Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đến 8h ngày 14/9, bão số 3 và mưa lũ đã làm 345 người chết, mất tích.
Tình hình thiệt hại do mưa bão và lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ tiếp tục gia tăng ở mức kỷ lục. Tổng số người chết và mất tích đã tăng lên 345 người, trong đó 262 người thiệt mạng và 83 người mất tích.
Những địa phương bị thiệt hại nhiều về nhân mạng là Lào Cai (172 người), Yên Bái (55 người), Cao Bằng (52 người), Quảng Ninh (25 người), Tuyên Quang (05 người chết do lũ), Phú Thọ (11 người: 01 người chết do sạt lở đất; 01 người chết do lũ; 08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ), Hòa Bình (07 người chết do sạt lở đất)…
Bão và mưa lũ cũng làm 168.253 nhà bị hư hỏng và 73.248 nhà bị ngập.
Về thiệt hại nông nghiệp, mưa lũ làm cho 183.394ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại các địa phương: Hải Phòng 23.873ha; Nam Định 18.102ha; Bắc Giang 18.779ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Hải Dương 7.755ha; Hà Nam 7.928ha; Bắc Ninh 9.981ha; Vĩnh Phúc 9.830ha.
Cùng đó, mưa bão làm cho 44.071ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại: Hoà Bình 7.301ha; Hải Phòng 5.116ha; Hà Nội 4.046ha; Nam Định 3.800ha; Thái Bình 3.345ha; Hải Dương 3.202ha; Lạng Sơn 2.669ha, Vĩnh Phúc 2.296ha, Tuyên Quang 1.933ha...
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã xảy ra 305 sự cố đê điều trên địa bàn 14 tỉnh/thành phố Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Tuyên Quang; trong đó, 182 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp 3 trở lên và 123 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp 3.
Thiệt hại về thiên tai tại các tỉnh miền Bắc là rất lớn. Hiện nay, cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trên cả nước đang có các hoạt động kêu gọi ủng hộ từ thiện gửi đến người dân các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ và sạt lở đất.
Thời gian tới, các địa phương cần tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.
Tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt vùng hạ du theo Công điện số 94/CĐ-TTg.
Tiếp tục khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão, tìm kiếm người mất tích, dọn dẹp, vệ sinh môi trường sớm ổn định đời sống của nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão .
Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa dông; các tỉnh ven biển ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.
Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.