Chùa Pháp Vân tổ chức Pháp hội Phật Đảng, đón đoàn Phật giáo Nepal
Mới đây, Chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức Pháp hội Phật Đảnh Tôn Thắng - Namgyalma dưới sự chủ trì của ngài H.E Khentrul Kunchok Tenzin Rinpoche – vị đạo sư danh tiếng thuộc truyền thống Kim Cương thừa, Giáo hội Phật giáo Nepal. Buổi lễ nằm trong khuôn khổ chuyến hoằng pháp tại Việt Nam của ngài Rinpoche và Tăng đoàn từ Tu viện Thegchen Lekshey Ling, dòng truyền thừa Karma Kagyu.
Đoàn Giáo hội Phật giáo Nepal do ngài H.E Khentrul Kunchok Tenzin Rinpoche dẫn đầu cùng 9 vị Tăng, Ni từ Tu viện Thegchen Lekshey Ling, thuộc dòng truyền thừa Karma Kagyu, đang thực hiện chuyến tham quan và hoằng pháp tại Việt Nam, đi qua các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ và Khánh Hòa.

Ngài Khentrul Kunchok Tenzin Rinpoche, được biết đến như một đạo sư trẻ có học vấn uyên bác, từng được trao danh hiệu “Khenpo xuất sắc” – tương đương học vị Tiến sĩ Phật học tại Đại học Phật giáo Sakya. Ngài nổi bật với phương pháp giảng dạy theo tinh thần “bất bộ phái”, giúp đưa giáo lý Phật giáo đến gần hơn với hàng Phật tử tại gia, đặc biệt trong các phương pháp thiền định và phát triển Bồ đề tâm.

Tại Chùa Pháp Vân, lễ cầu siêu cũng được tổ chức nhằm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chư hương linh và người thân đã khuất của Phật tử, hướng đến Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và mùa Vu Lan báo hiếu sắp tới. Sự kiện trở thành dịp đặc biệt để cộng đồng Phật tử thực hành lòng từ bi, rèn luyện trí tuệ và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.

Điểm nhấn nổi bật của Pháp hội lần này là hơn 8.000 vật phẩm cúng dường được chuẩn bị công phu, bao gồm 1.000 Torrma, 1.000 tháp hương cùng nhiều lễ phẩm thủ công tinh xảo. Những phẩm vật này mang ý nghĩa sâu sắc về sự tinh tấn trong tu học và lòng chí thành của người con Phật.
Tiếp nối chuỗi hoạt động hoằng pháp, từ ngày 11 đến 13/7, Tăng đoàn của ngài Rinpoche sẽ tiếp tục tổ chức Pháp hội Đạo sư Tài bảo - Lama Norlha tại Chùa Sủi (xã Phúc Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Dự kiến Pháp hội sẽ quy tụ đông đảo Tăng Ni, Phật tử thuộc cả hai truyền thống Đại thừa và Kim Cương thừa. Các nghi lễ như khóa tụng sáng, trì chú, giảng pháp, cúng Mandala và cúng khói sẽ được thực hiện nhằm tăng trưởng công đức, thu nhiếp thiện duyên và cầu nguyện sự an lành, thịnh vượng cho chúng sinh và đất nước.