Bến xe TP HCM vắng khách sau 9 ngày hoạt động lại

L.T (T/h)| 22/10/2021 06:53

BVCL - Nhiều địa phương chưa mở lại xe khách với TP HCM, quy định phòng dịch không thống nhất khiến bến xe liên tỉnh ở thành phố vắng khách sau 9 ngày hoạt động lại.

ben-xe.jpg
Xe khách xếp hàng đậu tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 21/10.

Ngày 21/10, Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) đã mở lại 13 tuyến xe với 40 chuyến đến các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung, nhưng chỉ thưa thớt người đi. Ôtô khách được các doanh nghiệp đưa vào bến hiện tăng cao sau hơn một tuần hoạt động trở lại, song nhiều xe khi rời bến chỉ chở vài khách.

Đại diện một nhà xe chạy tuyến TP HCM - Quảng Ngãi cho biết hiện mỗi ngày, đơn vị chỉ chạy một chuyến do vắng khách. Ngoài nhu cầu đi lại giảm do dịch, quy định ở các địa phương khác nhau là một trong nguyên nhân khiến người đi ít. Đơn cử từ TP HCM đi Quảng Ngãi, khách có nhu cầu nhiều hơn chiều ngược lại. Tuy nhiên, thành phố ở cấp độ dịch cao hơn nên việc kiểm soát người về được các địa phương thực hiện chặt chẽ hơn.

Trong đó, khách từ thành phố phải tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính nCoV hiệu lực 72 giờ... "Có nơi còn yêu cầu khách phải đăng ký danh sách trước khi về, cách ly... làm nhiều người dè dặt trong kế hoạch đi lại", đại diện nhà xe cho hay.

Chị Huỳnh Ngọc Thị Nhi, 20 tuổi, đứng chờ xe xuất bến về Bình Định chiều 21/10, cho biết mình đã tiêm hai mũi vaccine nhưng trước khi đến bến xe phải chuẩn giấy xét nghiệm âm tính nCoV do nhà xe yêu cầu. "Nếu không có việc gấp tôi chưa về quê lúc này bởi đi lại còn bất tiện, giá vé tăng cao, chưa kể khi về phải tự cách ly tại nhà thêm 7 ngày", chị Nhi nói.

Lãnh đạo Bến xe Miền Đông cho biết việc mở lại vận tải hành khách liên tỉnh giúp người dân đi lại thuận tiện, doanh nghiệp dần khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn một tuần các tuyến xe mở lại, bến vẫn vắng khách. Trước đó, từ lúc thí điểm mở các tuyến xe hôm 13 đến 20/10, mỗi ngày tại bến bình quân có 25 ôtô xuất bến, với 8 khách mỗi chuyến. "Mức này chưa lấp đầy số chỗ, dù các xe chỉ chạy tối đa 50% công suất", đại diện Bến xe Miền Đông nói.

Lác đác khách chờ lên xe về Bình Định tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiệu 21/10. Ảnh: Gia Minh

Một vài khách chờ lên xe về Bình Định tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 21/10.

Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), các tuyến xe được mở lại từ hôm 15/10 - sau hai ngày bắt đầu thí điểm vận tải liên tỉnh do phải chờ các địa phương thống nhất. Đến nay, 6 tỉnh đã nối lại xe khách tuyến cố định qua bến, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Vĩnh Long và Long An. Tuy nhiên, lượng khách cũng rất ít. Thống kê từ ngày 15 đến 20/10, bến có tổng cộng 43 xe chở 357 khách đi các địa phương, trong khi chiều ngược lại cũng chỉ 243 khách đến trên 45 ôtô vào bến.

Phó giám đốc Bến xe Miền Tây Trần Văn Phương nhận định lượng khách ít do phần lớn đã về quê trước đó bằng xe máy, hoặc qua các đợt TP HCM phối hợp tỉnh thành tổ chức đưa về miễn phí. Nhiều tỉnh thành hiện chưa thống nhất mở lại các tuyến xe với thành phố, trong khi các yêu cầu phòng chống dịch khác nhau, số chuyến hoạt động hạn chế... dẫn đến lượng khách rất ít.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng, hơn một tuần sau khi mở lại, các tuyến xe khách cố định liên tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy vậy, sau khoảng một tuần vận hành các tuyến xe khách liên tỉnh, chỉ khoảng 3.500 khách đi giữa TP HCM và các tỉnh thành.

"Hy vọng thời gian tới, công tác kiểm soát giữa các địa phương thống nhất theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, giúp hoạt động xe khách liên tỉnh được tốt hơn", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nói.

Khách thưa thớt ở sảnh chờ Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 21/10. Ảnh: Gia Minh.

Khách thưa thớt ở sảnh chờ Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 21/10. 

Trước đó, đánh giá kết quả sau một tuần mở các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh (từ ngày 13 đến 18/10), Bộ Giao thông Vận tải cho biết có 48 địa phương đã đồng ý khôi phục. Trong đó, 38 tỉnh thành đăng ký khai thác với tổng số 793 tuyến, nhưng thực tế chỉ 588 tuyến hoạt động. Tương tự, mỗi ngày các doanh nghiệp đăng ký gần 2.000 chuyến, nhưng chỉ hơn 1.000 chuyến chạy.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh thành xác định cấp độ dịch trên địa bàn, nhưng việc công bố cấp độ dịch tại địa phương chưa kịp thời, dẫn đến việc tổ chức vận tải lúng túng.

Hôm 20/10, khi hết thời gian thí điểm vận tải liên tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh thành duy trì xe khách liên tỉnh tuyến cố định và cho mở thêm các tuyến khác phù hợp với cấp độ dịch từng địa bàn. Bộ cũng đề nghị các địa phương công bố cấp độ dịch tại địa phương và biện pháp tương ứng, để thuận lợi hơn cho việc tổ chức hoạt động của các loại hình vận tải...

Trước đó theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải liên quan hoạt động vận tải đường bộ, ở địa bàn có dịch cấp 1 (nguy cơ thấp), cấp 2 (nguy cơ trung bình), xe khách được chạy với tần suất bình thường. Địa bàn dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao), xe hoạt động không quá 50% số phương tiện của đơn vị và không quá 50% số chuyến chạy liên tỉnh. Việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người ở vùng dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) khi đi xe khách liên tỉnh. Người đã tiêm vaccine 2 mũi chỉ xét nghiệm khi khách có triệu chứng hoặc yêu cầu điều tra dịch tễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến xe TP HCM vắng khách sau 9 ngày hoạt động lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO