Đời sống

Bình Thuận: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Minh Sáng 28/07/2023 - 08:38

Sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trên nhiều phương diện, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần nhiều giải pháp tích hợp để giải quyết...

Trên tinh thần Nghị định 98 của Chính phủ, HĐND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 đề ra cụ thể nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn quản lý.

qua-5-nam-trien-khai-thuc-hien-chinh-sach-theo-nghi-dinh-98-tinh-binh-thuan-da-dat-duoc-nhung-thanh-qua-nhat-dinh.jpg
Qua 5 năm triển khai thực hiện chính sách theo Nghị định 98, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những thành quả nhất định

Để cụ thể hoá chủ trương chung, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ban hành Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 04/3/2020 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND. Theo đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Nghị định 98 phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành Quyết định số 2575/QĐUBND ngày 07/10/2019 phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận để làm cơ sở triển khai các dự án, kế hoạch liên kết.

Để kế hoạch được triển khai nhất quán, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành có liên quan và các địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Đồng thời, phát huy vai trò của Hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đầu vào cho thành viên và nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua 5 năm triển khai thực hiện chính sách theo Nghị định 98, các Sở, Ban, Ngành địa phương đã đạt một số kết quả nổi bật. Tính đến nay, toàn tỉnh có 10 chuỗi liên kết được phê duyệt và triển khai, gồm 9 chuỗi cấp huyện và 1 chuỗi cấp tỉnh. Tổng kinh phí các dự án, kế hoạch liên kết được cấp thẩm quyền phê duyệt là 51.500.611 nghìn đồng; Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 29.437.264 nghìn đồng.

Quy mô tại các dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt tính đến 31/12/2022 theo các sản phẩm: 10 chuỗi liên kết, quy mô sản xuất 1.124 ha, 154 con với 803 hộ tham gia; Trong đó phân theo dự án, kế hoạch liên kết có 9 dự án, quy mô 874 ha, 154 con với 446 hộ dân tham gia; Phân theo kế hoạch có 1 kế hoạch liên kết, quy mô 250 ha với 357 hộ dân tham gia.

toan-tinh-binh-thuan-co-10-chuoi-lien-ket-duoc-phe-duyet-va-trien-khai-gom-9-chuoi-cap-huyen-va-1-chuoi-cap-tinh.png
Toàn tỉnh Bình Thuận có 10 chuỗi liên kết được phê duyệt và triển khai, gồm 9 chuỗi cấp huyện và 1 chuỗi cấp tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 mô hình điển hình theo Nghị định 98 là mô hình liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, chế biến gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Đức Linh - Tánh Linh (địa chỉ: Thôn 6, xã Mê Pu huyện Đức Linh). Sản phẩm chính là lúa, gạo.

Ngoài những kết quả đạt được, UBND tỉnh Bình Thuận cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Mặc dù công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên trong 5 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh số địa phương thực hiện liên kết còn thấp (chỉ có 3 huyện), số lượng dự án, kế hoạch liên kết được triển khai còn hạn chế.

Một số địa phương chưa quyết liệt triển khai và chỉ đạo; Công tác phối hợp giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện chưa thật sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu chủ động trong công tác phối hợp tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức đại diện nông dân tham gia thực hiện liên kết còn khó khăn do mức hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân còn thấp; Đồng thời, thủ tục triển khai thực hiện phức tạp, khó khăn.

Kế đến, cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đòi hỏi các chủ trì tham gia liên kết phải có đủ năng lực tài chính. Do đó, các chủ thể không có năng lực tài chính thì rất khó tiếp cận và tham gia. Năng lực quản lý của các hợp tác xã còn yếu, chưa có kinh nghiệm trong triển khai các thủ tục tài chính liên quan đến ngân sách nhà nước nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng.

Mức hỗ trợ cơ sở hạ tầng còn thấp (30%), nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, HTX có năng lực tài chính thấp. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định còn phức tạp, các chủ trì không có nhân lực và kinh nghiệm thực hiện.

Kinh phí hỗ trợ liên kết còn hạn chế, chủ yếu lấy từ kinh phí Trung ương hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, việc xây dựng dự án, kế hoạch liên kết phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, định mức giống, vật tư… đã được cơ quan chức năng ban hành để vận dụng tính toán chi phí sản xuất và đề xuất ngân sách hỗ trợ theo quy định hiện hành; Do đó, các đơn vị thực hiện còn lúng túng trong quá trình xây dựng dự án, kế hoạch liên kết.

Cuối cùng, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách có nơi chưa được sâu rộng nên một số người dân còn chưa nhận thức, hiểu việc xây dựng và hình thành các chuỗi; Các chủ thể tham gia chuỗi đa số nông dân, hộ gia đình trình độ thấp, tinh thần hợp tác liên kết chưa cao…

tinh-binh-thuan-cung-gap-phai-nhung-kho-khan-vuong-mac-trong-qua-trinh-trien-khai-thuc-hien-chinh-sach-theo-nghi-dinh-98.jpeg
Tỉnh Bình Thuận cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách

Nhìn nhận thẳng vào các điểm hạn chế, tồn tại, bất cập đang diễn ra, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị thực hiện hàng loạt giải pháp để tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách chung cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương nhằm phát huy hiệu quả của Nghị quyết 98 trong thời gian tới.

Cụ thể, địa phương đề xuất tháo gỡ khó khăn bằng việc kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách; Trong đó có giao nhiệm vụ cụ thể đến từng ban, ngành trong triển khai thực hiện và văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai trong thời gian đến; Tổ chức hội nghị để thảo luận học tập các địa phương đã triển khai thành công về thực hiện chuỗi liên kết theo Nghị định 98.

Tạo điều kiện để thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ vốn để các HTX có đủ nguồn lực tham gia chủ trì liên kết. Hướng dẫn cho phép các Dự án liên kết có hỗ trợ cơ sở hạ tầng được thực hiện theo cơ chế đặc thù, giảm các thủ tục theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản nhằm khuyến khích các chủ trì liên kết mạnh dạng đầu tư cơ sở hạ tầng trong các dự án liên kết.

Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98 của Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để duy trì và phát huy hơn nữa những lợi thế có sẵn, UBND tỉnh Bình Thuận đã lập kế hoạch tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh nhiều giải pháp để thực hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO