Vụ vay 7,5 tỷ mất cả căn biệt thự tại Hải Dương: “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhập nhèm tính nợ

Minh Anh| 29/10/2022 20:00

Bà Đinh Thị Hợp (người vay nợ) thừa nhận có cầm của bà Phạm Thị Hương số tiền 7,5 tỷ đồng để làm ăn. Tuy nhiên, với cách tính lãi “trên trời”, bà Hương đã yêu cầu bà Hợp phải trả số tiền tới trên 33 tỷ đồng.

Tính lãi trái pháp luật

Tại Bản án phúc thẩm lần hai ngày 22/12/2017, bà Đinh Thị Hợp (trú tại Hải Dương, người vay tiền) cho biết: Từ năm 2008-2013, bà Hợp có vay tiền bà Phạm Thị Hương làm nhiều lần để làm ăn. Khi vay tiền, các bên có lập giấy biên nhận, việc tính lãi do bà Hương tự viết giấy thanh toán để bà trả nợ, lãi suất 3%/tháng và tính theo ngày.

anh-bai-3-qd-phuc-tham.jpg
Bản án phúc thẩm lần hai ngày 22/12/2017

Ngày 25/1/2013, bà Hương viết giấy chốt nợ. Vì gia đình đang có công việc nên bà Hợp không để ý, mặt khác do bị bà Hương ép buộc, nên bà đã ký vào văn bản nhận nợ của bà Hương là 33.127.000.000đ. Bà Hợp xác định đây là số tiền bà Hương tính lãi cao, lãi hàng tháng nhập vào gốc và lại tính lãi tiếp.

Bà Hợp cho rằng số tiền 33.127.000.000đ là xuất phát từ số nợ gốc 7,5 tỷ đồng vay vào các lần: ngày 11/11/2008 là 200.000.000đ; ngày 3/3/2009 là 500.000.000đ; ngày 4/5/2009 là 500.000.000đ; ngày 31/3/2009 là 3 tỷ đồng; ngày 15/1/2009 là 500.000.000đ; tháng 9/2009 là 2 tỷ đồng và ngày 6/6/2010 là 800.000.000đ. Ngày 6/6/2010, bà đã trả được 2 tỷ đồng để bà Hương trả ông Hoan bằng lô đất 407,96m2; ngày 20/4/2011, bà trả tiếp 500.000.000đ. Như vậy, bà còn nợ tiền gốc là 5 tỷ đồng.

Sau khi xem xét hồ sơ, căn cứ sự việc, Hội đồng xét xử cũng nhận định: Xét giấy biên nhận vay tiền ngày 25/1/2013 với số tiền là 33.127.000.000đ: Giấy này bà Hợp và bà Hương đều thừa nhận không phải là giấy vay tiền mà là giấy thanh toán tiền nợ, hay còn gọi là giấy chốt nợ. Do tiền ghi trong giấy biên nhận là bao gồm cả lãi và gốc, được hình thành từ các khoản vay từ năm 2008 đến ngày 25/1/2013. Qua xem xét các giấy thanh toán nợ do bà Hương viết tại bút lục (226, 227, 228, 2294, 544) thì thấy việc thanh toán các khoản nợ đều tính lãi 3%/tháng và tính lãi ngày, rồi cộng lại vào gốc để tính lãi tiếp theo.

Như vậy, giấy biên nhận vay tiền ngày 25/1/2013 với số tiền nợ 33.127.000.000đ bao gồm phần lớn là số tiền lãi cao và lãi đẻ ra lãi; việc tính lãi như vậy trái với quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 nên số tiền nợ tại giấy biên nhận vay tiền ngày 25/1/2013 mà bà Hợp ký tên là không chấp nhận được.

Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST ngày 17/8/2022 của TAND TP Hải Dương cũng nhận định: “Các khoản tiền bà Hương cho bà Hợp vay đều được tính lãi ngày với mức lãi suất từ 2,5% - 3%/tháng rồi cộng lãi vào gốc để tính lãi tiếp theo nên không thể căn cứ giấy biên nhận ngày 25/1/2013 để xác định số tiền nợ bà Hợp chưa thanh toán cho bà Hương”. Như vậy, Hội đồng xét xử cũng đã xác định số tiền chốt nợ 33.127.000.000đ không phải là tiền vay gốc, mà là số tiền được hình thành từ việc cộng lãi vào gốc rồi tính lãi chồng lãi. Hội đồng xét xử căn cứ thỏa thuận này để xác định nợ gốc tương đương giá trị nhà đất do các bên thỏa thuận dùng để đối trừ nợ, như vậy là thừa nhận hiệu lực của giao dịch dân sự cho vay lãi cao vượt quá quy định và tính lãi chồng lãi trái pháp luật.

anh-bai-3-ban-an-so-tham-moi-nhat.jpg
Bản án dân sự sơ thẩm mới nhất số 15/2022/DS-ST ngày 17/8/2022

Cần xác định rõ số nợ

Theo trình bày của bà Hợp trước Tòa, do không có tiền trả nợ bà Hương, sau khi hai bên viết giấy nhận nợ, cụ thể: ngày 25/1/2013 với số tiền 33.127.000.000đ; ngày 26/3/2013, bà Hương cho bà vay 2.130.000.000đ. Hai bên thống nhất số nợ là 35 tỷ đồng và trả nợ bằng việc bà lợp bán cho bà Hương căn nhà chung cư Ciputra (Hà Nội) là 5 tỷ đồng, còn 30 tỷ đồng trả bà Hương bằng việc bán nhà nhượng đất là căn biệt thự tại khu Đỉnh Long.

Để xác định số nợ theo quy định của pháp luật giữa bà Hợp và bà Hương trong các lần vay nợ, từ năm 2008 đến ngày 25/1/2013 (ngày các bên viết giấy thỏa thuận nhận nợ) thì cần phải xem xét, đánh giá các giấy tờ biên nhận vay nợ, các giấy thanh toán tiền nợ và lãi do bà Hương viết, các giấy ký nhận nợ giữa bà Hương và bà Hợp do các bên cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập hiện có trong hồ sơ vụ án, trên cơ sở đó xác định đúng số nợ gốc và lãi mà hiện các bên đang tranh chấp.

Đáng nói, Bản án phúc thẩm lần hai ngày 22/12/2017 lại xác định tổng số nợ bà Hợp phải trả bà Hương là 9.300.000.000đ (9,3 tỷ đồng). Cụ thể, bà Hợp ông Thái căn cứ vào 07 khoản vay nợ thể hiện tại giấy biên nhận nợ do bà xuất trình, cũng như Tòa án thu thập tại cơ quan Công an với số tiền lãi 7,5 tỷ. Hội đồng xét xử cho rằng số tiền nợ này là chưa phản ánh hết và chưa đầy đủ số tiền bà Hương cho bà Hợp vay từ năm 2008 đến năm 2013. Mặt khác, nếu tính lãi số tiền này theo lãi suất các bên thỏa thuận là 3%/tháng thì không tương đương với số tiền các bên chốt nợ ngày 25/1/2013.

biet-thu-dinh-long-2.jpg
Căn biệt thự tại khu Đỉnh Long được nói tới trong vụ án

Theo Hội đồng xét xử, trong khoảng thời gian này, bà Hương còn cho bà Hợp vay 04 khoản tiền khác , được thể hiện bằng giấy biên nhận nợ do bà Hương cung cấp cho Tòa án với tổng số tiền là 1,8 tỷ (cụ thể 04 khoản vay đã được liệt kê ở phần trên). Như vậy, số tiền vay trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến ngày 25/1/2013 là 9,3 tỷ chứ không phải 7,5 tỷ như bà Hợp đã xác định. Bà Hợp cho rằng đã trả 2,5 tỷ tiền gốc, nhưng bà không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Ngay sau khi bản án phúc thẩm được ban hành, bà Hương đã lập tức đề nghị thi hành án.

Thực tế đối với 4 khoản vay trên, VKSND TP Hải Dương đã cho ý kiến. Cụ thể, Biên bản lấy lời khai của bà Hương ngày 29/10/2014 tại TAND TP Hải Dương (Bút lục 605-606) thể hiện: “Toàn bộ số tiền tại các giấy biên nhận nợ của các ngày 22/7/2008 bà Hợp vay 1 tỷ, ngày 14/9/2008 vay 300 triệu, ngày 25/11/2008 vay 300 triệu và giấy biên nhận ngày 31/10/2012 do anh Nguyễn Văn Thành nhận tiền vay hộ bà hơn 200 triệu (anh Thành ký nhận) không nằm trong tổng số 33.127.000.000đ mà tôi và bà Hợp đã chốt nợ. Tất cả các khoản tiền trong các giấy biên nhận nợ trên bà Hợp đã trả cho tôi”.

VKSND TP Hải Dương nhận định: Như vậy, tổng số tiền 1.800.000.000đ bà Hợp đã trả nợ bà Hương theo 04 giấy biên nhận nêu trên đã được các bên đương sự công nhận, là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, nhưng Hội đồng xét xử lại xác định bà Hợp chưa thanh toán các khoản vay này với căn cứ do bà Hợp không cung cấp được chứng cứ là vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vấn đề mấu chốt của vụ án nằm ở việc xác định khoản tiền bà Hợp đã vay bà Hương, cùng với các giao dịch nhà đất liên quan. Ngay từ đầu, bà Hương đã sử dụng cách tính lãi trái luật để nhân số nợ lên gấp nhiều lần, yêu cầu bà Hợp phải trả. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ số tiền thực tế bà Hợp đã vay và hiện phải trả cho bà Hương là bao nhiêu?

Chúng tôi xin tiếp tục thông tin ở kỳ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ vay 7,5 tỷ mất cả căn biệt thự tại Hải Dương: “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhập nhèm tính nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO