BVCL - Ngày 7/3, Chính phủ Anh đã công bố dự luật mới nhằm mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua Eo biển Manche.
Ngày 7/3, Chính phủ Anh đã công bố dự luật mới nhằm mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua Eo biển Manche.
Dự luật đã được Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman trình bày trước Quốc hội Anh. Theo đó, người nhập cư trái phép qua Eo biển Manche sẽ bị trục xuất, bị cấm nhập cảnh vào Anh, và bị cấm xin cấp quy chế công dân của nước này.
Cũng theo dự luật, số đơn tị nạn hàng năm sẽ được giới hạn ở mức do Quốc hội Anh quy định.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Braverman cho biết theo dự thảo luật, sau khi bị trục xuất, người di cư sẽ được đưa trở lại quê hương của họ hoặc đến một điểm đến an toàn như Rwanda, theo khuôn khổ đối tác đã thống nhất giữa hai nước. Các quyền pháp lý của những người này sẽ bị hạn chế đáng kể.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak, mục đích của dự luật nhằm giúp nước Anh “lấy lại quyền kiểm soát biên giới”. Ông nhấn mạnh luật mới này phát ra tín hiệu rõ ràng rằng người nhập cư trái phép vào nước Anh sẽ không được tiếp nhận.
Trả lời phỏng vấn tờ The Mail số ra ngày 5/3, ông Sunak khẳng định: “Đừng mắc sai lầm, nếu bạn đến (nước Anh) bằng con đường bất hợp pháp, bạn sẽ không thể ở lại đây”.
Anh và Pháp có nhiều thỏa thuận tăng cường giám sát Eo biển Manche để ngăn chặn dòng người di cư trái phép qua tuyến đường này, vốn tăng mạnh từ năm 2018.
Tuy nhiên, riêng trong năm 2022, vẫn có trên 45.000 người vượt Eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để nhập cảnh vào Anh, tăng 60% so với năm trước đó. Từ đầu năm 2023 đến nay, con số này đã lên gần 3.000 người trong khi tổng số đơn xin tị nạn tại Anh đang chờ giải quyết đã vượt quá con số 160.000.
Người di cư thường sử dụng thuyền nhỏ để di chuyển trong đêm tối, tránh được sự phát hiện của lực lượng an ninh hai nước, song tiềm ẩn mối nguy hiểm đe dọa tính mạng. Tháng 11/2021, ít nhất 27 người thiệt mạng khi chiếc thuyền chở số người vượt biển này bị hỏng giữa đường.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Sunak sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 10/3 tới, trong đó nhà lãnh đạo Anh sẽ đề xuất tăng cường hợp tác nhằm chống lại nạn buôn người qua Eo biển Manche.
Hồi năm ngoái, Thủ tướng Sunak đã cam kết rằng khi tình trạng di cư trái phép qua tuyến đường biển nguy hiểm này chấm dứt, Anh sẽ triển khai các con đường hợp pháp và an toàn khác cho những người xin tị nạn.
Trong khi đó, trả lời trên kênh Sky News về việc những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh có bị cấm xin quy chế tị nạn hay không, Bộ trưởng Chris Heaton-Harris phụ trách vấn đề Bắc Ireland bày tỏ: “Vâng, tôi cho là như vậy”.
Ông cho biết những người nhập cư như vậy sẽ bị trả về nơi xuất phát hoặc phải chuyển đến những nước khác như Rwanda. Ông nhấn mạnh còn có nhiều con đường hợp pháp và an toàn khác để xin tị nạn tại Anh, thay vì nhập cư bất hợp pháp.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson trong năm 2022 đã nhất trí với thỏa thuận chuyển tới Rwanda hàng chục nghìn người nhập cư, chủ yếu đến từ Afghanistan, Syria và các khu vực khác có xung đột. Chính sách này đã vấp phải các tranh cãi pháp lý sau khi chuyến bay chở người di cư đầu tiên bị hủy vào phút chót theo phán quyết của tòa án nhân quyền châu Âu.