Tết trên đất Quảng

Hải Nam| 05/01/2023 15:07

BVCL - Tết trên đất Quảng có gì mà khiến con người ta phải nhớ hoài, nhớ mãi… Tết trên đất Quảng có gì mà cứ hiện diện mãi trong tâm thức, như đốm lửa giấu dưới lớp tro, có dịp lại bùng lên… Có lẽ, Tết trên đất Quảng là dịp hướng về với nguồn cội, mà nguồn cội đó nào phải mơ hồ, xa xôi, đơn giản có khi là chỉ món ăn mà ông bà cha mẹ đã nấu ngày Tết.

Ăn Tết…

Với người Quảng, họ hay gọi “ăn Tết” vì người dân quan niệm “Có đói cũng ngày Tết/ Có hết cũng ngày mùa”. Nên trong tâm thức của người dân xứ Quảng, ẩm thực được xem là linh hồn của ngày Tết. Ẩm thực ngày Tết là sự hội tụ những tinh hoa ẩm thực mà con cháu dâng cúng để tổ tiên và những người đã khuất thụ hưởng như một sự tri ân và tưởng niệm, sau nữa là “tiệc chiêu đãi” thân bằng quyến thuộc, hàng xóm láng giềng và khách khứa sau một năm lao động vất vả.

Ăn Tết ở Quảng Nam không thể thiếu bốn loại bánh “bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in” được xuất hiện với tư cách như những loại bánh cổ truyền thống, mang nhiều ý nghĩa cao cả. Nhâm nhi hương vị ngày Tết thông qua bốn loại bánh này với bát nước chè xanh cũng là cách gặp gỡ nhân ngày đầu năm, trao đổi công việc, chúc tụng lẫn nhau… cũng là luận bàn may mắn, hên xui cho năm mới dựa trên đặc điểm các loại bánh đó. Chính vì vậy, việc chuẩn bị chế biến các loại bánh này là hết sức quan trọng từ khâu ngâm nếp, vuốt nếp, chọn lá… đến các thao tác gói bánh, làm bánh, nấu bánh, đun lửa… đều hết sức tỉ mỉ. Vì theo quan niệm dân gian nếu bánh không đẹp mắt sẽ không tốt cho việc sang năm, ngược lại bánh trắng, dẻo sẽ báo hiệu cho những điều tốt đẹp cho năm mới…

tet-tren-dat-quang-hinh-anh01267514981.jpg
Hô hát bài Chòi – nét đẹp trong tín ngưỡng Tết của người dân xứ Quảng

Dân xứ Quảng có thói quen viếng mộ ông bà, tổ tiên vào ngày cuối năm. Sau khi viếng mộ gia tiên về, người ta làm lễ cúng rước ông bà, nên ba ngày Tết người Quảng có tục cúng cơm tồn tại hàng mấy trăm năm qua. Mâm cỗ này tuy không quá cầu kỳ cách nấu nướng, cách ăn uống cũng khá đơn giản, chân chất, ít chuộng hình thức, không phô trương, chẳng khắt khe, nhưng phải sạch sẽ, thể hiện lòng thành kính của con cháu.

Tết về, trong mỗi gia đình người Quảng Nam quê tôi không thể thiếu vài hủ dưa món. Cứ khoảng 27 Tết là các bà nội trợ dạo một vòng quanh chợ, chọn nguyên liệu làm dưa. Một hủ dưa món đầy đủ hương vị đặc trưng của xứ Quảng phải đậm đà mùi nước mắm, dưa giòn và thơm ngon.

tet-tren-dat-quang-hinh-anh1295476827.jpg
Bánh tổ mộc mạc trở thành hương Tết đặc trưng của Quảng Nam

Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết ở xứ Quảng không thể thiếu thịt heo ngâm nước mắm. Cách làm món này khá đơn giản, đại khái sau khi luộc đến mức độ nào đó đã ưng ý, vớt ra, chờ ráo nước rồi xếp từng miếng cho vào hũ - thứ hũ bằng thủy tinh cao chừng gần hai gang tay. Xong, đậy kín nắp. Ai làm cũng được. Tuy nhiên, miếng thịt có đạt đến độ “ngon tận chân răng” hay không còn tùy thuộc vào cách nấu nước mắm, có thêm tỏi, hành, tiêu, bột ngọt… rồi đổ vào hũ thịt heo đó. Đó chính là “bí kíp” quan trọng bậc nhất do các mẹ, các chị Quảng Nam lưu giữ, không một sách vở nào ghi lại.

Chơi Tết…

Giao thừa xong, những cụ già lớn tuổi sẽ chọn hướng, chọn giờ đẹp nhất để xuất hành đầu năm. Người ta dựa vào tuổi, cung mạng để chọn hướng xuất hành tốt nhất, nhằm cầu mong nhiều điều tốt đẹp trong năm. Giờ xuất hành sau Lễ cúng rước Hành khiển - vị thần cai quản năm mới và tiễn vị Hành khiển của năm cũ người ta thường đi hái lộc đầu năm để tìm cái hên. Lộc thường là cành cây, chồi non của những cây sống lâu năm ở đình chùa, hái xong mang về cắm ở cửa hoặc trên bình hoa giữa bàn thờ tổ tiên. Với người Quảng, việc hái lộc đầu năm nhằm cầu xin lộc của trời – đất ban cho con người.

Trong ba ngày Tết, ngoài cúng ông bà, tổ tiên thì chủ yếu là thăm viếng và chúc Tết, quan trọng nhất là phải về nhà thờ họ, thăm mộ đầu năm để thắp nén nhang tri ân tổ tiên và mừng tuổi ông bà vào ngày Mồng 1. Ngày Mồng 2 dành cho việc thăm viếng sui gia, con cháu về thăm bên ngoại, rể về thăm nhà vợ. Ngày Mồng 3 đi thăm bà con xa, bạn bè…

tet-tren-dat-quang-hinh-anh21022822371.jpg
Tết trên đất Quảng không thể thiếu sắc hoa vạn thọ quê mùa, bình dân

Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân xứ Quảng có thói quen hay đến đình làng để thắp hương tế lễ các vị Thành Hoàng, các bậc tiền nhân và trời đất để bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng vọng, biết ơn tổ tiên, mong được phù hộ, độ trì cho năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Trong ngày Tết, đình làng trở thành nơi vui chơi, bà con làng trên xóm dưới gặp nhau trao đổi chuyện gia đình, lao động sản xuất… Những vị cao niên cùng nhau nhấp chén rượu, chén trà, ngồi kể cho lớp trẻ về truyền thống, lịch sử của làng…

Ngày Tết, người xứ Quảng thường đến đình làng để vui chơi, giải trí với những hoạt động mang đậm truyền thống văn hóa đặc trưng như: hô hát bài chòi, đánh cờ người, hát sắc bùa, hát hò khoan đối đáp… Hát bội, bài chòi không là “độc quyền” của người Quảng, nhưng chỉ Quảng Nam, người ta mới mê tới độ, hễ gần Tết: “Vợ lo nếp, lá, đậu, mè/Chồng lo mài rựa, chặt tre, dựng chòi”; “Bài chòi coi bộ có duyên/Thức khuya cũng chịu, tốn tiền cũng ưng”… Đây cũng trở thành chốn hò hẹn, tìm hiểu trao duyên của nam thanh nữ tú.

tet-tren-dat-quang-hinh-anh31449537569.jpg
Mâm cỗ ngày Tết xứ Quảng không thể thiếu thịt heo ngâm nước mắm

Tết trên đất Quảng vẫn là dòng chảy trong cội nguồn văn hóa Việt, vì lẽ vậy xác lập sự “dị biệt” là điều dễ dẫn đến tranh cãi. Xuân về, Tết đến cãi nhau làm chi, dù rằng “Quảng Nam hay cãi”… Bởi vì, dù ngàn năm sau nữa, thì Tết ở xứ Quảng cũng không thể thiếu “bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in”, dưa món, thịt heo ngâm mắm, càng không thể thiếu hô hát bài chòi cũng như sắc hoa vạn thọ quê mùa, bình dân.

Xứ Quảng thân thương không chỉ vang danh khắp nơi với Hội An cổ kính, Mỹ Sơn huyền ảo, biển Cửa Đại quyến rũ, làng Tam Thanh yên bình hay Cù Lao Chàm hoang sơ… Mà còn những giá trị tinh thần mà người dân ở cái xứ “chưa mưa đà thấm” này tạo nên từ những bước chân lưu dân đầu tiên cách nay hơn năm thế kỷ, hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng của vùng.

Có lẽ, Tết đầu tiên của người Việt trên xứ này cách nay hơn 500 năm và bây giờ chắc cũng không khác nhau gì về tâm thế đón nhận. Đó là tâm thế của niềm vui chờ đợi, hồi hộp, náo nức với nhiều cung bậc khác nhau nhưng xuyên suốt, chủ đạo vẫn là sự kỳ vọng và hân hoan đón mùa Xuân mới.

tet-tren-dat-quang-hinh-anh4688004511.jpg
Lễ cúng rước Hành khiển - vị thần cai quản năm mới của người Quảng Nam
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết trên đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO