Nhân dịp về nước, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) đã dành cho Công lý buổi nói chuyện cởi mở về hoạt động của ABVietFrance, cùng những chia sẻ liên quan đến EVFTA, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với kiều bào…
Nhân dịp về nước, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) đã dành cho Công lý buổi nói chuyện cởi mở về hoạt động của ABVietFrance, cùng những chia sẻ liên quan đến EVFTA, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với kiều bào…
Năm 2010, Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) được thành lập với mục đích liên kết các nguồn lực và tài năng của cộng đồng người Việt tại Pháp, người Pháp gốc Việt và các cá nhân, doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, nhằm phát triển trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Pháp và giữa Việt Nam với các nước châu Âu. Xin ông cho biết, hơn 13 năm hoạt động, Hội đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào theo đúng tôn chỉ là “cầu nối tin cậy” của doanh nghiệp hai nước?
Ông Nguyễn Hải Nam: Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) ra đời trong bối cảnh khá thuận lợi, khi vừa đón được luồng gió Đổi mới ở trong nước, vừa được hưởng các chính sách ưu đãi cởi mở đối với người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì thế, Hội đã nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cũng như Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Thành lập ngày 02/9/2010 tại thủ đô Paris, trải qua hơn 13 năm hoạt động, Hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của mình là liên kết các nguồn lực và các tài năng của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, người Pháp gốc Việt và tất cả những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức Pháp có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.
ABVietFrance có mặt trong nhiều sự kiện ở châu Âu và châu Á, từ hội nghị, hội thảo chuyên đề, hội chợ, triển lãm thương mại, trình diễn thời trang, lễ hội, ca nhạc, các hoạt động liên quan đến du lịch, văn hóa nghệ thuật... Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác Pháp hoặc Việt Nam tổ chức các diễn đàn, hội thảo doanh nghiệp tại Pháp và Việt Nam.
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, Hội còn tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp và từ xa tại Pháp và Việt Nam. Ngay cả vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện kết nối các doanh nghiệp Pháp, châu Âu và Việt Nam theo hình thức trực tuyến.
Có thể nói, ABVietFrance đã thực sự tạo môi trường hợp tác kinh doanh, cung cấp thông tin về luật pháp, thủ tục đầu tư vào Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn vươn ra thị trường Pháp hay châu Âu.
Tại Việt Nam, ABVietFrance đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC). Chúng tôi thường xuyên tham gia các diễn đàn, các tọa đàm liên quan đến xuất nhập khẩu liên quan đến các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, trong đó có nông sản. Hay như mới đây, vào tháng 8/2023, Hội đã xây dựng hợp tác với Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội (HPA)…
Trong hơn 13 năm hoạt động, ABVietFrance luôn bám sát tiêu chí hoạt động từ những ngày đầu tiên là đảm bảo hai chữ “Tâm” và “Tín”, đảm bảo là cầu nối tin cậy, cung cấp những thông tin chuẩn xác về thị trường Pháp và châu Âu cho các doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại, thông tin về thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp Pháp.
Và một trong những điều tôi tâm đắc nhất là từ lúc thành lập đến nay, ABVietFrance luôn có sự thu hút và đóng góp tích cực của các sinh viên, thanh niên Việt Nam và Pháp của Đoàn Thanh niên năng động - Groupe Jeunes Dynamiques (JD).
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Vậy, với những cơ hội mà EVFT mang lại, xin ông cho biết ABVietFrance đã làm được những gì? Theo ông, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Pháp cần làm gì để tận dụng những cơ hội còn bỏ ngỏ mà EVFTA mang lại?
Ông Nguyễn Hải Nam: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngay từ ban đầu, ABVietFrance đã tham gia các buổi tọa đàm, hội nghị tại Việt Nam cũng như tại Pháp để giải thích các cơ hội mà EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp Pháp.
Chúng tôi hợp tác, đồng hành với các cơ quan chuyên về thuế quan, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay vào thời điểm vẫn diễn ra dịch COVID-19, vào năm 2020, chúng tôi đã tổ chức một tọa đàm trực tuyến liên quan đến Hiệp định EVFTA.
Tôi cho rằng, những gì mà chúng tôi có thể và đã đóng góp là giải thích cho các bạn hiểu làm thế nào để tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng.
Hay như vào tháng 8/2022, ABVietFrance đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức buổi Tọa đàm “Nâng cao năng lực thâm nhập thị trường EU”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp TP.HCM đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, thông qua việc cung cấp, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng tiêu dùng tại EU.
Tại tọa đàm, chúng tôi đã chia sẻ về những thay đổi về thói quen tiêu dùng của người dân EU, một số điểm lưu ý trong văn hóa kinh doanh, văn hóa giao tiếp kinh doanh tại thị trường EU, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã tiếp cận thành công tại thị trường EU.
Tôi cho rằng, để tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại, để doanh nghiệp có thể thâm nhập thị trường EU nhanh chóng thì bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn xuất xứ, cũng như hoàn tất các thủ tục, chứng nhận liên quan đến ngành nghề đang kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm thêm về đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam những năm gần đây đặc biệt quan tâm tới công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Là một Việt kiều hiện đang sinh sống ở Pháp, ông đánh giá như thế nào về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào?
Ông Nguyễn Hải Nam: Thật sự mà nói tôi về Việt Nam cũng khá là nhiều. Và, một trong những động lực để tôi thành lập Hội cũng chính từ chính sách Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.
Với Nghị quyết 36, Đảng và Nhà Nước ta đã thể hiện rõ và cụ thể các chính sách để khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương để du lịch, định cư, kinh doanh hay tìm công ăn việc làm.
Những quyết định được đưa ra liên quan đến việc miễn thị thực, luật quốc tịch, hay đầu tư kinh doanh của Việt kiều… đã đáp ứng nhu cầu của đông đảo bà con kiều bào, qua đó thực hiện chính sách hòa hợp, đoàn kết dân tộc.
Mới đây nhất, ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung lớn của Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung lần này đó là điều khoản về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, Luật thông qua vấn đề người định cư ở nước ngoài vẫn sử dụng hộ chiếu ở Việt Nam, vẫn mang quốc tịch Việt Nam, được quyền kinh doanh buôn bán như người Việt Nam. Đây là bước tiến vượt bậc của chúng ta trong việc hoạch định chính sách, vừa tạo điều kiện cho bà con có cơ hội phát triển kinh tế, vừa có điều kiện cống hiến, phụng sự cho quốc gia.
Cá nhân tôi, vào năm 2010, tôi được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cấp phát lại quốc tịch Việt Nam, hiện nay tôi có hai quốc tịch Việt Nam và Pháp. Tôi rất hãnh diện và biết ơn vì điều này.
Cùng với đó, việc được tham dự những sự kiện do Đảng, Nhà nước ta tổ chức cũng là một trong những động lực để tôi quyết định đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng đất nước bằng cách thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance), nhằm mục đích liên kết các nguồn lực, các tài năng của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, người Pháp gốc Việt, và tất cả những người có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam để phát triển lĩnh vực trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp cũng như giữa Việt Nam với các nước châu Âu.