Vụ làm giả tài liệu tại Trung Nguyên: “Lập lờ đánh lận con đen”

PV| 04/08/2020 06:39

(BVCL) Kèm theo đơn tố cáo, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã yêu cầu giám định hồ sơ cho thấy hành vi làm giả chữ ký của ông Nguyễn Duy Phước. Vậy nhưng không hiểu sao Công an tỉnh Bình Dương lại giám định những tài liệu khác và không gửi kết luận cho nguyên đơn là bà Thảo.

1-w722-h500.png

Kết luận giám định nhóm tài liệu A không đúng theo tố cáo

Nguyên đơn không nhận được thông báo

Tiếp tục thông tin phản ánh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên gửi đơn tới Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tố cáo hành vi thao túng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Sử dụng tài liệu, giấy tờ giả mạo để nhằm lừa đảo cơ quan chức năng và cưỡng đoạt quyền lợi hợp pháp của người quản lý, điều hành doanh nghiệp và xâm hại thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Cụ thể, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố cáo ông Nguyễn Duy Phước - Trưởng phòng Pháp lý Công ty CP Tập Đoàn Trung Nguyên đã cắt ghép làm giả hồ sơ tài liệu của buổi họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Tập Đoàn Trung Nguyên ngày 26/12/2011.

Ngày 28/7/2020, thông qua báo chí, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được biết, ngày 18/6/2020 Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản thông báo kết quả giám định gửi cho ông Nguyễn Duy Phước (người bị tố cáo trong vụ án làm giả tài liệu nhằm thay đổi chủ sở hữu Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương đã bị khởi tố ngày 22/4/2020).

Trong khi bà Thảo là người gửi đơn tố giác và là người chịu thiệt hại nghiêm trọng từ vụ làm giả tài liệu này lại không hề nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào từ phía Cơ quan CSĐT.

Chính từ văn bản thông báo kết quả giám định nên mới đây trên Cổng thông tin của Tập đoàn Trung Nguyên đã đăng tải thông cáo báo chí có nội dung: “Trong quá trình điều tra, nhiều cơ quan điều tra như Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công tỉnh Bình Dương, Phân viện khoa học hình sự tại TPHCM đều đã có hàng loạt thông báo kết luận giám định và mới đây nhất là thông báo kết luận giám định của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bình Dương đối với các tài liệu, các chữ ký trên thông tin dành cho báo chí các văn bản biên bản họp & quyết định Đại hội cổ đông, biên bản họp Đại hội cổ đông, danh sách cổ đông tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên đều là chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và đều là chữ ký của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.

Từ đoạn thông tin trên, một số kênh thông tin đã đưa bài viết với nội dung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vừa ban hành kết luận giám định liên quan vụ làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Theo đó, chữ ký trong các tài liệu trên là do ông Vũ, bà Thảo ký.

Giám định nhầm tài liệu?

Luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành giám định các tài liệu khác hoàn toàn so với nội dung tố cáo (gọi là tài liệu nhóm A).

Các tài liệu nhóm A bao gồm: “Biên bản & quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc mua cổ phần trong Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và cử người đại diện quản lý phần vốn góp cùng số 12/BB-ĐHĐCĐ, đề ngày 07/12/2009 (ký hiệu A1 và A2); 3 biên bản họp Đại hội đồng cổ đông số 3/QĐ-HTN, số 21/2013/BBTNG và số 19/BB-HTNG, đề các ngày 03/01/2012, ngày 05/4 và 22/11/2013 (ký hiệu từ A3 đến A5); 3 quyết định Đại hội đồng cổ đông số 2/QĐ-HTN, số 22/TB-TNG và số 18/QĐHTNG, đề các ngày 04/01/2012, 06/4 và 22/11/2013 (ký hiệu từ A7 đến A9).

Tất cả các tài liệu trên đều đề rõ ngày, không phải tài liệu do nguyên đơn là bà Thảo đề nghị giám định.

Trong khi đó, nội dung tố cáo về hành vi làm giả tài liệu của ông Phước từ bà Thảo là hành vi có dấu hiệu lừa đảo xuất phát từ việc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy phép thay đổi lần 8 không đúng. Vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp bắt buộc phải có thủ tục ủy quyền bằng văn bản để chứng minh đại diện cho 85% phần vốn góp của TNG tại Công ty CP Cà phê Hoà tan Trung Nguyên. Do đó, ông Nguyễn Duy Phước mới sử dụng các tài liệu là biên bản họp Đại hội đồng cổ đông không ghi ngày, đề tháng 12/2011 (mà theo Kết luận giám định là giả mạo – sau đây gọi là tài liệu nhóm B) để chứng minh tư cách đại diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhằm thông qua Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 29/3/2016 của Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Cà phê Hoà tan Trung Nguyên về việc thay đổi đăng ký kinh doanh. Từ đó, dùng nghị quyết này để đăng ký thay đổi giấy phép lần thứ 8.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự đối với tài liệu nhóm B đã kết luận rất rõ, các tài liệu (Biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông) do Nguyễn Duy Phước và tài liệu do Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp không cùng một nguồn gốc.

Như vậy, rõ ràng việc Nguyễn Duy Phước dùng các tài liệu này để nhằm chứng minh cho tư cách đại diện của ông Vũ là giả mạo, không có bản gốc và khi bị phát hiện tài liệu giả thì chính phía TNG có đề nghị Tòa thu thập tại Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương.

Mặt khác, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương lại khẳng định các tài liệu này không thuộc thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhưng khi cung cấp, các tài liệu lại không có bản gốc, chỉ là bản photo cho nên việc cắt ghép chữ ký rồi photo để tạo ra biên bản giả mạo này. Đại diện của bà Thảo khẳng định hoàn toàn không có cuộc họp nào của Đại hội đồng cổ đông để thông qua nội dung này.

Nay, Công an Bình Dương lại có kết luận về việc giám định các tài liệu hoàn toàn không liên quan đến nội dung tố cáo, việc này đi quá xa so với nội dung giải quyết vụ việc, gây nhầm lẫn. Theo đại diện của bà Thảo, chính vì kết luận gây nhầm lẫn này mà một số báo đã đăng tải những bài viết cho rằng bà Thảo vu khống, tạo dư luận bất lợi cho bà Thảo.

Luật sư đặt nghi vấn lẽ nào Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương không gửi thông báo tới nguyên đơn là bà Thảo về những tài liệu không liên quan là muốn “lập lờ đánh lận con đen”, khiến trắng đen đảo lộn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ làm giả tài liệu tại Trung Nguyên: “Lập lờ đánh lận con đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO