Đời sống

Bình Thuận: Tăng cường công tác chống khai thác hải sản trái phép

Huỳnh Sang 27/05/2023 - 16:01

Sau 5 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), cùng với cả nước, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC qua các lần kiểm tra tại Việt Nam.

Đạt kết quả tích cực

Ông Huỳnh Quang Huy – Chi Cục trưởng Chi cục thuỷ sản tỉnh cho biết, việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị.

Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài từng bước giảm dần qua các năm, đặc biệt trong gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021) không có tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bình Thuận quyết tâm tăng cường công tác chống khai thác hải sản trái phép (IUU)
Bình Thuận quyết tâm tăng cường công tác chống khai thác hải sản trái phép (IUU)

Để đạt được kết quả đó, phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục gắn trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các sở, ngành, các lực lượng liên quan, địa phương, các tổ chức đoàn thể.

Qua đó, dần hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài hằng năm, công tác chống khai thác IUU đạt nhiều tín hiệu tích cực.

Kể đến, chủ trương lắp đặt VMS và quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá tính đến ngày 12/5/2023 đạt kết quả cao, toàn tỉnh có 1.941/1.961 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 99%.

Trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên đã lắp đặt 40/42 tàu cá, đạt 95,2%; Tàu cá có chiều dài từ 15 - <24 mét có 1.901/1.919 tàu cá đã lắp đặt, đạt 99,0%; Số tàu cá chưa thực hiện lắp đặt là 20 chiếc (gồm 14 tàu hư hỏng nằm bờ không còn khả năng hoạt động hoặc tàu cá chờ thi hành án, tranh chấp dân sự; 6 tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, hoạt động không liên tục).

Bên cạnh đó, đơn vị đã đầu tư trang thiết bị, đưa vào quản lý, vận hành hoạt động ổn định Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh đặt tại Chi cục Thủy sản, 3 Trạm dữ liệu tại 3 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá theo quy chế quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá tỉnh.

Hoạt động của Trung tâm giám sát tàu cá thời gian qua đã hỗ trợ rất lớn công tác kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vượt ranh giới trên biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng Cảng cá Phan Thiết tiếp nhận, giám sát 921 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ sản phẩm/2.531 tấn hải sản, thu 825 sổ nhật ký khai thác (đạt 89,5%);

Cảng cá Phú Hải tiếp nhận, giám sát 129 lượt tàu/578,3 tấn hải sản, thu 129 sổ nhật ký (đạt 100%); Cảng cá La Gi tiếp nhận, giám sát 1.818 lượt tàu/5.997 tấn hải sản, thu 1.259 sổ nhật ký (đạt 69,3%); Cảng cá Phan Rí Cửa tiếp nhận, giám sát 658 lượt tàu/910 tấn hải sản, thu 30 sổ nhật ký (đạt 4,5%).

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm khai thác IUU vẫn còn hạn chế, chưa nghiêm. Nhiều hành vi vi phạm được EU khuyến nghị nhưng ngư dân vẫn vi phạm như: hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá; tàu cá mất kết nối VMS trên biển;... trên thực tế còn phổ biến nhưng việc xử lý rất ít hoặc chưa xử lý.

Nhìn nhận hạn chế để tìm giải pháp hữu hiệu

Theo ông Huỳnh Quang Huy, các sở, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biển cũng đã tích cực, chủ động và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh thuộc phạm vi trách nhiệm, địa bàn quản lý tạo chuyển biến quan trọng về mặt nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Bước đầu đã triển khai thi hành Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trên thực tế. Việc thực hiện lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá có nhiều nỗ lực (đạt 99%, thuộc tốp cao trong cả nước), công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và sản lượng qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản được quan tâm thực hiện.

Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản tỉnh Bình Thuận phát biểu đánh giá tình hình nhiệm vụ của đơn vị trong 5 tháng đầu năm 2023
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản tỉnh Bình Thuận phát biểu đánh giá tình hình nhiệm vụ của đơn vị trong 5 tháng đầu năm 2023

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài chưa bền vững, vẫn còn nguy cơ cao, diễn biến khó lường; Việc để xảy ra các trường hợp vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ năm 2022, nhất là đầu năm 2023 đã ảnh hưởng đến nỗ lực của cả nước trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa hoàn thành 100% theo quy định. Công tác quản lý tàu cá chưa chặt chẽ, còn nhiều tàu cá chưa đăng ký, chưa được cấp GPKT thủy sản cho thấy tình trạng tàu cá hoạt động thiếu kiểm soát, vi phạm khai thác IUU còn rất nhiều, nhất là tàu cá nhỏ dưới 12 m.

Kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến, giám sát sản lượng hải sản tại một số cảng cá vẫn còn bộc lộ hạn chế, số liệu chưa đảm bảo độ tin cậy; Công tác thực thi pháp luật chưa nghiêm. Việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn khó khăn, làm giảm hiệu quả răn đe.

Ngoài những nguyên nhân khách quan nội tại xuất phát từ đặc điểm, tình hình nghề cá của tỉnh thì việc chậm ban hành nhiều cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương về chống khai thác IUU, tái cơ cấu thủy sản; Chất lượng hoạt động của hệ thống giám sát tàu cá và thiết bị VMS chưa đảm bảo, bộc lộ nhiều hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chống khai thác IUU, đặc biệt là chống khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài tuy có nhiều cố gắng song hình thức, nội dung, phương thức chuyển tải chậm cải tiến và đổi mới phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm, tập quán sản xuất của ngư dân.

Hạ tầng cảng cá cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cảng cá xuống cấp, vệ sinh môi trường không đảm bảo, chậm khắc phục, điển hình là cảng cá La Gi. Bộ máy, nhân lực quản lý tại một số cảng cá chưa đáp ứng yêu cầu, kinh phí phục vụ công tác chống khai thác IUU còn hạn hẹp.

Cuối cùng, do một số ít ngư dân ý thức chấp hành pháp luật kém, vì lợi ích kinh tế của bản thân, gia đình bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Tăng cường công tác chống khai thác hải sản trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO