Thời sự

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 04/4/2025

PV 05/04/2025 - 08:49

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 04/4/2025.

me-vnah.jpg

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Quy định về đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", Nghị định số 56/2013/NĐ-CP nêu rõ: Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ''Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Nghị định 83/2025/NĐ-CP quy định rõ hơn trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ của địch, việc xét tặng, truy tặng phải được sự thống nhất trình xét tặng hoặc truy tặng của các cấp chính quyền và không có ý kiến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Cụ thể, Nghị định 83/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khổ cuối khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP như sau: Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được sự thống nhất trình xét tặng hoặc truy tặng của các cấp chính quyền và không có ý kiến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân hoặc có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không đúng thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Bên cạnh đó, Nghị định 83/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP về chế độ ưu đãi theo hướng quy định rõ người được nhận Bằng, Huy hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và các chế độ chính sách khi bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Cụ thể, Nghị định 83/2025/NĐ-CP quy định: Bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" thì việc nhận Bằng, Huy hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Hồ sơ đề nghị, trình xét tặng hoặc truy tặng

Nghị định 83/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị, trình xét tặng hoặc truy tặng.

Cụ thể, hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng, gồm: Bản khai đề nghị tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Mẫu số 01/BMVNAH Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Bản khai đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Mẫu số 02/BMVNAH Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; bản sao được chứng thực từ Bằng "Tổ quốc ghi công", bản sao được chứng thực từ Giấy chứng nhận thương binh tùy theo đối tượng xét tặng hoặc truy tặng; giấy tờ khác có liên quan (nếu có).

Hồ sơ trình xét tặng hoặc truy tặng, gồm: Tờ trình về việc đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Mẫu số 05/BMVNAH Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và Danh sách đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Mẫu số 06/BMVNAH Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; biên bản kết quả niêm yết công khai đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" theo Mẫu số 03/BMVNAH Phụ lục; biên bản các giấy tờ quy định.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 2/4/2025.

pmchinh.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 713/QĐ-TTg ngày 3/4/2025 thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ (Tổ công tác).

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thành viên Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra, thành viên Tổ công tác còn có lãnh đạo các cơ quan liên quan khác do Tổ trưởng quyết định.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển đất nước; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan và địa phương để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tổ chức và hoạt động của Tổ công tác

Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế làm việc của Chính phủ, thẩm quyền và quy định pháp luật.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan và sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Tổ công tác giao, bảo đảm không tăng biên chế của Bộ được cơ quan có thẩm quyền giao.

Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi sát tình hình, cập nhật, trao đổi, thông tin, đề xuất, kiến nghị; kịp thời, tổng hợp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác đối với các vấn đề có liên quan.

Các Bộ, cơ quan liên quan là thành viên Tổ công tác theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên rà soát, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất, kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định việc thành lập Tổ giúp việc (trong trường hợp cần thiết).

Định kỳ thứ ba hằng tuần hoặc theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác, cơ quan thường trực của Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Công nhận thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 4/4/2025 công nhận thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Ba Đồn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

hong-ha.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn.

Thông báo nêu: Quản lý môi trường không khí là vấn đề có tính liên ngành, liên lĩnh vực, đòi hỏi sự thống nhất trong chỉ đạo, đồng bộ trong phối hợp thực hiện. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc tiếp tục có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống và sức khỏe người dân.

Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng và lộ trình cải thiện tình hình trong thời gian sớm nhất.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai ngay việc kiểm kê nguồn thải, đánh giá thực trạng môi trường không khí; xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm trong đó, xác định chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cần giảm hạn ngạch khí thải đến từng lĩnh vực theo từng năm để đánh giá việc thực hiện như các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội.

Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chuyển đổi sang phương tiện xanh, ít phát thải; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải tại địa phương mình theo hướng cao hơn, chặt hơn so với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong tháng 5 năm 2025.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng, tổ chức các biện pháp điều tiết phương tiện giao thông hợp lý, thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ, nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu giải pháp về khu vực phát thải thấp tại địa phương, triển khai khi có đủ điều kiện.

Thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán; áp dụng các giải pháp, phương tiện theo dõi từ xa, thường xuyên, liên tục các hoạt động xây dựng, hoạt động thu gom, vận chuyển, đổ thải, xử lý, tái chế chất thải xây dựng tại từng công trình cũng như trên toàn địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm; đề xuất sửa đổi, bổ sung các mức phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng; tăng cường thẩm quyền xử phạt cho cấp phường, xã, công an cấp cơ sở trên địa bàn.

Chuyển đổi các cụm công nghiệp lên thành khu công nghiệp

Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ động nghiên cứu, lên phương án di dời, chuyển đổi các cụm công nghiệp lên thành khu công nghiệp, đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đầu tư tăng dày các trạm quan trắc không khí đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục, định kỳ, có khả năng tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa, truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý, cung cấp, thông tin công khai cho người dân, cho xã hội; tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nghiên cứu phát triển công nghệ tái chế rơm rạ, phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan tập trung chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai ngay việc kiểm kê xác định các nguồn thải vào không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn; xây dựng Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2026 - 2030, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể hàng năm, giao trách nhiệm cụ thể, hạn ngạch cho các lĩnh vực, địa phương thực hiện như chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật, cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường không khí; kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất giải pháp hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải phương tiện ô tô, xe máy lưu hành trong tháng 4 năm 2025.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các hoạt động, giải pháp thu gom, công nghệ tái chế rơm rạ, phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp, khuyến khích các mô hình nuôi trồng phát thải thấp để ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét trong tháng 5 năm 2025.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, cố ý lợi dụng, phát tán chất thải ra môi trường không khí trong thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; xử lý theo pháp luật về hình sự đối với một số trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Triển khai ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường kết nối các trạm quan trắc, giám sát chất lượng không khí tự động của các địa phương.

Tổ chức đoàn kiểm tra các cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm cao

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí, ủng hộ và cùng thực hiện các giải pháp với Chính phủ; phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến từng người dân, từng doanh nghiệp, hợp tác xã về lợi ích việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp.

Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý, xử lý, tái chế chất thải từ vật liệu xây dựng để làm nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động thu gom, xử lý, tái chế chất thải từ vật liệu xây dựng để làm nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế về ưu đãi thay đổi, chuyển đổi nhiên liệu, chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi công nghệ xử lý, phát triển hạ tầng xanh tại các đô thị …

Các bộ, ngành, địa phương rà soát ngay các trang thiết bị vệ sinh môi trường trên địa bàn (máy thổi, máy móc kém chất lượng không hiệu quả) đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng đảm bảo việc sử dụng không gây phát thải vào không khí, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, gây dư luận xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025, Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; tập trung triển khai ngay việc kiểm kê xác định các nguồn thải vào không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải kết nối vào cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đầu tư kết nối các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục, đủ dày đáp ứng yêu cầu quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục, định kỳ, có khả năng tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa, truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng, giao thông, công nghiệp; phát triển không gian xanh trong quy hoạch, xây dựng đô thị. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Triển khai hướng dẫn kỹ thuật để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp, nâng cao nhận thức về tác hại của các hoạt động xử lý theo cách cũ, lạc hậu như đốt mở rơm rạ…

Tiếp tục rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2838/VPCP-CN ngày 4/4/2025 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc tiếp tục rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ. Văn bản nêu: Xét báo cáo của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1148/BXD-VT&ATGT ngày 28 tháng 3 năm 2025 về rà soát, xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đối với hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông và các bất cập khác trên đường bộ để bảo đảm thuận tiện, không gây khó khăn cho người tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thành trong tháng 4 năm 2025.

Bổ nhiệm lại ông Trần Văn Thuấn giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 4/4/2025 bổ nhiệm lại ông Trần Văn Thuấn giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 29/4/2025.

thh.jpg

Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2025/NĐ-CP ngày 4/4/2025 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

Nghị định quy định tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là công trình kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định của pháp luật về hàng hải và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với kết cấu hạ tầng hàng hải (nếu có), gồm:

a) Bến cảng, bến phao.

b) Trụ sở, cơ sở dịch vụ, kho, bãi, nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác trong khu vực bến cảng.

c) Hệ thống thông tin giao thông, thông tin liên lạc và hệ thống điện, nước trong khu vực bến cảng.

d) Đèn biển và nhà trạm gắn với đèn biển; đăng tiêu độc lập.

đ) Phao, tiêu, nhà trạm và cầu tàu phục vụ quản lý vận hành phao tiêu.

e) Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS).

g) Đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ.

h) Luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch.

i) Khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển.

k) Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam gồm máy móc, trang thiết bị, nhà cửa, vật kiến trúc và các công trình phụ trợ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam.

3 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

Nghị định quy định cụ thể 3 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:

a) Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

b) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

c) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

Nghị định quy định nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:

a) Phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

b) Tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng kết cấu hạ tầng hàng hải và các khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

c) Tiền thu từ cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

d) Các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ: Trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, trường hợp xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải thì việc xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông; không phải lập, phê duyệt đề án khai thác và thực hiện việc khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này; việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

Trường hợp nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải theo Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) thì trong thời hạn thực hiện hợp đồng, việc nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; không phải lập, phê duyệt đề án khai thác và thực hiện việc khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

Nghị định 84/2025/NĐ-CP quy định cụ thể các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm:

1. Thu hồi.

2. Điều chuyển.

3. Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.

4. Thanh lý.

5. Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

6. Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải trong trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bằng giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

7. Hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

Theo Nghị định 84/2025/NĐ-CP, toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải (bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan sau đây làm chủ tài khoản:

a) Cơ quan được Bộ Xây dựng chỉ định làm chủ tài khoản đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý.

b) Sở Tài chính đối với tài sản do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.

Nghị định 84/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải gồm: a) Chi phí kiểm kê, đo vẽ; b) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ; c) Chi phí xác định giá, thẩm định giá; d) Chi phí tổ chức bán vật liệu, vật tư thu hồi; đ) Chi phí bảo vệ, bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý; e) Chi phí hợp lý khác có liên quan.

Về mức chi, đối với các nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với các nội dung thuê dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo hợp đồng ký giữa cơ quan quản lý tài sản và đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi nêu trên, người đứng đầu cơ quan quản lý tài sản quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nghị định 84/2025/NĐ-CP quy định: Định kỳ 6 tháng (chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp ngân sách trung ương (đối với các khoản thu từ xử lý tài sản thuộc trung ương quản lý), ngân sách địa phương (đối với các khoản thu từ xử lý tài sản thuộc địa phương quản lý) đối với các khoản thu từ xử lý tài sản: a) Đã hoàn thành việc thanh toán chi phí hoặc có văn bản xác nhận không phát sinh chi phí của cơ quan quản lý tài sản; b) Hoặc đã quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý tài sản nộp tiền vào tài khoản tạm giữ mà chủ tài khoản tạm giữ không nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí hoặc đề nghị gia hạn thời hạn thanh toán của cơ quan quản lý tài sản.

Trường hợp số tiền thu được từ xử lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho cơ quan quản lý tài sản.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (4/4/2025).

giamdinhtuphap.jpg

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg ngày 4/4/2025 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2025.

Quyết định này quy định về đối tượng được hưởng bồi dưỡng giám định tư pháp; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; nguồn kinh phí và nguyên tắc chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp.

Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng theo quy định của Quyết định này gồm:

1- Người được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp bao gồm:

Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp;

Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: trợ lý, kỹ thuật viên và những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định và do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi;

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.

2- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công

Quyết định quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực: kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; nông nghiệp và môi trường; khoa học và công nghệ; công thương; tư pháp và các lĩnh vực khác mà không thuộc quy định tại Điều 3 Quyết định này.

Mức bồi dưỡng giám định tư pháp cho một người giám định chuyên trách trong các lĩnh vực giám định được quy định như sau:

a) Mức 400.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c;

b) Mức 500.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phức tạp về chuyên môn; hoặc phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc phải giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c;

c) Mức 600.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm theo quy định của Chính phủ hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Mức bồi dưỡng giám định tư pháp cho một người giám định kiêm nhiệm trong các lĩnh vực giám định được quy định như sau:

a) Mức 500.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c;

b) Mức 700.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phức tạp về chuyên môn đòi hỏi phải do người giám định tư pháp là chuyên gia thực hiện; hoặc phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc phải giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c;

c) Mức 1.000.000 đồng/ngày áp dụng đối với việc giám định phải tiếp xúc với đối tượng giám định trong điều kiện nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng; đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hoặc phải tiếp xúc với chất phóng xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hóa chất nguy hiểm theo quy định của Chính phủ hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Ngày công thực hiện giám định tư pháp được tính là 8 giờ thực hiện giám định. Số tiền bồi dưỡng cho một việc giám định được tính như sau:

Số tiền bồi dưỡng = (Số giờ giám định x mức bồi dưỡng một ngày công)/8 giờ.

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.

Mức bồi dưỡng đối với người thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y quy định như sau:

1- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định trên người sống theo yêu cầu của người giám định được quy định như sau: Mức 400.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định; Mức 500.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.

2- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định tử thi mà không mổ tử thi và tử thi không được bảo quản theo quy định hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên được quy định như sau: Mức 900.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ; Mức 1.200.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày; Mức 1.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày.

3- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo quy định hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên được quy định như sau: Mức 2.000.000 đồng/tử thi đối với người chết trong vòng 48 giờ; Mức 3.000.000 đồng/tử thi đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày; Mức 4.500.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và không phải khai quật hoặc dưới 7 ngày và phải khai quật; Mức 6.000.000 đồng/tử thi đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.

4- Trong trường hợp tử thi được bảo quản theo quy định của Bộ Y tế ban hành thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng quy định tại 2, 3 ở trên.

5- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định loại vật gây thương tích, độc chất, ADN, mô bệnh học, trên hồ sơ và các loại việc giám định khác trong lĩnh vực pháp y được quy định như sau:

- Mức 250.000 đồng/vụ việc giám định định tính ma tuý trong mẫu dịch sinh học, tóc hoặc định lượng cồn trong máu hoặc giám định đơn chất trong dịch sinh học; mức 400.000 đồng/vụ việc giám định định lượng ma tuý trong dịch sinh học, tóc.

- Mức 300.000 đồng/vụ việc giám định ADN nhân tế bào; mức 500.000 đồng/vụ việc giám định ADN ti thể.

- Mức 500.000 đồng/vụ việc giám định cơ chế, loại vật gây thương tích.

- Mức 600.000 đồng/vụ việc giám định độc chất mẫu phủ tạng, dịch sinh học.

- Mức 800.000 đồng/vụ việc giám định mô bệnh học.

- Mức 1.000.000 đồng/vụ việc giám định qua hồ sơ.

Trường hợp vụ việc có từ 10 mẫu trở lên thì số tiền bồi dưỡng giám định được tăng thêm 20% so với mức bồi dưỡng được hưởng.

6- Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định hài cốt là 4.000.000 đồng/hài cốt.

7- Các trường hợp giám định phải mời chuyên gia thuộc các chuyên khoa sâu thì mức bồi dưỡng đối với một chuyên gia hội chẩn là 500.000 đồng/nội dung yêu cầu.

Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y tâm thần được quy định như sau:

- Giám định tại phòng khám hoặc tại chỗ là 500.000 đồng/vụ việc giám định.

- Giám định trên hồ sơ là 2.000.000 đồng/vụ việc giám định.

- Giám định nội trú là 6.000.000 đồng/vụ việc giám định.

Quyết định nêu rõ, trong trường hợp đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm hoặc phải thực hiện giám định trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm thuộc nhóm A, nhóm B quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì được hưởng thêm 25% mức bồi dưỡng tương ứng của mức bồi dưỡng đối với người thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y và lĩnh vực pháp y tâm thần.

Mức bồi dưỡng đối với người giúp việc cho người thực hiện giám định tư pháp; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi

Theo quy định, người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (bao gồm: trợ lý, kỹ thuật viên và những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định và do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi) được hưởng bằng 70% mức bồi dưỡng mà người thực hiện giám định tư pháp được hưởng.

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi được hưởng bằng 10% mức bồi dưỡng mà người thực hiện giám định tư pháp được hưởng.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 4/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Thông báo nêu: Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và biểu dương những kết quả tích cực, hành động quyết liệt của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân các địa phương trong giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành trước hạn nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc và thách thức như: Tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; còn những nhóm mục tiêu khó hoàn thành; một số nơi còn rủi ro tái nghèo; khó huy động nguồn lực xã hội hóa và vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Một số dự án, nội dung thành phần, đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ chưa phù hợp tình hình thực tiễn hoặc đã hết đối tượng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, vẫn còn huyện nghèo thuộc 04 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) "trắng xã nông thôn mới" và 04 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Kon Tum) chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa phương còn hạn chế; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đâu đó có tình trạng không muốn đạt chuẩn nông thôn mới và không muốn thoát nghèo vì không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội về giáo dục, y tế, bảo hiểm, trợ cấp …

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra đối với 3 chương trình (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) có ý nghĩa hết sức quan trọng này, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phấn đấu để cơ bản hoàn thành các mục tiêu mang tính tổng hợp, rất có ý nghĩa, đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ trước 5/4/2025

Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phân bổ, giao số vốn còn lại chưa phân bổ trước 05 tháng 4 năm 2025; kịp thời phân bổ, giao kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cơ quan, đơn vị trực thuộc ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung; đặc biệt cần tính đến những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo chủ trương mới để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm liên tục, không xảy ra khoảng trống, vướng mắc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp phương án đề xuất phân bổ vốn, kinh phí còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 4 năm 2025.

Hoàn thành tổng kết việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trong Quý II năm 2025; trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 7 năm 2025.

Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và không gián đoạn công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Văn bản số 1291/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 02 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ.

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng thẩm định nhà nước hoàn thiện hồ sơ Quyết định điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo đúng quy định và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính tại Văn bản số 2251/VPCP-QHĐP ngày 18 tháng 3 năm 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 08 tháng 4 năm 2025.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Nghị định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành trước ngày 10 tháng 4 năm 2025.

Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thành lập theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Mai Văn Chính theo quy định.

PV