Đề xuất đầu tư hơn 211.000 tỷ đồng xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) vừa đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư khoảng 211.030 tỷ đồng, dự kiến sử dụng vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc.
Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) văn bản đề nghị xem xét, lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Sau đó, Bộ GTVT sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.
Theo đề xuất, dự án sẽ sử dụng vốn vay ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc. Tuyến đường sắt được xây dựng theo tiêu chuẩn khổ ray 1.435 mm, điện khí hóa, nhằm kết nối giữa Trung Quốc và hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Tuyến đường sắt này có điểm đầu tại khu vực kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng chiều dài tuyến đạt 388,35 km, trong đó đoạn từ ga Lào Cai đến ga cảng Lạch Huyện dài 383,24 km, đoạn nối từ ga Lào Cai đến điểm kết nối ray dài 5,11 km. Ngoài ra, tuyến còn có nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,89 km, cùng đoạn nhánh từ ga Yên Thường tới ga Yên Viên dài 2,18 km.
Dọc tuyến đường, dự án sẽ xây dựng 30 ga, bao gồm 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật. Tuyến đường sắt này dự kiến đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được thiết kế với tốc độ tối đa 160 km/h trên tuyến chính từ ga Lào Cai đến ga cảng Lạch Huyện. Tốc độ tối đa giảm xuống 80 km/h trên đoạn từ Lào Cai đến điểm kết nối ray và các tuyến nhánh. Riêng đoạn đường sắt qua khu vực đầu mối Hà Nội, đi trùng với đường sắt vành đai phía Đông, tốc độ thiết kế đạt 120 km/h.
Để đảm bảo hiệu quả triển khai, dự án dự kiến chia thành hai giai đoạn đầu tư:
- Giai đoạn 1 (đến năm 2030): Hoàn thành xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đơn, đồng thời giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh.
- Giai đoạn 2 (sau năm 2050): Nâng cấp toàn tuyến lên quy mô đường đôi và xây dựng các tuyến nhánh như Nam Hải Phòng - Nam Đình Vũ.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 211.030 tỷ đồng, tương đương 62,583 tỷ nhân dân tệ hoặc 8,693 tỷ USD. Trong đó:
- Vốn vay ưu đãi: 135.600 tỷ đồng, được phân bổ cho các hạng mục xây dựng, thiết bị, phương tiện, tư vấn thiết kế, giám sát thi công và chi phí dự phòng.
- Vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam: 75.430 tỷ đồng, dành cho quản lý dự án, thuế giá trị gia tăng, chi phí bồi thường, tái định cư, lãi vay và các khoản dự phòng khác.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng 6 năm kể từ khi được phê duyệt và Hiệp định vay có hiệu lực.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền trong tháng 1/2025. Dự án sẽ được trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp tháng 2/2025, đảm bảo khởi công toàn tuyến trước ngày 10/12/2025.