Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2025
Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2025.

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 237/TB-VPCP ngày 17/5/2025 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Cả nước đã hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát được 209 nghìn căn
Thông báo kết luận nêu rõ, ngay sau Phiên họp thứ ba, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát, giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; phê duyệt Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.
Các địa phương đã hoàn thành việc rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn của cả 03 Chương trình, gửi báo cáo về Trung ương. Cả nước đã hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát được 209 nghìn căn, trong đó khánh thành 111 nghìn căn; khởi công 98 nghìn căn, đạt 77% so với tổng nhu cầu. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 nghìn căn, bình quân tăng 26 căn/địa phương/ngày.
100% địa phương xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/10/2025. Nhiều địa phương đã về đích và đặt mục tiêu về đích sớm hơn kế hoạch trước đó trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn; tính đến ngày 07/5/2025, có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Ngân hàng, các bộ, cơ quan, địa phương, các đơn vị tài trợ nhất là các địa phương về đích sớm hơn kế hoạch, đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần đạt được những kết quả bước đầu hết sức tích cực của Chương trình.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương tập trung khắc phục hiệu quả. Trong đó, số nhà cần hoàn thành từ nay đến ngày 31/10/2025 còn lớn; kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ chưa được bố trí kịp thời; một số địa phương có số lượng nhà cần khởi công và phát sinh do khâu rà soát rất lớn gặp khó khăn về kinh phí, cá biệt có địa phương có kinh phí được hỗ trợ nhưng số nhà tạm, nhà dột nát chưa triển khai khởi công, sửa chữa; có tình trạng chuyển nhượng nhà sau khi được hỗ trợ...
Hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sỹ hoàn thành trước ngày 27/7/2025
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu và đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chương trình, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Tiếp tục kiên định với định hướng, quan điểm là "xác định hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng" mà còn "là lương tâm và trách nhiệm" với nhân dân, với phương châm "mỗi người giúp một tay, mỗi gia đình san sẻ một phần, ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít". Đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ.
Quyết tâm hoàn thành cơ bản mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025; trong đó hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sỹ hoàn thành trước ngày 27/7/2025, nhà ở cho người có công với cách mạng hoàn thành trước ngày 02/9/2025.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương cập nhật hằng ngày tình hình kết quả triển khai Chương trình trên phần mềm thống kê đã hướng dẫn; rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến ngày 31/10/2025 để cơ bản hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; chủ trì với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức họp, làm việc trực tuyến trao đổi với các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ hoàn thành Chương trình.
Tiếp tục cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để chủ động giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát để hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở nhu cầu rà soát của địa phương; hoàn thành trước ngày 25/5/2025.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của Chương trình; hoàn thành trong tháng 5/2025; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức sơ kết Chương trình vào cuối tháng 6/2025 để kịp thời đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp và khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức thực hiện Chương trình.
Hướng dẫn các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, trong thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định về kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, hướng dẫn các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bảo đảm đúng đối tượng và trong phạm vi nhu cầu kinh phí xác định trong Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công; hoàn thành trước ngày 25/5/2025.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ ngay sau khi phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Tài chính chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát để hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở nhu cầu rà soát của địa phương; hoàn thành trước ngày 25/5/2025.
Hướng dẫn, ghi nhận khoản chi hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho đối tượng là hộ cận nghèo được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thành trong tháng 5/2025.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sắp xếp để chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cơ sở, Trưởng Ban chỉ đạo các cấp quyết liệt triển khai Chương trình với tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả" để đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trước ngày 31/10/2025.
Trước mắt, ứng kinh phí từ các nguồn kinh phí của địa phương để tổ chức triển khai ngay hỗ trợ khởi công mới, sửa chữa nhà ở cho thân nhân liệt sỹ hoàn thành trước ngày 27/7/2025 và hỗ trợ cho người có công với cách mạng trước ngày 02/9/2025 bảo đảm không vượt quá số nhà, số kinh phí địa phương đã phê duyệt gửi Bộ Xây dựng thẩm định, tổng hợp gửi Bộ Tài chính; thực hiện hoàn ứng sau khi được cấp kinh phí.
Khẩn trương phân bổ vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025 (lần 1) và rà soát, vận dụng sáng tạo việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hoá trên địa bàn để bảo đảm hoàn thành Đề án đã phê duyệt theo tiến độ yêu cầu hoàn thành trong tháng 5 năm 2025. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, đúng đối tượng được hỗ trợ của số liệu rà soát.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động, vận động mọi nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ các hộ dân, tiết kiệm chi phí xây dựng, sửa chữa nhà ở. Kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm tình hình từ sớm, từ xa; không để xảy ra việc chuyển nhượng đất đai, nhà ở đã được hỗ trợ; kịp thời lan tỏa tấm gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo.
Các địa phương đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát tổ chức công bố để người dân và xã hội thấy được sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chăm lo, quan tâm của Đảng và Nhà nước, của xã hội đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các địa phương còn nhiều nhà tạm, nhà dột nát. Các địa phương còn lại, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tổ chức khởi công, giải ngân ngay nguồn kinh phí được giao, được phân bổ, hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 235/TB-VPCP ngày 17/5/2025 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo).
Thông báo kết luận nêu rõ, với vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển), việc triển khai thành công các dự án này có nhiều ý nghĩa: góp phần quan trọng để hoàn thành một trong ba khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển rất cấp thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo các không gian phát triển mới của các địa phương, vùng miền, quốc gia; là một trong các động lực tăng trưởng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số từ năm 2026 trở đi; góp phần thực hiện thành công các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc tiến độ, động viên các cá nhân, tập thể trong quá trình triển khai. Hiện nay, Ban Chỉ đạo đang chỉ đạo 37 dự án/95 dự án thành phần trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không, với tổng số vốn đầu tư trên một triệu tỷ đồng. Ban Chỉ đạo đã hoạt động rất hiệu quả, tích cực, chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, tiến độ nhiều dự án có chuyển biến rõ rệt, nhiều dự án đã hoàn thành vượt kế hoạch. Việc sớm hoàn thành các dự án, trực tiếp giúp tránh đội vốn, nâng cao hiệu quả khai thác, nhân dân phấn khởi….
Hoàn thành nhiệm vụ cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tập trung thời gian, công sức, nêu cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm, thái độ nghiêm túc để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, xử lý có hiệu quả các vấn đề vướng mắc, tồn tại. Đồng thời, các Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần hoạt động tích cực, hiệu quả hơn với tinh thần nói thật, làm thật, hiệu quả thật, sản phẩm thật, đem lại lợi ích, sản phẩm thật cho người dân.
Về các mục tiêu năm 2025: các mục tiêu hoàn thành các dự án trong năm 2025 là không thay đổi (kiên quyết không đội vốn, không tiêu cực, không kéo dài thời gian thực hiện…). Phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng là cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025; cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (tại 5 địa điểm vào ngày 19/12/2025).
Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ 6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền; biến cái không thể thành có thể, biến khó thành dễ, biến mục tiêu khát vọng thành hiện thực.
Cần tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, khắc phục các khó khăn, thời tiết bất lợi, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết; làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm"… huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, áp dụng những giải pháp kỹ thuật hiện đại để hoàn thành các dự án cao tốc như An Hữu - Cao Lãnh, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang - Hà Giang, Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng… dịp 19/12/2025.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai phát triển hạ tầng giao thông; huy động cả hệ thống chính trị, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Mặt trận Tổ quốc, các ban của Đảng vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đoàn kết, huy động mọi lực lượng cùng tham gia các dự án: phát huy bài học kinh nghiệm của Dự án đường dây 500KV mạch 3 về huy động mọi cơ quan, đơn vị: Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ,… cùng tham gia dự án, với phương châm: Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phát huy tinh thần "vì nước quên thân vì dân phục vụ", làm sáng hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong triển khai các dự án. Các chủ đầu tư, nhà thầu huy động các nhà thầu phụ tại địa phương, nhân lực tại địa phương theo phương châm 4 tại chỗ; lưu ý bảo đảm chât lượng công trình, không vì tiến độ làm ảnh hưởng tới chất lượng.
Các dự án hợp tác công tư phải triển khai các thủ tục để khởi công ngay trong tháng 5/2025
Về thủ tục chuẩn bị một số dự án, Thủ tướng yêu cầu những vấn đề phát sinh phải được các cơ quan đơn vị chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo nếu vượt thẩm quyền; kiên quyết không đùn đẩy né tránh.
Các dự án hợp tác công tư phải triển khai các thủ tục để khởi công ngay trong tháng 5 năm 2025. Các nhà đầu tư tiếp tục chủ động huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các Dự án... Giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật PPP, Luật Đầu tư theo hướng đơn giản/cắt giảm thủ tục (trong đó có thủ tục thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước/Hội đồng thẩm định liên ngành), thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hấp dẫn nhà đầu tư.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai các giải pháp để huy động 500.000 tỷ đồng cho đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn lực để triển khai đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Lạng Sơn cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm để bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại của các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, trong tháng 5/2025.
Các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang khẩn trương đẩy nhanh bàn giao mặt bằng các Dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành chậm nhất ngày 20/5/2025.
Các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tiền Giang quyết liệt triển khai công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ triển khai dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh.
Khẩn trương giao các nhà thầu trực tiếp các mỏ để chủ động về nguồn vật liệu
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng hoàn thành thủ tục cấp mỏ còn lại trong tháng 5/2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 25/4/2025; trong đó tỉnh An Giang rà soát, khẩn trương giao các nhà thầu trực tiếp các mỏ để chủ động về nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.
Tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre xem xét nâng công suất mỏ đáp ứng nhu cầu năm 2025 của dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh Đắk Lắk hoàn thành thủ tục chấp thuận cho thuê đất mỏ Ea Kênh và thủ tục hoàn trả bãi đổ thải vật liệu thừa tạm thời theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trong tháng 5/2025.
Bộ Công an điều tra việc cung ứng vật liệu đắp cho các dự án trọng điểm khu vực phía Nam.
Về triển khai các dự án Cảng hàng không, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn lao động, tổ chức thi công hợp lý, khoa học, bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án thành phần 4 trong năm 2025; các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về tiến độ triển khai các dự án thành phần để bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả; chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân về tiến độ triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong dịp 19/12/2025.
ACV và các địa phương tập trung triển khai hoàn thành các cảng hàng không, sân bay: mở rộng nhà ga T2 cảng hàng không Nội Bài; cảng hàng không Cà Mau, sân bay Phù Cát Bình Định, Nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới…

Giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện và thực hiện một số biện pháp để triển khai nhanh các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 948/QĐ-TTg ngày 17/5/2025 về giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện và thực hiện một số biện pháp để triển khai nhanh các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức thành công Hội nghị APEC 2027 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước. Đây là hoạt động đối ngoại, nhiệm vụ chính trị của quốc gia.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.
Triển khai nhanh các dự án nhằm đáp ứng tiến độ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Theo Quyết định, thực hiện một số biện pháp để triển khai nhanh các dự án nhằm đáp ứng tiến độ tổ chức Hội nghị APEC 2027, gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước. Cụ thể:
Phó Thủ tướng chấp thuận áp dụng quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (các mỏ cát biển tại thành phố Phú Quốc) theo quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV cho nhà thầu thi công dự án đầu tư công khẩn cấp tại điểm a khoản 2 Điều 72 và các điểm c, d khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản để cung cấp vật liệu thi công Dự án xây dựng kè và san lấp mặt bằng xây dựng Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC và các công trình chức năng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang rà soát, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan đối với các dự án tại Mục I của Phụ lục kèm theo Quyết định này; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang tại kỳ họp gần nhất.
Rà soát, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và pháp luật khác có liên quan đối với các dự án tại Mục II của Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan đối với các gói thầu thuộc dự án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này và các gói thầu thuộc dự án, nhiệm vụ, đề án quy hoạch làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% cho các dự án đầu tư công, ngân sách địa phương tự cân đối 30% (nhưng không thấp hơn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án); đối với Đại lộ APEC ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương và nhà đầu tư 50%. Mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho từng dự án căn cứ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư hoặc theo quyết định đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn, quyết định dự án để thực hiện phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm rà soát, lựa chọn, quyết định dự án để triển khai thực hiện phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027 gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước; có phương án khai thác hiệu quả, sử dụng lâu dài các dự án sau Hội nghị APEC 2027; đề xuất nhu cầu hỗ trợ vốn ngân sách trung ương và cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương theo cơ chế vốn tại Điều 4 Quyết định này; đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án. Việc triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Đồng thời, rà soát, xác định vị trí, diện tích, loại đất rừng cụ thể và nhu cầu thực tế cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án phục vụ trực tiếp cho Hội nghị APEC 2027, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước. Dừng khai thác theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quyết định này sau khi đã khai thác đủ khối lượng khoáng sản cung cấp cho các dự án. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với nhà đầu tư, nhà thầu của dự án nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án chuyển giao tài sản và đầu tư mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đảm bảo tiến độ phục vụ Hội nghị APEC 2027, gắn liền với sự phát triển bền vững của đất nước, địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về thông tin, số liệu, tài liệu, báo cáo và đề xuất danh mục dự án nêu trong Phụ lục kèm theo Quyết định; tổ chức triển khai thực hiện công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm và giám sát chặt chẽ các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027.

Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 17/5/2025 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Tổ công tác).
Theo Quyết định, Tổ trưởng Tổ công tác đồng chí Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Các Tổ phó Tổ công tác là các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gồm: Đồng chí Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Các thành viên Tổ công tác là các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gồm các đồng chí: Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong việc triển khai, thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Công điện); ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chỉ đạo việc kiểm tra, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan cung cấp thông tin về tình hình, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý; tài liệu vụ việc vi phạm khi cần thiết.
Tiến hành tổng kết, đánh giá công tác triển khai, thực hiện Công điện; đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Nguyên tắc, chế độ làm việc của Tổ công tác
Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định này; làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Tổ công tác, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là cơ quan thường trực của Tổ công tác; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các cuộc họp của Tổ công tác; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Tổ công tác và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Tổ trưởng Tổ công tác giao.