Quảng Ngãi: Thi công cảng Hòa Phát, người dân điêu đứng vì nguy cơ hồ tôm bị “khai tử”

Dương Vương| 16/10/2021 15:38

BVCL - Hàng chục hộ dân mưu sinh nghề nuôi tôm hơn 5 năm qua, đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đào hồ, mua trang thiết bị nuôi tôm. Vậy nhưng dự án cảng Hòa Phát (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) triển khai, người dân xã Bình Thuận “điêu đứng” trước nguy cơ hồ nuôi tôm bị xóa sổ.

vu-boi-thuong-ho-tom-ngay-15-10-quang-ngai-1.jpg
Người dân xã Bình Thuận lập chốt và cử dân canh giữ không cho xe thi công cảng Hòa Phát.

Dự án Bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất (thuộc Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát) được cấp phép thi công tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng kinh phí đầu tư 3.775 tỷ đồng, quy mô dự án có diện tích 45,75 héc-ta (ha), đầu tư xây dựng 03 bến với chiều dài 750m, công suất tiếp nhận 50.000 DWT với thiết kế từ 5-6 triệu T/năm.

Dự án trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 1665/QĐ-BTNMT ngày 04/7/2019 về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

vu-boi-thuong-ho-tom-ngay-15-10-quang-ngai-2.jpg
Người dân dùng đá, cây, ghe và cờ truyền thống để ngăn cản xe thi công chở đá.
vu-boi-thuong-ho-tom-ngay-15-10-quang-ngai-3.jpg
Dự án cảng Hòa Phát nằm bên ngoài vùng biển sát hồ tôm, việc thi công chặn nguồn nước có nguy cơ “khai tử” hồ tôm đầu tư bạc tỷ.

Vào tháng 6 và 7/2021, đơn vị thi công tiến hành đổ đá và vật liệu xây dựng, người dân thôn Tuyết Diêm (xã Bình Thuận) đã quả quyết ngăn cản, không cho đơn vị thi công khi chưa thống nhất với mức bồi thường và hỗ trợ thiệt hại liên quan đến dự án.

Trước sự phản đối của người dân địa phương, ngày 14/10, UBND huyện Bình Sơn tổ chức đối thoại với 24 hộ dân có hồ tôm bị ảnh hưởng dự án Bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất, do ông Ngô Văn Dụng – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chủ trì.

Ghi nhận phản ánh của nhân dân, ông Đỗ Minh Huấn – Chủ tịch UBND xã Bình Thuận báo cáo và nêu 6 kiến nghị của nhân dân. Qua đó, các hộ dân nuôi tôm ý kiến gồm dừng ngay việc thi công đổ đất, đá làm ảnh hưởng đến nguồn nước gây chết tôm; đề nghị được bồi thường, hỗ trợ; trường hợp không bồi thường thì hỗ trợ 80% giá trị đầu tư hồ tôm; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí đóng giếng, lắp đường ống dẫn nước; xây dựng hệ thống thoát nước trước khi thi công dự án.

vu-boi-thuong-ho-tom-ngay-15-10-quang-ngai-5.jpg
Đường ống do dân đầu tư là nguồn cung nước nuôi tôm duy nhất từ vùng biển đến hồ tôm.

Tại buổi đối thoại, ông Bùi Khương (hộ nuôi tôm) bày tỏ: “Cách đây hơn 5 năm trước, người dân chúng tôi đào hồ nuôi tôm ở khu vực ven biển thôn Tuyết Diêm 3. Khi đào hồ, không có ai nghiêm cấm gì cả nên chúng tôi đã đầu tư gần 500 triệu đồng để làm kế sinh nhai nuôi gia đình. Dự án đến, bây giờ nói dân làm hồ trái phép, dự án không lấy đất hồ tôm và không gây ảnh hưởng đến hồ nuôi tôm, thật vô lý. Tôm mà không có nguồn nước lợ đảm bảo thì tôm chết ngay. Tôi đề nghị hỗ trợ từ 50% - 80% số tiền đã đầu tư hồ tôm, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề để tôi nuôi heo, bò, gà kiếm sống qua ngày”.

Ông Bùi Vàng (hộ nuôi tôm) bức xúc nói: “Hòa Phát được ưu ái nhiều thứ rồi, làm dân ở đây đã khổ, giờ làm thêm cái cảng, khiến chúng tôi không còn kế sinh nhai. Bây giờ bỗng nói dân nuôi tôm sai, rồi không bồi thường gì cả. Lúc làm hồ tôm, tôi vay mượn hơn 300 triệu để đầu tư hồ tôm, mới trả gần hết nợ thì giờ dự án có nguy cơ “khai tử” hồ tôm, gia đình tôi biết làm gì mưu sinh đây”.

Hộ ông Bùi Tính (47 tuổi, người nuôi tôm) chia sẻ: “Nếu dự án phục vụ công cộng hoặc công trình nhà nước, nhân dân nơi đây sẽ chịu thiệt để nhường đất cho dự án. Còn đây là dự án của doanh nghiệp tư nhân, họ làm dự án kiếm lợi nhuận, do đó dân chúng tôi không chịu bỏ quê hương để chuyển đổi ngành nghề nếu họ không bồi thường. Chúng tôi nhất quyết yêu cầu bồi thường trên 80% vốn đầu tư vì đã đầu tư 1,2 tỷ đồng (diện tích hồ 2.700m2), chứ không thể bỏ bạc tỷ như vậy. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo nguồn sống để nuôi 3 đứa con còn tuổi ăn học”.

Theo ghi nhận từ 30 hộ nuôi tôm, việc thi công làm cảng Hòa Phát sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm, chắc chắn giống tôm thẻ chân trắng không thể sống và phát triển bình thường. Qua thống kê sơ bộ hộ nuôi tôm, vốn đầu tư làm hồ tôm gồm công đào hồ, bạt bao phủ hồ tôm, thiết bị sục khí, máy phát điện, đường ống hút và thoát nước, mô tơ hút nước,…

Ông Đỗ Minh Huấn – Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho rằng người dân tự đào hồ nuôi tôm không đúng quy hoạch, năm 2014 UBND huyện đã có văn bản đề nghị cấm người dân nuôi tôm, tuy nhiên, lãnh đạo xã nhiệm kỳ trước không kiên quyết cấm dân nuôi tôm mà tạo điều kiện cho người dân nuôi tôm cải thiện đời sống kinh tế. Việc người dân yêu cầu bồi thường hồ tôm không có cơ sở thực hiện, đồng thời dự án cảng cách xa vị trí nuôi tôm. Tuy nhiên, thi công cảng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi tôm, đề nghị Hòa Phát nghiên cứu nâng hỗ trợ cho người nuôi tôm.

Cam kết trước nhân dân xã Bình Thuận, ông Đinh Văn Chung – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nói: “Trong quá trình thi công, doanh nghiệp xin hứa hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường và nguồn nước nuôi tôm. Đồng thời, phương án thi công đã nhường lại 15m chiều ngang dọc tuyến bến cảng nhằm hỗ trợ diện tích mặt biển để thoát nước từ hồ tôm. Do không có cơ sở bồi thường, Hòa Phát đề nghị hỗ trợ an sinh xã hội với mức 2 triệu đồng/nhân khẩu thuộc các hộ nuôi tôm”.

vu-boi-thuong-ho-tom-ngay-15-10-quang-ngai-6.jpg
UBND huyện Bình Sơn đối thoại với các hộ nuôi tôm vào ngày 14/10 tại trụ sở UBND xã Bình Thuận.

Với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/nhân khẩu của Hòa Phát, người dân Bình Thuận không đồng tình và kiên quyết đấu tranh đòi quyền lợi thỏa đáng. Theo nguồn tin của phóng viên, trong tối ngày 14/10, đơn vị Hòa Phát và Chủ tịch MTTQVN xã Bình Thuận đã đến từng hộ dân thương thảo, nâng mức hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Ngô Văn Dụng – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn kết luận: “Nhân dân đề nghị bồi thường hồ tôm nhưng theo quy định, không có cơ sở áp dụng chính sách bồi thường. Mức hỗ trợ của Hòa Phát vẫn còn thấp, đề nghị doanh nghiệp và chính quyền xã gặp gỡ hộ nuôi tôm, trao đổi mức hỗ trợ tốt hơn trước ngày 16/10. Trước khi thi công, yêu cầu doanh nghiệp công khai kế hoạch thi công, đồng thời quá trình thi công không gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.

Không chỉ riêng 30 hộ nuôi tôm bức xúc, nhân dân thôn Tuyết Diêm 2 cũng bức xúc khi 49 chiếc thuyền hành nghề đánh bắt hải sản đề nghị hỗ trợ 4 triệu đồng/chiếc thuyền. Bên cạnh đó, việc áp dụng mức hỗ trợ không đồng điều giữa thôn Tuyết Diêm 2 với thôn Tuyết Diêm 1.

vu-boi-thuong-ho-tom-ngay-15-10-quang-ngai-4.jpg
Một số hồ nuôi tôm chưa kịp lớn nhưng 03 ngày nữa UBND huyện bảo vệ thi công.

Theo kế hoạch được các cấp phê duyệt, vào ngày 18/10, UBND huyện Bình Sơn triển khai lực lượng bảo vệ thi công, do ông Ngô Văn Dụng – Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ huy công tác bảo vệ thi công trong 03 ngày.

Báo Công lý tiếp tục thông tin vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Thi công cảng Hòa Phát, người dân điêu đứng vì nguy cơ hồ tôm bị “khai tử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO