Tăng cường công tác xét xử để phục vụ chủ trương “chống dịch như chống giặc”

Quách Chữ| 03/06/2021 09:46

BVCL - Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, công tác xét xử đóng vai trò quan trọng việc phòng, chống dịch. Thông qua việc xét xử nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, nâng cao nhận thức của xã hội trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

c11cc71856b5a3ebfaa4.jpg
TAND đã kịp thời xét xử nghiêm khắc, đúng quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tính "răn đe" của chế tài xử phạt vi phạm

Từ khi dịch bệnh bùng phát, xuất hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng và bất bình trong xã hội.

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, hệ thống Tòa án nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, theo đúng quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 30/3/2020, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 45/TANDTC-PC về việc áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh đảm bảo sự thống nhất trong xử lý tội phạm ở tất cả các giai đoạn tố tụng.

Trong quá trình tổ chức xét xử, Tòa án đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điển hình trong số đó phải kể đến vụ án xét xử bị cáo Đào Xuân Anh (tên gọi khác Đào Văn Doanh) về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự. Theo hồ sơ vụ án, bị cáo đã không chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và có những lời lẽ lăng mạ, chửi bới, dùng mũ cối hành hung các thành viên Tổ công tác.

Vụ án chỉ 6 ngày sau khi gây án, bị cáo đã bị được đưa ra xét xử lưu động và truyền hình trực tuyến đến 13 điểm cầu, truyền thanh trực tiếp đến các thôn bản của huyện Tiên Yên để phục vụ công tác tuyên truyền.

Vụ án xét xử bị cáo Đào Xuân Anh là vụ án đầu tiên trong cả nước được Tòa án tổ chức xét xử về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, theo chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được dư luận đồng tình đánh giá cao.

f80c2b0bbaa64ff816b7.jpg
Phiên tòa xét xử bị cáo Triệu Lê Giang ngày 6/8/2020

Liên quan đến hành vi lợi dụng dịch bệnh để đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, phải kể đến vụ án xét xử bị cáo Triệu Lê Giang (bản Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Theo hồ sơ vụ án, do không có tiền chi tiêu vào mục đích cá nhân, bị cáo đã sử dụng mạng xã hội Facebook để kết bạn với tài khoản khác để đưa ra thông tin sai sự thật, tạo các đơn hàng để lừa bán nhiều hộp khẩu trang sau đó cắt liên lạc khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ quy định pháp luật, bị cáo Triệu Lê Giang đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xử phạt 12 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự năm 2015. Tổng hợp hình phạt của bản án trước đó Triệu Lê Giang phải chấp hành hình phạt chung là 42 tháng tù.

Xử lý nghiêm tình trạng đưa người nhập cảnh trái phép

Bên cạnh việc tổ chức xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn số 45/TANDTC-PC, trước tình trạng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 06/08/2020, TANDTC đã ban hành Công văn 109/TANDTC-PC yêu cầu Chánh án TAND các cấp khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, TANDTC yêu cầu Chánh án TAND, Chánh án Tòa án quân sự các cấp và Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC chủ động phối hợp với cơ quan tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép (Điều 347), Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348), Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349), Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 350); bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật.

d4f343f4d25927077e48.jpg
Lực lượng chức năng trao trả công dân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Điền hình như vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Thị Vui (phường Lương Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) và Tằng A Nhì (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Trong vụ án này, bị cáo Vui và Cường đã 3 lần tổ chức cho 21 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ngày 25/5/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại nhà văn hóa xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu và tuyên phạt các bi cáo với nhiều mức án khác nhau, riêng bị cáo Vui và bị cáo Nhì lần lượt phải nhận bản án 9 và 8 năm tù.

Còn gần đây nhất là vụ án đưa 5 công dân Campuchia đến mốc 753 sang Trung Quốc của các bị cáo Đàm Văn Cương - SN 1982, Đàm Văn Huấn - SN 1995, Hoàng Văn Hải - SN 1998, cùng trú tại xóm Pác Rình, Kéo Háo, xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Căn cứ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Cương 5 năm tù giam, Huấn 4 năm tù giam và Hải 4 năm tù giam. Đây là bản án thích đáng cho các đối tượng có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy liên quan đến an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Đó chỉ là những ví dụ điển hình mà Tòa án đã phối hợp tổ chức xét xử thành công, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân và nâng cao nhận thức của xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Để góp phần kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, trong thời gian tới, hệ thống Tòa án nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động, sáng tạo, linh hoạt phát huy tốt hơn nữa vai trò của công tác xét xử trong công tác phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác xét xử để phục vụ chủ trương “chống dịch như chống giặc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO