Thời sự

Báo cáo Quốc hội loạt cơ chế đặc thù xây nhà xã hội

Hà Long 20/05/2025 - 12:15

Ngày 20/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động và các đối tượng có thu nhập thấp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên cả nước.

10a.jpg
Trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Theo đó, Chính phủ đề xuất nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được phép giao chủ đầu tư mà không cần thực hiện đấu thầu. Điều này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

Chính phủ cũng đưa ra các tiêu chí ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư, bao gồm: Có chức năng kinh doanh bất động sản, đảm bảo về dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu, có đủ vốn chủ sở hữu theo quy định và có kinh nghiệm, năng lực tài chính phù hợp. Các dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn một số thủ tục hành chính như lập và thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư sẽ tự tổ chức thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật.

Một điểm quan trọng trong dự thảo là việc thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy sẽ được thực hiện cùng với thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Nếu dự án áp dụng thiết kế mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, chủ đầu tư sẽ không cần xin giấy phép xây dựng. Việc lựa chọn nhà thầu cũng sẽ được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trong các gói thầu thuộc dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Một trong những điểm đáng chú ý là Chính phủ đề xuất nới lỏng các điều kiện đối với người được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, người dân chỉ được hưởng chính sách này nếu chưa sở hữu nhà ở tại tỉnh, thành nơi có dự án. Tuy nhiên, quy định này gặp khó khăn trong thực tế, khi nhiều lao động có nhà ở tại vùng nông thôn nhưng làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp.

Chính phủ đề xuất, đối với người lao động có nhà ở tại vùng nông thôn nhưng làm việc xa, chỉ cần chưa mua hoặc thuê nhà ở xã hội và chưa được hỗ trợ nhà ở là đủ điều kiện. Ngoài ra, nếu đã có nhà, khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc phải tối thiểu 30 km.

Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà ở xã hội, giải quyết khó khăn về nhà ở cho người lao động và các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng tăng cao.

Hà Long