Quảng Ninh: Dự án chỉnh trang đô thị khiến cán bộ mất chức, dân mất niềm tin

Trần Khanh| 29/07/2020 07:27

(BVCL) Ngay khi mới bắt đầu triển khai dự án, nhiều người dân nằm trong diện giải tỏa liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Đáng chú ý là trong quá trình thi công, nhiều cán bộ địa phương đã bị kỷ luật, cách chức do vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước.

Đất “vàng” dễ dàng vào tay doanh nghiệp

Ngày 12/9/2018, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 72/QĐ-HĐND, quyết định phê duyệt đầu tư Dự án đường kết nối Quốc lộ 18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và chỉnh trang đô thị phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời giảm tải phương tiện lưu thông qua đây.

Ttrong quá trình triển khai dự án, có hơn 40 hộ dân sinh sống tại tổ 4, tổ 5 (khu 9B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả), thuộc diện bị thu hồi đất đã có đơn gửi đến các cấp chính quyền cho rằng việc đền bù và giải phóng mặt bằng thiếu minh bạch.

Theo anh Hoàng Trung Ninh (SN 1972, trú tại tổ 4, khu 9B, phường Quang Hanh), mặc dù việc đền bù thu hồi đất để xây dựng dự án có giá rẻ mạt, nhưng người dân vẫn chấp thuận và phần đất thừa sau khi thu hồi thì nên cho các hộ dân được tái định cư, sinh sống tại chỗ; Việc chính quyền TP. Cẩm Phả đẩy người dân về khu tái định cư mới, đồng thời thu hồi phần đất thừa để giao cho doanh nghiệp xây dựng shop house là rất bất công.

anh-cp-1-w1000-h666.jpg

Hằng ngày, bà Phạm Thị Nhít (90 tuổi) vẫn sinh sống trong căn chòi tạm bợ trên khu đất thừa vài chục mét vuông. Ảnh Trần Khanh.

Đáng chú ý là trong biên bản cuộc họp lấy ý kiến đồng thuận về việc thực hiện dự án vào ngày 07/7/2018, tại nhà văn hoá khu 9B (phường Quang Hanh) còn xuất hiện nhiều chữ ký giả mạo gây bức xúc cho người dân. Trong đó, có trường hợp của bà Phạm Thị Nhít (90 tuổi) dù không biết chữ nhưng lại bị cán bộ giả mạo chữ ký đồng thuận bàn giao đất. Hiện bà Nhít vẫn hằng ngày sống trong căn chòi tạm bợ trên khu đất thừa vài chục m2.

Còn chị Nguyễn Thị Hương (trú tại tổ 4 khu 9B, phường Quang Hanh) cho rằng, nếu dự án kết nối Quốc lộ 18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả sau khi đi vào hoạt động giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, thì mọi người còn thấy phấn khởi. “Thế nhưng, từ ngày bị cưỡng chế thu hồi đất, cũng là lúc người dân sống trong khổ cực, đất đai trồng trọt giờ không còn, nhà cửa mặt đường đang kinh doanh ổn định giờ biến mất”, chị Hương nói.  

Chị Mai Thu Huyền (42 tuổi, trú tại tổ 5 khu 9B, phường Quang Hanh) cho hay, ban đầu các hộ dân được UBND phường Quang Hanh thông báo dự án thu hồi đất để mở tuyến đường nối Quốc lộ 18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả nên rất đồng tình ủng hộ. Nhưng sau khi người dân ký tên đồng thuận dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra văn bản thu thêm phần đất hai bên đường để xây dựng shop house thương mại thì khác nào “đánh lừa” người dân?

anh-2-quang-ninh-w1194-h712.jpg

Dự án đường kết nối QL18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh Trần Khanh.

Chị Huyền cho biết thêm, ngay sau khi chính quyền địa phương đưa ra phương án di dời bà con đến khu tái định cư mới, tất cả mọi người đều không chấp nhận. Bởi nhiều gia đình thắc mắc, tại sao chính quyền lại ra nhiều văn bản khác nhau trên một dự án, mà không cho người dân được sinh sống trên phần đất của mình? Sau nhiều văn bản chồng chéo khó hiểu, đồng thời cán bộ địa phương cố tình làm sai lệch hồ sơ thì hứng chịu thiệt thòi lại chính là người dân.

Người dân nghi ngờ về tính đúng đắn của các văn bản

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 26/12/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 5466/QĐ-UBND nêu rõ: “Các hộ dân được bố trí tái định cư tại chỗ mua thiết kế theo mẫu (theo đơn giá được phê duyệt theo quy định của nhà nước) và cam kết phải xây dựng nhà ở theo đúng thiết kế mẫu”.

Tuy nhiên, đến ngày 01/6/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra ban hành Quyết định số 1808/QĐ-UBND, quyết định chấp thuận đầu tư dự án nhóm nhà ở hai bên tuyến đường kết nối Quốc lộ 18 với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Trong đó, xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 121 căn nhà ở liền kề, cao 5 tầng, tổng diện tích sàn 46m2.

Giải thích về mâu thuẫn các văn bản trên, ông Trần Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cẩm Phả cho hay, do người dân không đến tham dự cuộc họp bàn phương án tái định cư, nên UBND thành phố đã lập biên bản và huỷ kế hoạch tái định cư tại chỗ.

Để chứng minh cho việc này, ông Trần Xuân Trường đã cung cấp cho phóng viên biên bản cuộc họp ngày 02/1/2020, trong đó, có đại diện UBND phường Quang Hanh, Trung tâm phát triển quỹ đất và khu dân phố 9B, nhưng không có người dân ký nhận.

 anh-2-quang-ninh-w1194-h712.jpg

Nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi bị cán bộ địa phương giả mạo chữ ký. Ảnh Trần Khanh.

Phản bác lời giải thích của ông Trần Xuân Trường, một số hộ dân cho biết, dự án liên tục thay đổi quy hoạch, còn cán bộ địa phương cố tình làm sai hồ sơ gây tổn hại quyền lợi của người dân. Hơn nữa, sau khi quy hoạch tuyến đường thì người dân đáng lẽ phải được sinh sống trên phần đất còn lại. Ngoài ra, khu tái định cư mới chưa đầy đủ cơ sở hạ tầng nên bà con không ký đồng thuận và bỏ về trong cuộc họp ngày 2/1/2020.

Liên quan đến những sai phạm trong việc giải phóng mặt bằng dự án này, ngày 01/7/2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Văn Kính và ông Nguyễn Hải Khiên (đều là Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả) và ông Trương Văn Pha - Chủ tịch UBND phường Quang Hanh bằng hình thức Khiển trách.

Theo UBKT Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong quá trình triển khai dự án trên, ông Phạm Văn Kính và ông Nguyễn Hải Khiên đã phê duyệt phương án bồi thường không đúng quy định dẫn tới làm tăng số tiền đầu tư. Ngoài ra, ông Trương Văn Pha còn mắc sai phạm nghiêm trọng khi ký cấp đổi GCN QSDĐ cho các hộ dân không đúng quy định, gây tổn thất ngân sách nhà nước.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả thừa nhận, trong quá trình lấy ý kiến đồng thuận, một số cán bộ địa phương đã có những sai phạm nghiêm trọng, giả mạo chữ ký của người dân. Do đó, Thanh tra tỉnh đã tiến hành làm rõ vi phạm, điều chuyển công tác và cách chức đối với những cán bộ sai phạm.

Câu hỏi đặt ra là các cán bộ liên quan đến dự án này có sai phạm và bị kỷ luật. Vậy quá trình thu hồi đát, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án liệu có chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là sự bất nhất của các văn bản, mà các đơn vị tham mưu đã trình UBND tỉnh Quảng Ninh, ký, phê duyệt khiến người dân đặt câu hỏi về tính đúng đắn của các văn bản này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Dự án chỉnh trang đô thị khiến cán bộ mất chức, dân mất niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO