Văn hóa

“Chìa khóa” cho hệ sinh thái du lịch thông minh

Lập Nguyễn 08/05/2025 - 16:51

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành hướng đi tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam. Ứng dụng công nghệ số mở ra cơ hội đột phá, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, để nâng cao trải nghiệm du khách và tối ưu hiệu quả quản lý, vận hành.

398-202505081050231.jpg
Chỉ với cú "chạm" du khách có thể tự lên kế hoạch riêng cho chuyến du lịch của mình

Chuyển đổi số – động lực phát triển du lịch bền vững

Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về phục hồi và phát triển du lịch, Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì triển khai các giải pháp cụ thể. Tiếp đó, Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của chuyển đổi số, yêu cầu các địa phương đồng bộ triển khai các nội dung số hóa theo định hướng chung của Bộ VH-TT&DL.

Trên cơ sở đó, ngành Du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tập trung xây dựng và vận hành các nền tảng dùng chung cốt lõi, phục vụ ba mục tiêu chính: Nâng cao năng lực quản lý từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; và cải thiện trải nghiệm cho du khách.

Một loạt hệ thống công nghệ số đã được đưa vào hoạt động, gồm: Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; Phần mềm báo cáo thống kê du lịch; Ứng dụng quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Thẻ du lịch thông minh “Thẻ Việt”; Ứng dụng “Quản trị và Kinh doanh du lịch”; Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” và Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multimedia Guide).

Với khả năng tích hợp đa tiện ích, ứng dụng cho phép người dùng dễ dàng tra cứu thông tin điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, bản đồ số, đặt vé máy bay, phòng nghỉ, vé tham quan và phản ánh đến cơ quan chức năng. Đây là công cụ hữu hiệu giúp du khách chủ động trong hành trình khám phá Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thẻ du lịch thông minh “Thẻ Việt” được triển khai trên nền tảng bảo mật cao, cho phép giao dịch không dùng tiền mặt một cách thuận tiện và an toàn. Đây cũng là một bước tiến phù hợp với xu hướng tiêu dùng số và chủ trương thúc đẩy thanh toán điện tử của Chính phủ.

Hệ thống vé điện tử đã và đang được ứng dụng tại nhiều điểm tham quan nổi bật như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh... Qua đó, không chỉ giảm tải thời gian chờ đợi của du khách mà còn hỗ trợ kiểm soát quy trình vận hành hiệu quả, đặc biệt với các đoàn khách đông.

398-202505081050232.jpg
Ảnh: Cục Du lịch Việt Nam

Tận dụng “chất xám” từ doanh nghiệp công nghệ

Chuyển đổi số trong du lịch không thể thiếu sự tham gia của khối doanh nghiệp. Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm công nghệ mang tính đột phá đã được xây dựng nhờ vào sự hợp tác công, tư hiệu quả.

Trong một hướng tiếp cận đầy sáng tạo khác, cuộc thi “Galaxy AI hiểu tiếng Việt - Tôn vinh du lịch Việt” đã khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là bước tiến mới trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam theo cách tiếp cận toàn cầu, hiện đại và đầy cảm xúc.

Một du khách sau khi trải nghiệm công nghệ NFC tại điểm đến chia sẻ: “Chỉ cần đặt điện thoại gần bảng chip, toàn bộ thông tin về điểm du lịch sẽ hiển thị ngay. Tôi còn có thể tự đăng ảnh và viết cảm nhận ngay trên trang web, rất tiện lợi và thú vị.”

Có thể khẳng định, chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội mới để du lịch Việt Nam cất cánh. Sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ không chỉ giúp tăng trưởng về số lượng khách và doanh thu mà còn góp phần nâng tầm giá trị bền vững cho điểm đến.

Trong hành trình xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, công nghệ số chính là “chìa khóa” quan trọng, giúp kết nối con người với thiên nhiên, văn hóa và lịch sử theo những cách thức sáng tạo, tiện lợi và đầy cảm xúc, đúng như kỳ vọng của một ngành du lịch hiện đại, toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên số.

Lập Nguyễn