gây rối tại trụ sở Tòa án, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cũng nêu ý kiến rằng, cần nghiêm cấm hành vi cản trở Thẩm phán thi hành công vụ. Thực tế hiện nay, rất nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Chỉ thị 26-CT/TW quy định thường liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, có sự tham gia của nhiều đối tượng manh động, thủ đoạn tinh vi, có hành vi chống đối quyết liệt (như một số tội gây rối trật tự công cộng, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…) đe dọa đến sự an toàn của Thẩm phán phán và nhân thân. Vì thế, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về vấn đề này. Có như vậy mới bảo đảm hỗ trợ Thẩm phán yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xét xử.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cũng có chung nhận định, dự thảo Luật đưa ra quy định về việc bảo vệ Thẩm phán khi thi hành công vụ là cần thiết, bởi thực tế cho thấy, Thẩm phán phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, những mặt trái của xã hội, tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm.

“Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu thêm trường hợp trong khi thi thành công vụ, ngoài Thẩm phán thì các chức danh tư pháp khác, như Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên cũng phải làm việc với đương sự nên nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng rất cao. Đây cũng là những đối tượng cần được bảo vệ khi thi hành công vụ giống như Thẩm phán”, đại biểu nêu quan điểm./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo vệ Thẩm phán và giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO