Tòa án giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ

Quỳnh Như| 13/09/2022 10:00

Tòa án các cấp đã và đang tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Vì Công lý” theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Bằng việc ký Sắc lệnh số 33-SL ngày 13/9/1945 về việc thành lập các Tòa án quân sự trong phạm vi toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng hệ thống Toà án ở nước ta. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của các Toà án và từ đó đến nay, ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân.

8s3c3033.jpg
Phiên họp toàn thể của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Mặc dù có tên gọi là Tòa án quân sự nhưng với thẩm quyền được quy định về bản chất thì đây chính là Tòa án cách mạng của chính quyền dân chủ nhân dân mà không phải là Tòa án quân sự thuần túy. Dù là Tòa án ở thời kỳ cách mạng mới thành công nhưng với các quy định về thành phần hội đồng xét xử, thủ tục xét xử, đường lối xét xử theo các nguyên tắc chuẩn mực và cơ bản trong hoạt động tư pháp như: xét xử công khai, có tranh luận, có nghị án, khoan hồng, nhân đạo đối với người biết ăn năn hối cải, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và quyền xin ân xá, giảm án của người bị kết án tử hình... Hoạt động của Tòa án quân sự thể hiện bản chất tiến bộ, dân chủ và pháp quyền của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Xuất phát từ bản chất của Nhà nước và pháp luật là dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu công tác xét xử nói riêng và công tác tư pháp nói chung đều phải vì lợi ích của nhân dân. Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Người dạy: "Các chú hiện nay làm công tác tư pháp, công tác xử án. Vậy muốn làm tốt công tác ấy, (...) trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức''.

Người đã đề ra những yêu cầu chuẩn mực về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tư pháp trong chính quyền mới, Người nói: "Các bạn là những người phụ trách pháp luật. Lẽ dĩ nhiên, các bạn phải nêu cao cái gương ''Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tòa án được quan niệm là một cơ quan giữ vị trí độc lập trong hệ thống các cơ quan nhà nước, thực hiện quyền xét xử. Tư tưởng này được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946. Theo Hiến pháp năm 1946, Cơ quan tư pháp là cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy, Tòa án được quan niệm là một cơ quan độc lập thực hiện quyền tư pháp. Tư tưởng về sự độc lập của quyền tư pháp, sự tách biệt của quyền tư pháp khỏi quyền hành pháp là thành quả của nền văn minh nhân loại hình thành sau cách mạng tư sản- sản phẩm của cuộc đấu tranh bền bỉ của các lực lượng tiến bộ chống lại thế lực chuyên chế phong kiến, vì quyền con người, vì dân chủ.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Tòa án năm 1960 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Toà án nhân dân. Theo đó, hệ thống các Toà án nhân dân gồm: Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện và các Toà án quân sự. Chế độ hai cấp xét xử được các Toà án nhân dân thực hiện. Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử để đảm bảo có sự tham gia của nhân dân.

Từ năm 2002 đến năm 2013, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước nhà, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm; vị thế, trách nhiệm của Tòa án, của Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề cao.

a1.jpg
Cán bộ, đảng viên hệ thống Tòa án nghiên cứu chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác Tòa án và trách nhiệm nêu gương của Thẩm phán, công chức Tòa án.

Hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; cùng với hoạt động xét xử, Tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; phát triển án lệ; đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán và đào tạo nghề xét xử; cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán, cùng một số quy định quan trọng khác... Những đổi mới trên đây là một bước ngoặt quan trọng, một thành tựu có tính lịch sử trong tiến trình Cải cách nền tư pháp của đất nước, đánh dấu bước phát triển mới của các Tòa án nhân dân, khẳng định vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 77 năm hoạt động, Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước.

Công tác chăm lo xây dựng Đảng trong hệ thống Tòa án luôn chú trọng, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, có lòng nhân ái. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tòa án các cấp đã và đang tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Vì Công lý” theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động của Tòa án tiếp tục được tăng cường và có những cải thiện đáng kể. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở cho các Tòa án trong toàn hệ thống; Thực hiện xét xử trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Soạn thảo và trình Quốc hội ban hành Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án; Và mới đây là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân. Trong đó, các Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án Trần Phương Bình; vụ Mobifone mua AVG; vụ Nhật Cường Mobile; vụ VN Farma; vụ Sagri; các vụ án thất thoát tài sản liên quan đến đất công tại TPHCM…. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong suốt chiều dài lịch sử, hệ thống Tòa án nhân dân luôn nhận được sự quan tâm, định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, sự góp ý, giúp đỡ của nhân dân. Những lời dạy của Bác đối với hệ thống Tòa án đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, luôn mang ý nghĩa thời sự, chính trị sâu sắc trong công cuộc đổi mới và cải cách tư pháp nước ta

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO