Tuyên Quang: Tưng bừng Lễ hội Lồng Tông ở huyện Lâm Bình
Sáng 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Tham dự Lễ hội có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; cùng các cán bộ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh; đại diện lãnh đạo một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Lễ hội còn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến tham gia.
![z6304765244616_13a52123c70c8ea7424bec2455bf3c3c.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/10/z6304765244616_13a52123c70c8ea7424bec2455bf3c3c.jpg)
Lễ hội Lồng Tông ở huyện Lâm Bình mang đậm nét văn hóa truyền thống, được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày nơi đây. Lễ hội Lồng Tông được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới - thời điểm giao hòa của trời đất, là dịp con người thể hiện tín ngưỡng tâm linh, vươn tới một cuộc sống bình yên, đủ đầy, hạnh phúc
Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán cũng là lúc những cây đào, cây mận, cây lê bung hoa khoe sắc. Trên khắp các bản làng của người Tày ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng Tông, còn có tên gọi khác là Lễ hội xuống đồng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
![z6304766134538_0db88e13e6b6975cb40871cb4576dc05.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/10/z6304766134538_0db88e13e6b6975cb40871cb4576dc05.jpg)
Năm nay, UBND huyện Lâm Bình tổ chức Lễ hội Lồng Tông diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/2/2025 (tức ngày 11, 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ hội Lồng Tông; đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang”; chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, nghề thủ công truyền thống,... của các xã gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc; tổ chức thi chọi dê, biểu diễn văn nghệ các dân tộc, thi khâu còn đẹp, hội thi bắt cá…
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, làng bản sạch sẽ để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo điều kiện của từng gia đình. Các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng, thịt, cá nướng, xôi ngũ sắc... được bày biện tươm tất. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.
![z6304765260920_28e74008948ebf6bf0f9cb05360270e9.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/10/z6304765260920_28e74008948ebf6bf0f9cb05360270e9.jpg)
Tại Lễ hội, người dân và du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: Đẩy gậy, bắt vịt, Hội thi bắt cá, phát lộc đầu xuân, cày tịch điền, nhảy sạp, khiêu vũ hiện đại, vẽ sáp ong, các làn điệu dân ca... tái hiện lại nghề thủ công và văn hóa ẩm thực truyền thống để du khách trải nghiệm. Trong đó, trò chơi thu hút đa số du khách nhất chính là trò thi ném còn. Đây cũng là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có từ lâu đời của bà con đồng bào dân tộc Tày nơi đây, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện vùng cao Lâm Bình.
Đây là những trò chơi dân gian truyền thống gần gũi, giản dị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần cộng đồng kết nối tinh thân giữa dân tộc Tày và các dân tộc anh em trên địa bàn cùng đoàn kết, mong ước một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
![z6304765238185_10a5bd37d1197bc29f20e1cb86c435d2.jpg](https://cly.1cdn.vn/2025/02/10/z6304765238185_10a5bd37d1197bc29f20e1cb86c435d2.jpg)
Lễ hội Lồng Tông là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất của dân tộc Tày được tổ chức trong dịp đầu Xuân năm mới. Lễ hội thường được đồng bào dân tộc Tày tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng hằng năm với mong muốn gửi gắm ước mong của dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, người người ấm no nhà nhà hạnh phúc.
Theo truyền thống, Lễ hội Lồng Tông có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.
Sau phần lễ là phần hội với các điệu múa đặc sắc của các chàng trai, cô gái người Tày tham gia múa khăn, múa quạt. Họ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, thi dệt thổ cẩm, đánh yến, đi cà kheo, đánh cù, bắn nỏ, thi cấy và thi trâu cày ruộng tạo nên một không khí vui nhộn của ngày đầu Xuân. Những trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của người Tày.
Với những giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh, Lễ hội Lồng Tông là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn của người Tày trong những ngày đầu Xuân năm mới ở huyện Lâm Bình, Tuyên Quang.
Việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của Lễ hội Lồng Tông ngày một quy mô, bài bản ở huyện Lâm Bình góp phần phát huy nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của người Tày ở Tuyên Quang là một điều rất đáng trân trọng. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, từng bước tạo sản phẩm hấp dẫn thu hút du khách mỗi khi đến với Lâm Bình.