Tín dụng đen và kết buồn của nữ đại gia Đà thành

Trang Trần| 08/09/2022 14:00

Cơn bão tín dụng đen đi đến đâu đều tàn phá, càn quét, làm đảo điên, xáo trộn khiến cho không ít chủ nợ phải kết thúc bằng vỡ nợ. Cái kết của nữ đại gia bất động sản Đà thành cũng là bởi tín dụng đen mà tán gia bại sản, sống nửa đời còn lại ở chốn lao tù…

Chỉ trong vòng một tuần, Đào Thị Như Lệ hai lần ra tòa với vai trò bị cáo về các tội“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Lệ đã từng là một nữ đại gia bất động sản có tiếng của đất Đà thành, tuy nhiên “tín dụng đen” như một chiếc vòi bạch tuộc đã “siết” Lệ thành kẻ trắng tay,… tù tội.

Ai cũng nói Đào Thị Như Lệ (1979, trú P.An Hải Đông, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có đầu óc và con mắt tinh tường của người làm ăn lớn. Điều đó không sai, Lệ từng có một thời gian dài làm việc tại Chi Cục thuế quận Thanh Khê nhưng sau khi bén duyên với kinh doanh, Lệ nghỉ hẳn. Thông minh, nhạy bén và cả sự liều lĩnh, đón trúng chu kỳ tăng trưởng bất động sản 2015 - 2019, Lệ nhanh chóng phất lên với nhiều công ty kinh doanh bất động sản, nhà hàng, xăng dầu…

tin-dung-den-va-ket-buon-cua-nu-dai-gia-da-thanh.jpg
Đào Thị Như Lệ phải sống nửa đời còn lại ở chốn lao tù

Cái tên Lệ- nữ đại gia bất động sản Đà thành cũng xuất hiện từ đó. Vậy rồi cũng vì “say”, cũng vì “ham” Lệ đã vay mượn tiền để ôm đất quá nhiều, năm 2019 thị trường lao dốc, 2020 dịch Covid-19, kinh doanh tê liệt, Lệ rơi vào nợ xấu, buộc phải vay nóng để xoay xở. Số tiền vay nóng cứ như “mầm giá đỗ” đến kỳ sinh sôi nảy nở một cách chóng mặt, Lệ tuyên bố vỡ nợ 1.500 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng 900 tỷ đồng, nợ ngoài xã hội 600 tỷ đồng. Quá trình điều tra ghi nhận Lệ nợ 1.300 tỷ đồng, tuy nhiên tại tòa, HĐXX làm rõ số tiền Lệ nợ đến 1.504 tỷ đồng. Lệ khai nguyên nhân vỡ nợ là sa vào vay nóng từ năm 2017 và cho hay, trả lãi rất nhiều nên không nhớ rõ tiền gốc.

Cũng vì các món nợ, Lệ đã phạm vào các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trong vụ án này, đứng chung bục khai báo với Lệ còn có Dương Thị Ngọc Anh (SN 1979, trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Ngọc Anh là nhân viên hợp đồng, chuyên viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, người đã đưa cho Lệ 19 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chính Ngọc Anh cũng rơi vào tình trạng làm ăn bị thua lỗ nợ nần chồng chất nên bất đắc dĩ đi vay nóng. Đến kỳ trả nợ không xoay ra tiền nên bị chủ nợ hù dọa sẽ kéo đến cơ quan nơi Anh làm việc. Sợ bị ảnh hưởng, Anh nhờ Lệ giúp với với số tiền 1 tỷ đồng. Ngọc Anh đang thiếu nợ tiền Lệ, đến kỳ vẫn không thể trả, biết Lệ lúc này cũng bị “dí” nợ nên đưa Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân cho Lệ để Lệ tìm cách… giãn nợ.

Từ lời khai của Đào Thị Như Lệ mới thấy được tín dụng đen đã “nuốt chửng” Lệ và các nạn nhân khác như thế nào. Đơn cử một vụ, Lệ và hai người liên liên quan khoản tiền vay của ông N.T. (biệt danh T.T. ở chợ Cồn) lần lượt 7,5 tỷ đồng và 13,5 tỷ đồng, do Lệ bảo lãnh nên phải cùng trả nợ. Mọi người trả lãi gấp 10 lần tiền gốc cho lô đất Hồ Xuân Hương (Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nhưng số nợ còn trên giấy nhận nợ lần lượt là 75 tỷ và 150 tỷ đồng. Lệ cho hay, ví dụ một khoản vay nóng phát sinh lãi 30 tỷ đồng thì chủ nợ chia ra bắt phải ghi giấy nhận nợ cho 2 - 3 người khác để che giấu hành vi cho vay nặng lãi. Với cách thức, một số chủ nợ liên kết với nhau khi con nợ (Lệ) không trả nợ đúng hạn thì bị ép phải đến một người khác để vay nóng với lãi suất cao hơn nhằm trả cho chủ nợ cũ. Đáng nói, không chỉ riêng Lệ mà một số người liên quan đến khoản vay nóng của Lệ cũng “tán gia bại sản” vì lãi suất vay nóng kinh hoàng.

Trong đó, có một chủ nợ cho Lệ vay lãi suất 0,2%/ngày, người này cho hay, đến thời điểm này Lệ còn nợ bà 301 tỷ đồng. Không chỉ vậy, vì người này đứng ra bảo lãnh cho Lệ vay nên từ khi Lệ bị bắt, bà đã trả lãi thay Lệ đến 200 tỷ đồng, phải bán rất nhiều tài sản mà vẫn không trả hết. Trên thực tế, các chủ nợ lấy lãi 0,3%/ngày (vượt gấp 5,47 lần quy định). Chỉ cần không trả tiền gốc đúng hạn, chủ nợ ép phải đi vay người được chỉ định, với lãi suất nâng lên 1%/ngày (vượt gấp 18,25 lần quy định) để tiếp tục trả lãi.

Một khi đã vướng vào tín dụng đen, Lệ hiểu rất rõ bản chất chủ nợ mới- chủ nợ cũ thực ra từ trước đã có những cái “bắt tay ngầm”, dùng tiền của nhau cho vay để ép con nợ phải trả lãi cao hơn. Rồi nếu như con nợ có tài sản thì sẽ ép phải bán với giá rẻ nhất để trừ nợ.

Nữ đại gia một thời- Đào Thị Như Lệ từng tự tin rằng, bản thân mua bán bất động sản chưa bao giờ lỗ, đến khi vay nóng, sa lầy dự án Khu phức hợp thương mại, căn hộ Hồ Xuân Hương (Q.Ngũ Hành Sơn) vì thanh tra và dịch Covid-19, mới dẫn đến vỡ nợ. Tín dụng đen chẳng khác nào “vòi bạch tuộc” siết các con nợ đến chết. Lệ là cũng vì vậy mà vướng vòng lao lý, nhận về mình 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, 1 năm tù tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tù chung thân tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt mà Lệ phải chấp hành là chung thân.

Sau mức án nêu trên của TAND TP Đà Nẵng, 5 ngày sau Đào Thị Như Lệ lại bị TAND Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng đưa ra xét xử cùng với 3 bị cáo khác về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Trong vụ án này, Lệ vừa sa vào tín dụng đen, lại vừa cho vay nặng lãi. Trong đó, Lệ vay nhiều khoản từ 14 tỷ đồng đến 46,5 tỷ đồng với lãi suất 0,3 - 0,4%/ ngày của Trần Thị Thu Tâm. Đến tháng 4/2020, Lệ không có tiền trả lãi nên Tâm đã bàn bạc với Trần Thu Hà về việc Tâm đưa tiền cho Hà để Hà đứng ra cho Lệ vay với lãi suất 1%/ngày. Đây là mức lãi suất vượt gấp 18,25 lần so với quy định. Khoảng tháng 2/2020, Lệ vay của Lê Trọng Phương 2 tỷ đồng, lãi suất 0,3%/ngày, vượt gấp 5,47 lần so với quy định. Sau thời hạn 15 ngày, Lệ không trả gốc được nên tiếp tục trả lãi để gia hạn thêm 8 lần. Vậy là mặc nhiên Lệ thành con nợ của các chủ nợ cho vay nặng lãi đó.

Vay tiền với lãi suất cao nên khi Dương Thị Ngọc Anh mở lời nhờ giúp đỡ với số tiền 1 tỷ đồng, Lệ đã đồng ý cho vay lãi suất 9%/tháng, vượt gấp 5,47 lần so với quy định. Lệ cũng lấy lãi trước 90 triệu đồng, chỉ đưa Ngọc Anh 910 triệu đồng. Trong vụ án “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” này, Đào Thị Như Lệ bị tuyên phạt số tiền 100 triệu đồng.

Trong những lần ra tòa, Lệ không giấu được sự mệt mỏi chán chường của kẻ thất bại, trắng tay. Con đường đi đến đại gia vốn không hề bằng phẳng mà Lệ lại chưa được tận hưởng bao lâu đã vướng vòng lao lý. Cho nên, trong thời khắc “thoi thóp” muốn kéo dài sự sống, Lệ vừa đi lừa đảo, vừa cho vay nặng lãi nhưng cuối cùng Lệ cũng chính là nạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi khác.

Cơn bão tín dụng đen đi đến đâu đều tàn phá, càn quét, làm đảo điên, xáo trộn khiến cho không ít chủ nợ phải kết thúc bằng vỡ nợ. Cái kết của nữ đại gia bất động sản Đà thành cũng là bởi tín dụng đen mà tán gia bại sản, sống nửa đời còn lại ở chốn lao tù…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng đen và kết buồn của nữ đại gia Đà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO