Thanh Hóa: 2 năm chưa rõ trắng – đen, người kêu oan tiếp tục bị tạm giam

Hoàng Giang| 07/08/2020 07:26

(BVCL) Đã 2 năm trôi qua, Cơ quan điều tra không đưa ra được căn cứ buộc tội thỏa đáng đối với bị cáo Lê Thảo Nguyên trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo vẫn không thay đổi, anh Nguyên tiếp tục bị giam giữ.

Tiếp tục thông tin về vụ án anh Lê Thảo Nguyên (trú tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị vợ chồng nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia I (Thanh Hóa) tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt 300 triệu đồng, ngày 11/10/2019 Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên phiên tòa này nhanh chóng kết thúc bằng Quyết định trả hồ sơ, gia hạn tạm giam đối với bị cáo Nguyên.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/6/2020, 02 điều tra viên bị triệu tập tới phiên tòa. Trong phần tranh tụng, vì còn nhiều điểm chưa làm rõ, lời khai của các nhân chứng bất nhất, mâu thuẫn và phi lý, nhiều câu hỏi của Luật sư, bị cáo đưa ra nhưng điều tra viên và kiểm sát không có câu trả lời hoặc không đối đáp.

Qua hai cấp xét xử, bị cáo Lê Thảo Nguyên và Luật sư đã đưa ra dẫn chứng, chứng minh bị cáo không có hành vi gian dối, không có hành vi lừa đảo, Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm.

Đáng nói, theo quy định của pháp luật, một người chỉ có thể bị coi là có tội khi bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, tính đến nay bị cáo Nguyên đã bị tạm giam gần 2 năm và tiếp tục tạm giam 4 tháng nữa theo lệnh tạm giam mới.

Đã 2 năm trôi qua, Cơ quan điều tra không đưa ra được căn cứ buộc tội thỏa đáng đối với bị cáo Nguyên nhưng không thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo mà tiếp tục giam giữ. Việc này khiến dư luận cùng người nhà của bị cáo không khỏi hoài nghi liệu quyền công dân có đang bị tổn hại?

Trước đó, ông Lê Trường Ngọc – bố của anh Thảo Nguyên đã có đơn tố cáo tới cơ quan Trung ương về việc nguyên đơn làm giả hồ sơ làm giả tài liệu con dấu của Cơ quan Nhà nước. Ngày 16/4/2020, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị xem xét xử lý về nội dung tố cáo của ông Ngọc. VKSND Tối cao cũng đã có văn bản yêu cầu VKSNT tỉnh Thanh Hóa xử lý, trả lời ông Lê Trường Ngọc. Tuy nhiên, đã 4 tháng qua sự việc vẫn "ám binh bất động".

Bị cáo Thảo Nguyên sau phiên phúc thẩm
Bị cáo Thảo Nguyên sau phiên phúc thẩm

Lật lại bản Cáo trạng số 02/CTr – VKSTG ngày 26/11/2019 do Viện Trưởng VKSND huyện Tĩnh Gia ban hành, đối chiếu Cáo trạng với quan điểm của Luật sư Trần Đình Triển - Văn Phòng luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư Hà Nội có thể thấy còn nhiều điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, trong bản Cáo trạng luôn cho rằng anh Nguyên nhận tiền để “xin việc” cho Hà Phương, nhưng thực chất trong giấy nhận tiền ghi rõ là lo công việc. Trong giấy nhận tiền cũng không nói đến thời hạn lo công việc là bao lâu và cũng không thể hiện vị trí làm việc ở đâu, đây là một khái niệm rất chung.

Vấn đề giao nhận 300 triệu đồng, theo Luật sư Triển là quan hệ bình thường bởi pháp luật không cấm dịch vụ môi giới việc làm và thực tế Hà Phương đã được anh Nguyên sắp xếp công việc cho tại Nhà hàng hải sản Tĩnh Gia của Nguyên, chi tiết này không hề được Viện kiểm sát nhắc tới trong Cáo trạng.

Thứ hai, anh Nguyên yêu cầu nếu được xem bản gốc giấy nhận tiền thì sẽ trả đủ 300 triệu nhưng ông Tân, bà Tuyết (nguyên đơn) không đáp ứng mà cung cấp cho cơ quan Công an. Khi Cơ quan điều tra bắt tạm giam anh Nguyên và đưa ra giấy tờ gốc, anh Nguyên đã nhắn với gia đình trả lại toàn bộ số tiền trên cho ông Tân, bà Tuyết. Như vậy có thể thấy ý thức chiếm đoạt của anh Nguyên là hoàn toàn không có.

Theo Luật sư Triển, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều quan trọng là làm rõ bị cáo có chiếm đoạt không, có hành vi gian dối không, đó là những yếu tố cấu thành tội phạm. Anh Nguyên hoàn toàn không gian dối, cũng không có ý thức chiếm đoạt, trong Cáo trạng của Viện Kiểm sát đã không xét tới điều này.

Thứ ba, Luật sư cho biết trước đó Cơ quan điều tra bỏ đi tình tiết cơ bản nhất trong hồ sơ của Hà Phương đó là ông Tân, bà Tuyết (bố mẹ Hà Phương) làm bằng giả Đại học Kinh tế quốc dân để kí hợp đồng làm việc cho con trai mình. Trong quá trình xảy ra sự việc anh Nguyên khai “tôi đã cầm bản chính” giấy mượn tiền thì đây có dấu hiệu bên ông Tân đã làm giấy tờ giả rất giỏi. Đặt một giả thiết rất quan trọng là tờ giấy đó được scan và bản thân scan màu thì với bản chính rất giống nhau nên Nguyên có thể ngộ nhận đấy là bản chính. Tuy nhiên đến bản Cáo trạng ngày 26/11/2019, Viện Kiểm sát tiếp tục không xét tới tình tiết kể trên, bỏ qua giả thiết giấy nhận tiền bị làm giả.

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Cần phải lật ngược lại toàn bộ quá trình thụ lí từ đơn tố giác tội phạm cho đến khởi tố, truy tố và tới phiên xét xử. Đây là vụ án hoàn toàn oan sai, hình sự hóa một quan hệ dân sự. Với kinh nghiệm từng tham gia rất nhiều vụ việc, Luật sư nhận định vụ án có dấu hiệu khởi tố ngược. Theo đó, những người có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt lại tài sản lại đứng ở vị trí là bị hại.

Hiện, nguyên đơn Thảo Nguyên tiếp tục bị tạm giam khi nhiều vấn đề còn chưa được làm rõ. Liệu việc này có công bằng không? Trường hợp bị cáo thật sự vô tội, quãng thời gian trong tù và những tổn thất cả về kinh tế lẫn thể xác, tinh thần bị cáo cùng gia đình phải chịu, ai sẽ bù đắp?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: 2 năm chưa rõ trắng – đen, người kêu oan tiếp tục bị tạm giam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO