Trong nước

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2023

Tùng Anh 10/02/2024 - 06:55

Khép lại năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, những tác động tiêu cực của thời kỳ “hậu COVID-19” lan rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực… kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.


1. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

anh-1(1).png
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam ngày 11/10/2023.

Tại Nghị quyết, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp quy mô lớn. Nghị quyết cũng chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên.

2. Quốc hội thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 09/01/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Về định hướng sử dụng đất quốc gia, Nghị quyết nêu rõ: Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý; Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…
3. Giảm lãi suất 4 lần liên tiếp

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. Đây được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thị trường. Đồng thời, thể hiện rõ việc hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, gặp khó khăn, một số nền kinh tế rơi vào suy thoái; lạm phát giảm chậm khiến định hướng điều hành chính sách tiền tệ, lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khó lường hơn.
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.

giam-lai-suat-4-lan-lien-tiep.png

4. Ban hành nhiều chính sách chưa từng có trợ lực thị trường bất động sản

Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có để tháo gỡ khó khăn về pháp lý và tài chính, khôi phục thị trường bất động sản (BĐS). Điển hình là Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì 2 hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Những trợ lực quan trọng này đã giúp thị trường BĐS giảm bớt khó khăn.

5. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

6. Việt Nam là thành viên thứ 147 Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế
Ngày 22/3/2023 tại Paris, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tổ chức lễ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) với Việt Nam. Đây là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay, quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết tình trạng trốn thuế, tránh thuế và các hình thức không tuân thủ khác, từ đó tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin thuế. Đồng thời, giúp gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin thuế với các bên tham gia MAAC.

viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-kinh-te-toan-cau.jpg

7. Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 01/11/2023, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và dự báo tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.

Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Kỳ vọng các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng cao, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh hơn, tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng thị trường.

8. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng cao, giải ngân đạt kỷ lục

Năm 2023, giữa những "cơn gió ngược" của kinh tế thế giới và sự suy giảm dòng vốn đầu tư toàn cầu, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn tăng 32,1% so với cùng kỳ, đạt hơn 36,61 tỷ USD.
Đáng chú ý, cùng với sự gia tăng dòng vốn đăng ký, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2023 cũng tăng lên mức cao kỷ lục kể từ trước tới nay, ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

screenshot-2024-01-08-091324.png

9. Xuất khẩu nông sản lập đỉnh, mở rộng thêm các thị trường mới

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục.
Cụ thể, nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. Có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD gồm cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục và vượt xa kỳ vọng ban đầu "cả năm 4 tỷ USD". Trong 11 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập kỷ lục với hơn 7,7 triệu tấn gạo cho giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái. Hạt gạo Việt đã vượt qua các đối thủ để giành vị trí số 1 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA) với Israel, đến nay, Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA, đang tiếp tục đàm phán 3 FTA nữa là Việt Nam-EFTA (Thụy Sĩ, Nauy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN-Canada, và Việt Nam-UAE.

viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-kinh-te-toan-cau.jpg

10. Lập kỷ lục đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc trong một năm
Năm 2023, trên "đại công trường cao tốc" từ Bắc vào Nam, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của ngành giao thông đã “vượt nắng, thắng mưa”, nỗ lực làm việc bất kể ngày đêm, lễ, Tết để đẩy nhanh tiến độ, thần tốc đưa vào khai thác 475 km đường cao tốc, lập kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm mà tỷ lệ vốn giải ngân của ngành Giao thông vận tải đạt tới 90% kế hoạch được giao, cao nhất trong lịch sử và đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO