Văn hóa

Nét đẹp tâm linh và văn hóa nông nghiệp truyền thống

Lập Nguyễn 22/04/2025 - 16:29

Ngày 20/4/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), đồng bào dân tộc Thổ đến từ tỉnh Thanh Hóa tổ chức tái hiện Lễ Mừng Cơm Mới, một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời.

398-202504211512221.png
Từ sáng sớm, mọi người đã tập trung đầy đủ chuẩn bị cho Lễ Mừng Cơm Mới.

Người Thổ là một trong 54 dân tộc anh em của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chủ yếu cư trú tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng huyện Như Xuân (Thanh Hóa), vùng đất nằm ở phía Tây Nam tỉnh, nơi sinh sống tập trung của hơn 10.000 người Thổ, phân bố chủ yếu ở các xã như Yên Lễ, Hóa Quỳ, Cát Vân, Cát Tân, Xuân Bình...

Dù dân số không lớn, đồng bào Thổ vẫn bền bỉ gìn giữ các tập tục truyền thống trong sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng, đặc biệt là những nghi lễ gắn bó mật thiết với chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Lễ Mừng Cơm Mới là nghi lễ tiêu biểu, được đồng bào tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm, vào khoảng tháng 5 và tháng 10, sau khi thu hoạch lúa vụ chiêm và vụ mùa.

398-202504211512222.png
Theo phong tục của dân tộc Thổ không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng.

Lễ Mừng Cơm Mới không chỉ là một sự kiện mang tính cộng đồng, mà còn là biểu hiện rõ nét của tín ngưỡng vạn vật hữu linh, niềm tin rằng mọi vật trong tự nhiên đều có linh hồn, trong đó cây lúa được tôn xưng là “Lúa Mẹ”, vị thần ban phát sự sống và phồn thực cho con người.

Theo quan niệm của người Thổ, trước khi bắt đầu thu hoạch, gia chủ phải thực hiện nghi thức “mời hồn lúa” về nhà. Họ lựa chọn 3 đến 5 bông lúa đẹp nhất trong ruộng, đem buộc lại bằng sợi chỉ đỏ rồi treo tại nơi trang trọng cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau nghi lễ này, mọi người mới được ra đồng gặt hái. Việc làm thể hiện sự trân trọng và biết ơn với thiên nhiên, đồng thời cầu mong mùa sau lúa gạo dồi dào, cuộc sống no đủ.

398-202504211512223.png
Từng gia đình mời thầy Mo và chuẩn bị hai mâm cúng thần linh với thổ địa và một mâm cúng gia tiên.

Tín ngưỡng thờ hồn lúa của người Thổ là một hình thức tín ngưỡng nông nghiệp cổ xưa, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người với tự nhiên. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, người Thổ luôn tin rằng để có được hạt thóc, củ khoai, bên cạnh công sức lao động là sự chở che, phù trợ từ thần linh và tổ tiên.

Công tác chuẩn bị cho Lễ Mừng Cơm Mới được người Thổ tiến hành từ rất sớm. Gia chủ nuôi gà, lợn, chuẩn bị gạo nếp, làm rượu nếp và các loại bánh truyền thống nhiều tháng trước ngày diễn ra lễ. Khi thầy Mo, là vai trò dẫn dắt nghi lễ, chọn được ngày lành tháng tốt, các thành viên trong gia đình cùng nhau sắp lễ vật cúng.

398-202504211512224.png
Hát dân ca giao duyên và tổ chức các trò chơi dân gian

Tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, những điệu múa uyển chuyển trong sắc phục dân tộc mang đến không khí hân hoan, đậm đà bản sắc. Không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, tạ ơn trời đất, Lễ Mừng Cơm Mới còn là ngày hội đoàn tụ, nơi các thế hệ trong cộng đồng cùng nhau sẻ chia niềm vui, kết nối tình thân, khơi dậy tinh thần đoàn kết.

Lễ Mừng Cơm Mới là minh chứng sống động cho tâm thức nông nghiệp đã ăn sâu vào đời sống người Thổ. Qua mỗi mùa vụ, nghi lễ này như một lời nhắc nhở con cháu biết trân trọng giá trị lao động, không quên cội nguồn và giữ gìn mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên.

Dù đời sống hiện đại mang đến nhiều thay đổi, đồng bào Thổ ở Thanh Hóa vẫn duy trì nghi lễ này một cách bền bỉ. Đây không chỉ là trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa, mà còn là biểu hiện của bản lĩnh văn hóa dân tộc, một bản lĩnh được hun đúc từ đời sống lao động cần cù, từ niềm tin vững chắc vào sự gắn bó giữa con người và đất trời.

398-202504211512225.png
Giá trị văn hóa được tiếp nối qua các trò chơi dân gian

Lễ Mừng Cơm Mới không chỉ là một hoạt động tâm linh mà còn là diễn ngôn văn hóa đặc sắc, phản ánh sâu sắc tâm hồn và niềm tin của người Thổ. Trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa, những nghi lễ như vậy chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, giữ cho bản sắc dân tộc không bị phai mờ theo thời gian.

Việc tái hiện Lễ Mừng Cơm Mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh di sản văn hóa dân tộc Thổ, mà còn tạo cơ hội để cộng đồng các dân tộc hiểu rõ hơn về nhau, từ đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước.

Lập Nguyễn