Thời sự

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Sẽ rút ngắn quy trình xây dựng văn bản pháp luật

Linh Linh 12/02/2025 - 20:12

Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ được rút ngắn thời gian.

Sáng 12/2, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tại Tổ 5, bao gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam và Kiên Giang, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, nhận định rằng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được xây dựng theo nguyên tắc chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc chung, không đi vào chi tiết. Dự thảo Luật đã bám sát Kết luận số 119 của Bộ Chính trị ngày 20/1/2025 về yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Theo đó, dự thảo hiện nay gồm 8 chương, 73 điều, giảm 101 điều so với luật hiện hành, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả các quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Ông Tiến đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng luật chưa có đủ cơ chế linh hoạt để Chính phủ chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc phản ứng kịp thời với các chính sách hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Do đó, dự án luật cần đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

028.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Ảnh quochoi.vn

Liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ông Tiến đồng thuận với đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, bổ sung một hình thức nghị quyết của Chính phủ và chuyển thẩm quyền ban hành một số văn bản từ quyết định sang thông tư của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông cũng ủng hộ việc rút ngắn thời gian xem xét, thông qua các dự án luật và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong một kỳ họp hoặc phiên họp, nhưng cho rằng cần quy định rõ hơn về các nội dung quan trọng mà Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét khi quyết định thông qua.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, đánh giá rằng việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này có nhiều bước tiến đáng kể trong việc giảm chồng chéo giữa các quy định, rút ngắn quy trình lập pháp, tăng cường phân quyền và minh bạch hóa chính sách. Ông cho rằng cơ chế lấy ý kiến và phản biện đã được nâng cao, giúp hạn chế nguy cơ lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào công khai văn bản pháp luật cũng là một điểm tích cực, giúp tăng cường tính minh bạch trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, ông Khải cũng chỉ ra một số hạn chế trong dự thảo Luật, bao gồm việc quy trình lập pháp chưa thực sự được đơn giản hóa một cách tối ưu và còn thiếu cơ chế xử lý đối với các văn bản pháp luật kém chất lượng, có thể dẫn đến bất cập trong thực thi. Để khắc phục, ông đề xuất bổ sung quy trình rút gọn linh hoạt hơn, giúp phản ứng nhanh với những tình huống đột xuất trong thực tế. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ pháp lý nhằm phát hiện sớm các xung đột giữa các văn bản pháp luật và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phân tích những điểm mới và quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Trải qua nhiều lần sửa đổi, có thể khẳng định, Luật đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ điều chỉnh những quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số chủ thể khác. Dự án Luật giảm 101 điều so với luật hiện hành và hoàn toàn phù hợp với tư duy lập pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư là nếu Luật được thông qua thì chỉ quy định những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những việc còn lại thì Chính phủ sẽ banh hành Nghị định quy định về quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ trưởng, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng khẳng định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ được rút ngắn thời gian, đồng thời cùng với khả năng chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan thì vẫn thực hiện được và bảo đảm được chất lượng Luật, pháp lệnh. Rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm sự linh hoạt của các cơ quan điều hành, của các cơ quan hành pháp và thậm chí có cả Quốc hội trong việc xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng được một cách tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của đất nước.

Linh Linh