Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về cạnh tranh và tuân thủ các quy định toàn cầu. Báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và công chúng, giúp doanh nghiệp định hình hình ảnh và xây dựng thương hiệu, lòng tin đối với người tiêu dùng.
Cơ hội và thách thức đến từ hai phía
Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN), nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Các DN cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định quốc tế, tận dụng cơ hội kinh doanh mới và đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về thị trường quốc tế, các hiệp định thương mại và xu hướng kinh tế toàn cầu, giúp DN đưa ra các quyết định chiến lược chính xác.
Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, báo chí cần nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn thông tin. Việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có chiều sâu về các vấn đề quốc tế là yếu tố then chốt giúp DN nắm bắt bối cảnh toàn cầu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Báo chí cần đảm bảo rằng thông tin được truyền tải không chỉ phản ánh thực tế mà còn phân tích các xu hướng và dự báo tiềm năng, giúp DN có cái nhìn toàn diện và sâu sắc.
CEO Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của báo chí ngày càng trở nên quan trọng. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin về các sự kiện và biến động chính trị mà còn phân tích các tác động tiềm tàng đến kinh tế và DN. DN cần theo dõi sát sao các tin tức và phân tích này để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội.
Mối quan hệ giữa báo chí và DN trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm. Báo chí cần duy trì tính khách quan, không bị chi phối bởi các lợi ích doanh nghiệp, trong khi DN cần cởi mở và minh bạch trong việc cung cấp thông tin, giúp báo chí thực hiện tốt vai trò của mình. Sự minh bạch và trách nhiệm này không chỉ giúp tăng cường lòng tin mà còn đảm bảo rằng thông tin được truyền tải một cách chính xác và trung thực.
Để làm tốt hơn vai trò của mình và hỗ trợ DN, báo chí cần áp dụng các công nghệ mới như AI và học máy để nâng cao khả năng phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng. Tận dụng nền tảng số và mạng xã hội để phân phối thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng cường chất lượng thông tin mà còn cải thiện sự tương tác và phản hồi từ công chúng.
Ngoài ra, báo chí phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có chiều sâu. Việc kiểm chứng thông tin trước khi công bố là điều quan trọng để duy trì uy tín và tránh lan truyền tin giả. Cùng với đó là đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo rằng các nhà báo và biên tập viên có đủ kỹ năng và kiến thức để xử lý và phân tích thông tin một cách chính xác và chuyên nghiệp.
Sự hợp tác giữa báo chí và DN trong bối cảnh mới không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế. Báo chí và DN cần không ngừng đổi mới và hợp tác. Chỉ khi cả hai bên cùng nhìn về phía trước và cùng nỗ lực, chúng ta mới có thể vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội mà bối cảnh mới mang lại, CEO Lê Dung nhấn mạnh.
Báo chí là “bệ đỡ” đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), quan hệ giữa báo chí và DN luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển bởi báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh DN đến với người tiêu dùng.
Ở chiều ngược lại, DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Vì vậy, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và DN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.
Theo ông Sơn, một bài báo có thể thúc đẩy thành công của DN, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một DN. Ở chiều ngược lại, DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Chính vì vậy cả hai cùng phải hợp tác, tương hỗ lẫn nhau.
Báo chí còn là sân chơi tuyên truyền lan tỏa những mặt tích cực của DN, lan tỏa những gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, đưa hình ảnh sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng ưa chuộng với chất lượng tốt và giá thành hợp lý tới cộng đồng người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho DN vững tin kinh doanh sản xuất.
Thậm chí, thông quan phản ánh, báo chí còn góp phần thay đổi chính sách và xu hướng thị trường, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN theo yêu cầu phát triển bền vững. Qua báo chí, DN cập nhật nhanh chóng nhiều chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, kịp thời thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Nhờ báo chí, mọi thông tin, hình ảnh truyền thông thương hiệu của DN sẽ được phủ rộng đến bạn đọc.
Báo chí là nơi tin cậy giúp các DN phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhờ báo chí, những khó khăn vướng mắc cũng như “tâm tư, nỗi niềm” của DN nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan quản lý và nhờ vậy cũng phần nào được giải quyết nhanh hơn.
Còn theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam, báo chí và DN cần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tương hỗ để cùng phát triển.
Hai bên cần tăng cường tính linh hoạt và tương tác, trao đổi thông tin một cách hiệu quả và kịp thời; cùng nhau thúc đẩy nhận thức và hành động về các vấn đề quan trọng, từ bền vững đến trách nhiệm xã hội.
Ông Mỹ cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần hợp tác để thúc đẩy sự thay đổi của các vấn đề chung trên các lĩnh vực: môi trường, xã hội, quản trị (ESG) - tương ứng với ba trụ cột của mô hình kinh doanh bền vững. Hoạt động tuyên truyền của báo chí nâng tầm danh tiếng DN, góp phần định hình thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp cung cấp nội dung và câu chuyện giá trị cho báo chí, thúc đẩy mối quan hệ cộng sinh, truyền thông chân thực và minh bạch, củng cố niềm tin của công chúng.