Đấu giá, Đấu thầu

Dự kiến sửa Luật Đấu thầu: Chỉ định thầu phải thương thảo giá, chịu giám sát

PV 22/04/2025 - 16:30

Trong số các nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, Bộ Tài chính đề xuất một số quy định nhằm tăng hiệu quả kinh tế khi chỉ định thầu cũng như phát hiện, chấn chỉnh kịp thời hành vi tiêu cực có thể xảy ra khi lựa chọn nhà thầu theo hình thức này.

Theo báo cáo công tác đấu thầu năm 2024 của các địa phương, An Giang là một trong những địa phương có tỷ lệ tiết kiệm cao qua đấu thầu. Số liệu của UBND tỉnh An Giang cho thấy năm 2024, trên địa bàn tổ chức 4.751 gói thầu, tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu là 10,283%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 370,8 tỷ đồng, tăng 4,331% so với năm 2023. Trong đó, chỉ định thầu được áp dụng với 3.824 gói thầu, chiếm 80,488% tổng số gói thầu, chỉ đưa đến tỷ lệ tiết kiệm 1,092%.

12-9197-8433.jpg
Dự kiến sửa Luật Đấu thầu, chỉ định thầu phải thương thảo giá, chịu giám sát. Ảnh: Tường Lâm

Tương tự, Bình Định có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu 4.090 gói thầu năm 2024 là 10,6%, nhưng các gói thầu được chỉ định thầu (3.430 gói) chỉ đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình là 1,19%.

Tại Bình Phước, năm 2024, các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu vẫn chiếm phần lớn (75,72%) và tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 1,3%.

Đây là tình hình chung của hầu hết các địa phương. Gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu luôn chiếm số lượng lớn nhất do nằm trong hạn mức được phép theo quy định, nhưng thường có tỷ lệ tiết kiệm thấp, phần lớn dưới 2%. Cũng có một số địa phương đạt tỷ lệ tiết kiệm qua chỉ định thầu tương đối cao hơn như Đồng Tháp là 3,08%, Hà Nam là 3,86 %...

Theo Bộ Tài chính, thống kê tại báo cáo công tác đấu thầu hàng năm, tỷ lệ tiết kiệm thông qua chỉ định thầu trung bình giai đoạn 2020 - 2023 rất thấp (2,14%), chưa đáp ứng được kỳ vọng về hiệu quả kinh tế khi áp dụng hình thức này. Trong khi đó, một số công trình giao thông được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu với yêu cầu tiết kiệm 5% dự toán (như Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11/2/2022) đã phát huy hiệu quả, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước, tăng vốn dư sau đấu thầu. Do vậy, cần bổ sung nguyên tắc thương thảo về giá trong chỉ định thầu.

Trên thực tế, như trường hợp của tỉnh Bắc Ninh tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 4.444 gói thầu trong năm 2024, tỷ lệ tiết kiệm chung đạt 4,45%, trong đó chỉ định thầu 3.281 gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm 0,76%. Nhưng với 5 gói thầu thuộc các dự án thành phần 1.3 và 2.3 của Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 56/2022/QH15, năm 2024, tỷ lệ tiết kiệm đạt được là 13,77%.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý sử dụng tài sản công (gọi tắt là Dự thảo Luật), Bộ Tài chính đề xuất cần bổ sung nguyên tắc thương thảo về giá trong chỉ định thầu. Cụ thể, Dự thảo Luật quy định: “Trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu thương thảo về giá bảo đảm giá đề nghị trúng thầu tiết kiệm, hiệu quả kinh tế”.

Cùng với đó, để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động đấu thầu, kịp thời xử lý các sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước đối với các gói thầu áp dụng chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung quy định để chú trọng đến việc giám sát đối với các gói thầu này. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 86 về giám sát hoạt động đấu thầu đối với “gói thầu, dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”.

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đấu thầu để phân cấp cho Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng chỉ định thầu. Hiện nay, các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết tại Luật số 57/2024/QH15, trong khi các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa được phân cấp giao cho Chính phủ. Thực tiễn cho thấy các trường hợp áp dụng chỉ định thầu thường xuyên có sự biến động do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu là cần thiết, tạo sự linh hoạt, chủ động trong quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án quan trọng, cấp bách, kịp thời điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát sinh trong thực tiễn.

PV