Người nghệ nhân giữ lửa cho nghề mộc cổ truyền
Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến, một người con của làng nghề mộc Chàng Sơn, là hình ảnh tiêu biểu cho những người nghệ nhân lặng lẽ gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc bằng đôi tay tài hoa và trái tim đầy đam mê.

Giữa nhịp sống hiện đại đang từng ngày cuốn trôi những giá trị truyền thống, ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội vẫn có những con người miệt mài giữ nghề, truyền nghề bằng tất cả tâm huyết.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề mộc, từ thuở còn trẻ, Nguyễn Khắc Tiến đã được tiếp xúc với đục, bào, cưa, đẽo – những vật dụng quen thuộc trong xưởng gỗ của ông cha. Mảnh đất Chàng Sơn, vốn nổi tiếng với nghề làm nhà gỗ cổ truyền, đã nuôi dưỡng tình yêu nghề trong ông từ lúc nào không hay. “Chẳng biết từ bao giờ, tình yêu với nghề mộc đã in hằn trong trái tim tôi,” nghệ nhân chia sẻ.
Sáu mươi năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, tinh tế trong từng đường đục, nét chạm. Ông không chỉ tạo dựng được uy tín qua hàng trăm công trình nhà gỗ ba gian, năm gian truyền thống mà còn đóng góp tích cực trong việc tu bổ, phục dựng các công trình tâm linh như đình, chùa, đền, miếu ở khắp các tỉnh thành phía Bắc. Với ông, mỗi ngôi nhà cổ, mỗi bức phù điêu, mỗi vì kèo chạm trổ tinh xảo đều là kết tinh của nghệ thuật và văn hóa dân tộc.

Không dừng lại ở việc làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến còn đặc biệt chú trọng đến việc truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng. “Truyền thống quê tôi là vừa đi học chữ, vừa đi làm nghề. Học hết lớp 7, tôi đã theo ông lên Vân Đồn, Đoan Hùng để làm nhà cổ. Càng làm, tôi càng đam mê, bởi tôi thấy nghề này không chỉ giúp mưu sinh mà còn mang đậm tính giáo huấn, chứa đựng chiều sâu văn hóa dân tộc,” ông kể.
Thời gian trôi qua, nghề mộc Chàng Sơn cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn, có lúc tưởng chừng bị mai một do sự lấn át của các loại vật liệu công nghiệp và xu hướng hiện đại hóa. Nhưng trong hoàn cảnh đó, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến vẫn vững vàng, bền bỉ giữ nghề.
Ông chủ động mở lớp dạy nghề ngay tại xưởng, vừa làm, vừa hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, truyền lại kỹ năng, kỹ xảo cho hàng trăm thanh niên trong xã. Nhiều người trong số họ hiện nay đã trở thành những thợ giỏi, thậm chí có người được phong danh hiệu nghệ nhân.
Anh Nguyễn Huy Khiêm, một học trò của ông Tiến, hiện là thợ mộc giỏi tại địa phương, chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Chàng Sơn, một làng nghề có truyền thống lâu đời. Từ bé đã được theo bố đi làm, cầm đục cầm búa, tôi dần dần yêu nghề mộc lúc nào không hay.
Trong quá trình làm nghề, tôi được nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến chỉ dạy rất nhiều. Ông không giấu nghề mà tận tình truyền đạt những đường nét hoa văn cổ, cách dựng nhà, kỹ thuật liên kết mộng chốt, tất cả đều rất công phu và tỉ mỉ.”

Nghề mộc cổ truyền Chàng Sơn không chỉ đơn thuần là một ngành nghề, mà còn là nơi lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống. Những công trình nhà gỗ do các nghệ nhân làng nghề thực hiện không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đạt độ bền vững cao, được kết cấu hoàn toàn bằng mộng chốt, không sử dụng đinh vít, mang lại giá trị bền lâu cho các công trình tâm linh, nhà thờ họ, nhà truyền thống…
Với những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ nhân thợ giỏi làng Chàng Sơn. Ông đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”, một sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến thầm lặng của người thợ cả tận tâm với nghề.
Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Thất cho biết: “Ông là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của Hà Nội, người không chỉ có tay nghề cao mà còn rất tích cực trong công tác truyền dạy, lan tỏa tình yêu nghề đến lớp trẻ. Ông đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ hồn cốt nghề mộc Chàng Sơn, một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Thủ đô.”
Trong căn nhà gỗ cổ kính nơi ông đang sống và làm việc, mùi hương gỗ vẫn thoang thoảng, tiếng đục gõ đều đều vang lên như nhịp thở của nghề. Ở đó, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến vẫn từng ngày chăm chút cho từng mảnh gỗ, từng chi tiết nhỏ, giữ gìn nét tinh hoa mà cha ông để lại, để truyền lại cả một giá trị văn hóa đã trở thành bản sắc của dân tộc.