BVCL - Đại diện TANDTC nhấn mạnh, Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) là công cụ pháp lý không thể thiếu để Tòa án thực hiện một số hoạt động tố tụng, song qua 14 năm thực thi đã bộc lộ một số hạn chế cần có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tại Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật TTTP do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (3/3), ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TANDTC) cho biết, Luật TTTP có vai trò nổi bật cho việc tiến hành hoạt động xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Một số hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự của Tòa án sẽ không thể thực hiện được nếu không có Luật TTTP.
Theo ông Hùng, với sự ra đời của Luật TTTP, Tòa án Việt Nam và Tòa án nước ngoài có thể đề nghị ủy thác cho nhau thực hiện một số hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự. Đây là hoạt động tố tụng bắt buộc để Tòa án bảo đảm cho người tham gia tố tụng được biết, được tham gia vào hoạt động tố tụng đó để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Việc xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự không thể diễn ra hoặc không thể khách quan, toàn diện, đúng sự thật nếu không có công cụ pháp lý là Luật TTTP để yêu cầu và nhận kết quả ủy thác tư pháp của nước ngoài.
“Trên phương diện hoạt động tố tụng tại TAND, có thể khẳng định Luật TTTP có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền tiếp cận Tòa án, quyền được xét xử công bằng của cá nhân, cơ quan tổ chức, qua đó thúc đẩy có hiệu quả hoạt động của Tòa án”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, nhìn lại quá trình 14 năm thực thi và đánh giá hoạt động tố tụng của Tòa án trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam là thành viên của nhiều diễn đàn song phương, đa phương, số lượng vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài không có xu hướng giảm mà còn tăng lên, phức tạp về tính chất, đa dạng về quan hệ, phát sinh tranh chấp. Vì vậy, cần có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đặc biệt là hoạt động tố tụng tại Tòa án.
“Việc thay đổi luật TTTP theo hướng tách thành 4 dự án luật khác nhau tương ứng 4 lĩnh vực hình sự, dân sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là nhu cầu cấp thiết, phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy hiệu quả hoạt động tố tụng có yếu tố nước ngoài nói chung, tại Tòa án nói riêng”, ông Hùng đề xuất.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Viện KSNDTC cho biết, qua 14 năm triển khai thực hiện Luật TTTP, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Viện KSNDTC đã thực hiện tốt vai trò Cơ quan Trung ương trong TTTP hình sự, cả trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết các yêu cầu TTTP và xây dựng, hoàn thiện pháp luật về TTTP hình sự.
Từ thực tiễn 14 năm triển khai thi hành Luật TTTP, đại diện Viện KSNDTC thừa nhận việc triển khai thực hiện các yêu cầu TTTP về hình sự thường mất nhiều thời gian, trong khi việc giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự trong nước phải tuân thủ thời hạn luật định. Việc chậm hoặc thậm chí không có kết quả thực hiện yêu cầu TTTP ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự.
Ngoài ra, một số yêu cầu tương trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam có khả năng bị nước ngoài từ chối thực hiện vì một số lý do như yêu cầu có liên quan đến hình phạt tử hình; hành vi phạm tội liên quan đến yêu cầu không đáp ứng nguyên tắc phạm tội kép.
Bên cạnh đó, đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ mà giữa Việt Nam và những quốc gia, vùng lãnh thổ đó chưa có Hiệp định TTTP về hình sự, các yêu cầu TTTP về hình sự được lập trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại và được gửi qua kênh ngoại giao. Quy trình gửi yêu cầu tương trợ qua kênh ngoại giao thường mất nhiều thời gian.
Hoạt động tương trợ về truy tìm, kê biên, phong tỏa, tịch thu, trả lại tài sản do phạm tội mà có còn hạn chế. Thực tiễn cơ quan tiến hành tố tụng trong nước đã gửi nhiều yêu cầu cho nước ngoài đề nghị hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các yêu cầu này đều kéo dài nhiều năm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, để nâng cao hiệu quả hoạt động TTTP về hình sự góp phần thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực TTTP về hình sự, trong phòng, chống tội phạm, Viện KSNDTC đề xuất xây dựng luật TTTP về hình sự trên cơ sở tách khỏi Luật TTTP năm 2007 để tập trung tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn.
Ông Phạm Văn Công, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Luật TTTP được ban hành đã góp phần tăng cường cơ sở pháp lý cho dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, một trong những công tác quan trọng trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo đó, từ tháng 7/2008 đến tháng 06/2022, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành đề xuất ký kết được 13 hiệp định về dẫn độ và 15 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù với các quốc gia.
Về khó khăn trong quá trình thực thi Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an chia sẻ, trong hệ thống pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các Điều ước quốc tế về dẫn độ giữa Việt Nam với các nước có một số quy định mà hệ thống luật TTTP chưa tương thích, hoặc chưa có quy định, trong đó có nhiều nội dung phức tạp dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và hướng dẫn hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trân trọng cảm ơn các các ý kiến của các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về cả mặt tích cực và hạn chế trong quá trình thực thi Luật TTTP. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả Luật TTTP.