Kinh tế

Bức tranh kinh tế tháng 1/2025 tươi sáng

PV 07/02/2025 - 11:39

Hoạt động kinh tế xã hội tháng đầu năm 2025 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng tăng trưởng tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2025 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các chỉ tiêu quan trọng về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu ngân sách Nhà nước… tiếp tục tăng trưởng tích cực, tạo đà cho tăng trưởng cả năm.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính. Hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu trong dịp Tết.

Thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2025 đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước đạt 63,07 tỷ USD, xuất siêu 1,23 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

z6220119171430_c5f9b0ec81c624bce5228ea2230e8fc7.jpg
Tháng 1/2025, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 tăng 0,6% so với cùng kỳ do có số ngày làm việc ít hơn năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm 6,8% ). Khu vực dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 1/2025, các cấp, ngành đã thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về chăm lo, chuẩn bị Tết cho Nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, thiết thực và kịp thời. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, du lịch, thể thao, thông tin truyền thông tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, trình ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để áp dụng các quy định mới, đột phá ngay từ đầu năm, nhất là về đầu tư công, ngân sách nhà nước, đầu tư PPP, quy hoạch…; chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.

Giải pháp đột phá để tăng trưởng cả năm đạt 8%

Theo PGS.TS Nguyễn Phúc Hiền, Giảng viên bộ môn Tài chính quốc tế, Đại học Ngoại Thương Hà Nội, với những kết quả tích cực của năm 2024, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 khoảng 8% là có cơ sở. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến chế tạo và nông nghiệp. Với thu hút FDI, Việt Nam cần ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời khích lệ đầu tư tư nhân trong nước.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, để tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%, Việt Nam cần chuẩn bị trước các phương án hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp bối cảnh kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi. Các chính sách này cần tập trung vào việc hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu để tăng khả năng cạnh tranh, duy trì sản xuất ngay cả trong bối cảnh kém thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mục tiêu tăng trưởng 8% trong cả năm 2025 không chỉ giúp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả giai đoạn 5 năm, mà còn tạo nền tảng vững chắc để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đây là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức hai con số, tức trên 10%.

Về các giải pháp cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Trước hết là hoàn thiện thể chế pháp luật, cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định thể chế là một nguồn lực quan trọng cho phát triển và được coi là đột phá của đột phá.

Chú thích ảnh
Xuất nhập khẩu vẫn duy trì là động lực quan trọng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 8% trong cả năm 2025. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, việc đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu, là động lực quan trọng, có tác động ngay lập tức đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm, thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu...

Về phần cung, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, phải thúc đẩy hơn nữa các động lực về sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhóm sản xuất công nghiệp, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, thúc đẩy khu vực dịch vụ, trong đó du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm.

"Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hiện nay, Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và các công nghệ cao khác. Đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

PV