Thời sự

Nhiều đổi mới mang tính đột phá trong quy trình xây dựng pháp luật

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 12/02/2025 - 20:10

Ủy ban Pháp luật tán thành với định hướng, các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Trình bày Tờ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015).

l1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Luật tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật gồm: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; Bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy định trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật xây dựng dựa trên 6 quan điểm chỉ đạo, đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt thời gian qua. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

l3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Dự thảo Luật được thiết kế gọn hơn dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn để bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được trình Quốc hội xem xét thông qua tại cùng Kỳ họp.

Về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.

l4.jpg
Các đại biểu tham dự kỳ họp

Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng luật, nghị quyết, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong quy trình xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo luật, nghị quyết, ví dụ như lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng chính sách, tổ chức soạn thảo; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, nghị quyết trước khi cơ quan trình chính thức trình dự án; tăng thời gian thảo luận tổ về dự án luật, nghị quyết trong kỳ họp để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng và cơ quan trình tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn