Văn hóa

Bảo tồn, phát huy công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô

Lập Nguyễn 20/05/2025 - 15:26

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa.

Nghị quyết được ban hành nhằm thực hiện quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Luật Thủ đô năm 2024, là cơ sở quan trọng để bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế bền vững. danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử; danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ và phát huy trên địa bàn TP. Hà Nội (đợt 1).

398-202505201039571.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

88 tuyến phố và hơn 600 công trình kiến trúc được bảo tồn

Theo nội dung Nghị quyết, TP. Hà Nội xác định rõ các tuyến phố, công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn, phục hồi. Cụ thể, trong khu phố cổ Hà Nội, có 21 tuyến phố thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, như: Chợ Gạo, Hàng Đường, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Ngõ Gạch, Đông Thái, Hàng Mắm, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bạc, Hàng Muối, Tạ Hiện, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Mã Mây, Ô Quan Chưởng…

Ngoài ra, có 40 tuyến phố thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, bao gồm các phố như: Bát Đàn, Bát Sứ, Cầu Gỗ, Cửa Đông, Đồng Xuân, Đường Thành, Gia Ngư, Hà Trung, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Cá, Hàng Cân, Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Mã, Lương Văn Can...

Trong khu phố cũ Hà Nội, 16 đoạn tuyến phố có nhiều biệt thự mang giá trị kiến trúc đặc biệt cũng được đưa vào danh mục bảo tồn. Tiêu biểu như các tuyến: Chu Văn An, Trần Phú, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng (đoạn Hùng Vương - Cửa Bắc), Ngô Quyền (đoạn Lê Lai gần Trần Nguyên Hãn), Điện Biên Phủ, Lê Phụng Hiểu (dãy số lẻ từ Tông Đản đến Lý Thái Tổ), Nguyễn Gia Thiều (đoạn Trần Bình Trọng - Liên Trì)...

Bên cạnh đó, có 11 đoạn tuyến phố thuộc khu phố cũ được đánh giá có nhiều biệt thự mang giá trị kiến trúc đáng chú ý, như: Bà Triệu, Cao Bá Quát, Hàng Chuối, Quán Sứ (đoạn Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt), Trần Bình Trọng, Thiền Quang, Quang Trung, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản, Phạm Đình Hồ, Tăng Bạt Hổ…

Đặc biệt, danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc gồm 639 công trình. Trong đó có 222 biệt thự xây dựng trước năm 1954 xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2. Ngoài ra, danh mục còn có 40 công trình kiến trúc công cộng được xây dựng trước năm 1954 được đánh giá có giá trị đặc biệt và 21 công trình có giá trị đáng chú ý.

398-202505201039572.jpg
Phố Tạ Hiện mang nét đẹp bình yên, cổ kính. Ảnh: Công Thọ

Phát huy giá trị di sản, kiến trúc Thủ đô

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, đồng thời là nơi lưu giữ khối lượng lớn di sản văn hóa, kiến trúc có giá trị xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn một thiên niên kỷ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều di sản, công trình kiến trúc có nguy cơ bị xuống cấp hoặc biến mất.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành danh mục tổng hợp, hệ thống các khu vực, di tích, công trình cần tập trung bảo vệ là yêu cầu cấp thiết. Trước đây, các danh mục di sản được ban hành tại nhiều nghị quyết, quyết định khác nhau nên còn phân tán, khó tra cứu, thiếu tính thống nhất.

Luật Thủ đô năm 2024 ra đời với quy định giao HĐND TP. Hà Nội ban hành danh mục di sản tại khoản 3 và 4 Điều 21 là bước đi quan trọng, nhằm hệ thống hóa, nhất thể hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, các quy định pháp luật mới như Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Di sản văn hóa năm 2024 (thay thế các luật trước đó) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định, xây dựng danh mục bảo tồn các công trình có giá trị.

Nghị quyết lần này không chỉ cụ thể hóa luật pháp mà còn mở ra cơ hội để Thủ đô khai thác hiệu quả tiềm năng văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch bền vững.

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch và không gian văn hóa

UBND TP. Hà Nội dự kiến, nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ đến từ việc khai thác du lịch tại các khu vực di tích, di sản, tuyến phố đặc trưng, công trình kiến trúc có giá trị, cùng với ngân sách nhà nước, các quỹ tài trợ, vốn xã hội hóa và nguồn lực hợp pháp khác.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long cho biết: Quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều di sản, di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tiêu biểu là khu phố cổ Hà Nội và di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. “Khu phố cổ ngày càng được nhận diện rõ hơn về giá trị di sản, cần tập trung đầu tư, nghiên cứu để nâng tầm di tích trở thành di tích quốc gia đặc biệt”, ông Long nhấn mạnh.

Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, bên cạnh phố cổ, quận còn sở hữu khu phố cũ với lối kiến trúc kiểu Pháp đặc trưng. Đây là khu vực có vị trí chiến lược, là không gian kết nối các khu vực khác trong TP, với cấu trúc ô bàn cờ, mật độ cây xanh cao, nhiều biệt thự cổ mang dấu ấn thời kỳ Pháp thuộc.

Với tiềm năng di sản phong phú, khu phố cổ đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Để quản lý và phát huy hiệu quả giá trị các tuyến phố, công trình kiến trúc, cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn cấu trúc đô thị cũ; đồng thời giữ nguyên dạng các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử - tôn giáo qua các thời kỳ.

Song song với đó, cần duy trì các hoạt động văn hóa, tổ chức các dự án vừa bảo tồn di sản, vừa thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, tạo không gian văn hóa cộng đồng. Từ đó hình thành các tuyến phố du lịch tiêu biểu, giữ gìn giá trị truyền thống của nhà cổ, phố cổ Hà Nội.

Đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội nhấn mạnh: “Yếu tố then chốt để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị khu phố cổ, phố cũ là sự đồng lòng của chính quyền, người dân và các tổ chức xã hội. Chỉ khi có sự chung tay, Hà Nội mới thực sự gìn giữ được bản sắc văn hóa và phát triển bền vững”.

Lập Nguyễn