Thời sự

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2025

PV 14/05/2025 - 22:13

Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2025.

yte.jpg

Quy định quản lý dữ liệu y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2025/NĐ-CP ngày 13/5/2025 quy định quản lý dữ liệu y tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với quản lý dữ liệu y tế, tạo sự thống nhất, đồng bộ các nội dung về tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ, sử dụng và quản lý dữ liệu y tế.

Nghị định này quy định về dữ liệu y tế số bao gồm xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu y tế số; Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý dữ liệu y tế số.

Dữ liệu y tế phản ánh thông tin về 24 lĩnh vực y tế

Nghị định quy định dữ liệu y tế số là dữ liệu số phản ánh về các lĩnh vực y tế (dữ liệu y tế).

Về phạm vi của dữ liệu y tế, Điều 5 Nghị định 102/2025/NĐ-CP quy định dữ liệu y tế phản ánh thông tin về 24 lĩnh vực y tế, gồm:

(1) Thông tin về y tế dự phòng.

(2) Thông tin về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế.

(3) Thông tin về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

(4) Thông tin về giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần.

(5) Thông tin về y, dược cổ truyền.

(6) Thông tin về dược.

(7) Thông tin về mỹ phẩm.

(8) Thông tin về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế.

(9) Thông tin về thiết bị y tế.

(10) Thông tin về cơ sở hạ tầng y tế.

(11) Thông tin về dân số.

(12) Thông tin về sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản.

(13) Thông tin về bảo hiểm y tế.

(14) Thông tin về truyền thông, giáo dục sức khỏe trong y tế.

(15) Thông tin về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y tế.

(16) Thông tin về hợp tác quốc tế trong y tế.

(17) Thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế.

(18) Thông tin về tài chính y tế.

(19) Thông tin về thanh tra y tế.

(20) Thông tin về nhân lực y tế.

(21) Thông tin về đào tạo nhân lực y tế.

(22) Thông tin về thủ tục hành chính trong ngành y tế.

(23) Thông tin về các văn bản pháp quy, văn bản quản lý, điều hành trong ngành y tế.

(24) Thông tin về các cơ sở y tế.

Các cơ sở dữ liệu về y tế

Cơ sở dữ liệu về y tế là tập hợp các dữ liệu y tế được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật.

Nghị định quy định các cơ sở dữ liệu về y tế:

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế;

2. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về y tế của Bộ Y tế, của các bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chứa thông tin thuộc một hoặc nhiều nhóm thông tin được quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Cơ sở dữ liệu về y tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chứa thông tin thuộc một nhoặc nhiều nhóm thông tin được quy định tại Điều 5 Nghị định này.

3. Cơ sở dữ liệu về y tế của các cấp chính quyền khác, các cơ sở y tế chứa thông tin, dữ liệu y tế thuộc phạm vi quản lý.

4. Cơ sở dữ liệu dùng chung về y tế gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế.

Xây dựng, khai thác dữ liệu y tế phải bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nghị định nêu rõ, dữ liệu y tế được sử dụng để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, phát triển kinh tế, xã hội.

Việc xây dựng, cập nhật, duy trì, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, khai thác, sử dụng dữ liệu y tế, Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế tuân theo các quy định của Nghị định này và pháp luật về dữ liệu, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; quy định của pháp luật về xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Quy định việc sử dụng, khai thác dữ liệu y tế

Nghị định quy định việc sử dụng dữ liệu y tế được thực hiện theo quy định tại các Điều 16, 17, 21 Luật Dữ liệu và các quy định của Nghị định này.

Về chủ thể khai thác và sử dụng dữ liệu y tế, Nghị định quy định:

1- Cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác và sử dụng dữ liệu y tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó;

2- Chủ thể dữ liệu được khai thác và sử dụng dữ liệu y tế phản ánh về chủ thể dữ liệu đó;

3- Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại 1,2 được khai thác và sử dụng dữ liệu y tế như sau: tự do khai thác và sử dụng dữ liệu mở về y tế; khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân khi được sự đồng ý của đơn vị quản lý, duy trì dữ liệu và cá nhân là chủ thể dữ liệu được khai thác; khai thác và sử dụng dữ liệu khác khi được sự đồng ý của đơn vị quản lý, duy trì dữ liệu.

Nghị định quy định dữ liệu chủ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu về y tế của bộ, ngành, địa phương có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy do bộ, ngành, địa phương cung cấp.

Về việc sử dụng dữ liệu y tế để triển khai sổ sức khỏe điện tử, Nghị định quy định dữ liệu y tế về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và các thông tin liên quan được sử dụng để triển khai sổ sức khỏe điện tử.

Các cơ sở y tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có trách nhiệm kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu y tế liên quan với sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia.

Cơ sở y tế hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã được cấp tài khoản định danh điện tử được sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia để thay thế giấy tờ liên quan trong quá trình phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

lk.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về công tác chuẩn bị xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 227/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về công tác chuẩn bị xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng đánh giá cao Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đối với việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của thành phố, đã sớm có Nghị quyết của Thành ủy Thành phố về việc triển khai xây dựng Đề án, thành lập Ban Chỉ đạo và có các bước chuẩn bị cần thiết; trong thời gian qua đã chủ động, tích cực phối hợp và đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xác định, định vị chiến lược phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế để cụ thể hóa các chính sách tại dự thảo Nghị quyết, trong đó xác định rõ lối đi riêng, khác biệt, xác định lĩnh vực trọng tâm, phát huy lợi thế so sánh đặc thù, bên cạnh các chính sách chung thì chủ động có chính sách đột phá, vượt trội của riêng Thành phố, bảo đảm thực hiện thành công Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố theo đúng kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 14719-CV/VPTW ngày 06 tháng 5 năm 2025.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng và chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó sớm hình thành quy hoạch rõ ràng gắn với các không gian phát triển của thành phố.

Bên cạnh đó, xây dựng và hình thành ngay bộ máy nhân sự, cơ cấu tổ chức, đội ngũ quản lý và nhân sự cụ thể, trong đó ưu tiên những nhân sự giỏi, trình độ cao, thành thạo ngoại ngữ, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ, bảo hiểm, quỹ đầu tư…; chủ động liên hệ với các Trung tâm tài chính trên thế giới để gửi nhân lực của Thành phố đi đào tạo.

cdso.jpg

Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" (Kế hoạch).

Kế hoạch nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh và hùng cường, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, với quan điểm: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

7 nội dung thi đua

Cụ thể, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp tập trung thi đua thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

1. Thi đua nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ "truyền thống" sang không gian số dựa trên dữ liệu số. Gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

2. Thi đua phát triển hạ tầng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí".

3. Thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát triển Chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng số trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước trên môi trường số từ trung ương đến địa phương; kết nối và vận hành thông suốt các cơ quan trong hệ thống chính trị, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số. Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

4. Thi đua phát triển kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

5. Thi đua phát triển xã hội số. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Triển khai sâu rộng phong trào "bình dân học vụ số", tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số trong Nhân dân, chuẩn bị đồng bộ mọi nguồn lực để phát triển xã hội số.

6. Thi đua bảo đảm quốc phòng và an ninh, an toàn, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.

Hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng

Kế hoạch nêu rõ tiêu chí thi đua đối với các bộ, ngành, địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; các doanh nghiệp; cá nhân.

Bên cạnh đó, Kế hoạch nêu rõ hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng như sau:

Khen thưởng hàng năm và khen thưởng sơ kết: Căn cứ kết quả thực hiện Phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Khen thưởng tổng kết: Hình thức khen thưởng gồm: Huân chương Lao động; Cờ Thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua của bộ, ban, ngành, tỉnh; Bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh; Giấy khen. Căn cứ thành tích trong tổ chức, thực hiện Phong trào thi đua, việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Triển khai 2 giai đoạn

Kế hoạch nêu rõ, phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (từ 2025 - 2027): Các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào, các tiêu chí thi đua phù hợp trong quý II năm 2025; tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp bộ, ngành, địa phương và cấp trung ương vào năm 2027 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

- Giai đoạn 2 (từ 2027 - 2030): Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, Bộ Nội vụ chủ trì, tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ Kế hoạch này và đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ để phát động, triển khai Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khuyến khích phát động, triển khai Phong trào thi đua hàng năm, gắn với các phong trào thi đua khác của bộ, ngành, địa phương.

ho-hoa-binh.jpg

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 922/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019.

Quyết định số 922/QĐ-TTg bổ sung quy định vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng thời kỳ chuyển tiếp, tích nước: từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 31 tháng 10.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 9 về vận hành trong thời kỳ lũ muộn, thời kỳ chuyển tiếp, tích nước như sau:

1. Từ ngày 22 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9, căn cứ nhận định xu thế khí tượng thủy văn của Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định việc tích dần hồ Sơn La đến cao trình 213 m, hồ Hòa Bình đến cao trình 115 m, hồ Tuyên Quang đến cao trình 118 m và hồ Thác Bà đến cao trình 58 m.

Trong quá trình tích nước, nếu Cục Khí tượng Thủy văn dự báo có khả năng xảy ra lũ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, quyết định việc vận hành điều tiết để hạ dần mực nước các hồ nhưng tối đa không thấp hơn giá trị mực nước quy định tại Bảng 3. Trong quá trình các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà vận hành điều tiết để hạ dần mực nước các hồ về cao trình quy định tại Bảng 3 mà xuất hiện lũ lớn về hồ hoặc mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội có nguy cơ vượt cao trình 10,5 m, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, quyết định vận hành, điều tiết các hồ cắt, giảm lũ cho hạ du. Nếu lưu lượng lũ về hồ tiếp tục tăng, mực nước hồ có nguy cơ vượt mực nước dâng bình thường và mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội có nguy cơ vượt cao trình 11,5 m, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, quyết định sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.

2. Từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 31 tháng 10, các hồ Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang được chủ động tích dần đến cao trình mực nước dâng bình thường. Trong quá trình tích nước, trường hợp Cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo hoặc dự báo có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc có các hình thế thời tiết khác có khả năng gây lũ mà trong vòng 05 ngày tới có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực hồ chứa, nếu mực nước hồ cao hơn cao trình 115 m đối với hồ Hòa Bình và 118 m đối với hồ Tuyên Quang thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, quyết định việc vận hành điều tiết để hạ dần mực nước các hồ nhưng tối đa không thấp hơn giá trị mực nước 115 m đối với hồ Hòa Bình, 118 m đối với hồ Tuyên Quang.

Nếu mực nước hồ thấp hơn cao trình 115 m đối với hồ Hòa Bình và 118 m đối với hồ Tuyên Quang, các hồ vận hành duy trì mực nước hồ hiện tại để đón lũ.

3. Trong thời gian tích nước, hồ Sơn La được phép sử dụng dung tích từ mực nước dâng bình thường đến mực nước lớn nhất thiết kế (217,83 m) để cắt lũ cho hạ du.

4. Khi các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã tích đến mực nước dâng bình thường mà lưu lượng đến hồ vẫn tiếp tục tăng thì được phép xả xuống hạ du tương đương lưu lượng đến hồ.

Vận hành trong các tình huống bất thường, tình huống khẩn cấp về thiên tai

Quyết định số 922/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung Điều 12 về vận hành trong các tình huống bất thường, tình huống khẩn cấp về thiên tai:

1. Trong thời gian vận hành mùa lũ, khi các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã hết khả năng cắt lũ mà mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội vẫn tiếp tục lên nhanh, hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều, hoặc nhận định có khả năng xuất hiện trận lũ lớn hơn lũ 500 năm xuất hiện một lần, nhưng nhỏ hơn lũ thiết kế công trình hồ Sơn La (lũ 10.000 năm xuất hiện một lần), hoặc xảy ra các tình huống khẩn cấp về thiên tai, hoặc xảy ra các tình huống ngoài dự kiến quy định tại Quy trình này đe dọa đến an toàn đê điều, công trình, hạ du thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia xem xét, quyết định việc vận hành các hồ chứa, hoặc thực hiện trách nhiệm đã được phân công, phân cấp theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài thời gian vận hành mùa lũ quy định tại Điều 2 của Quy trình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định việc vận hành các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định của Quy trình này khi xuất hiện một trong các trường hợp lũ bất thường sau đây:

a) Khi hạ du có nguy cơ xuất hiện lũ, ngập lụt từ cấp độ 2 trở lên theo quy định về cấp độ rủi ro thiên tai;

b) Xuất hiện sự cố trong quá trình vận hành các hạng mục bảo đảm an toàn công trình;

c) Xuất hiện sự cố đê điều hoặc có nguy cơ đe dọa đến an toàn của đê điều, công trình thủy lợi, kết cấu hạ tầng ở hạ du;

d) Các tình huống khác có nguy cơ đe dọa đến an toàn khu vực hạ du do Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia quyết định;

đ) Việc xem xét, quyết định các phương án vận hành các hồ trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này để cắt giảm lũ cho hạ du phải đảm bảo an toàn công trình.

3. Trong quá trình vận hành hồ theo quy định tại khoản 2 Điều này, khi hạ du có nguy cơ xuất hiện lũ, ngập lụt trên cấp độ 3 theo quy định về cấp độ rủi ro thiên tai hoặc nguy cơ xuất hiện sự cố trong quá trình vận hành các hạng mục đe doạ đến an toàn công trình hoặc khi có diễn biến thiên tai phức tạp, nguy cơ gây hậu quả lớn nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia xem xét, quyết định giải pháp ứng phó hoặc thực hiện trách nhiệm đã được phân công, phân cấp và phối hợp trong ứng phó tình trạng khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

4. Ngoài thời gian vận hành mùa lũ quy định tại Điều 2 của Quy trình này, hồ Sơn La được phép sử dụng dung tích đến mực nước lớn nhất thiết kế (217,83 m) để cắt lũ cho hạ du.

Xử lý thông tin phản ánh về xây dựng đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Báo điện tử VnExpress số ra ngày 08 tháng 5 năm 2025 có bài phản ánh về suất đầu tư đường cao tốc trên cầu cạn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bài báo nêu: Viện Kinh tế Xây dựng vừa báo cáo Bộ Xây dựng kết quả nghiên cứu đầu tư cầu cạn làm đường ô tô cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, nếu chỉ xét chi phí đầu tư ban đầu, cầu cạn có suất đầu tư 383 tỷ đồng/km, cao gấp 2,6 lần so với đường cao tốc nền đất. Suất đầu tư này chưa bao gồm giải phóng mặt bằng, lãi vay trong thời gian xây dựng, đánh giá tác động môi trường, xử lý nền đất yếu.

Viện cũng chỉ ra nhiều bất lợi của phương án đắp nền như phải giải phóng mặt bằng lớn, phụ thuộc nguồn cát đang khan hiếm, rủi ro lún, sạt lở, và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài. Trong khi đó, cầu cạn bằng bê tông cốt thép có thể khắc phục các vấn đề này, với ưu điểm thi công nhanh, tiết kiệm quỹ đất, thuận lợi thoát lũ, giảm nguy cơ xâm nhập mặn và ảnh hưởng môi trường. Ngoài ra, kết cấu móng bê tông cốt thép của cầu cạn giúp ổn định nền móng, không bị lún, dễ bảo trì, ít giao cắt và ít chia cắt dân cư.

Viện Kinh tế Xây dựng nhận định nếu chỉ xét chi phí ban đầu, cầu cạn có phần tốn kém hơn, nhưng nếu tính toàn bộ vòng đời dự án thì mức chênh lệch không đáng kể. Do đó, Viện đề xuất các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long nên kết hợp cả hai phương án đắp nền và xây cầu cạn, tùy theo điều kiện địa chất, vật liệu và môi trường từng khu vực.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng được khuyến nghị đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới như dầm chữ U khẩu độ lớn làm từ bê tông cường độ cao (HPC) hoặc siêu cao (UHPC), để giảm phụ thuộc vào cát đắp, rút ngắn thời gian và hạ giá thành thi công...

Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét các nội dung của bài báo nêu trên; chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Công nhận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 921/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

halak.jpeg

Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Văn phòng Chính phủ đã có công văn 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.

Cụ thể, Báo cáo số 388/2025/TTĐT ngày 08 tháng 5 năm 2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về việc "Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal".

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu thông tin tại Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.

PV