Hoạt động văn hóa chào xuân 2025
Từ ngày 1 đến 31/1/2025, tại không gian của Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam, (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các hoạt động tháng 1 mang chủ đề “Xuân về trên bản làng” sẽ diễn ra, giới thiệu không khí đón xuân rộn ràng, các nghi lễ, lễ hội truyền thống cùng những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đây là dịp để du khách khám phá nét đẹp văn hóa, trải nghiệm không khí Tết cổ truyền và hòa mình vào những giá trị văn hóa dân tộc giàu bản sắc.
Chương trình “Xuân về trên bản làng” tháng 1/2025 tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam mang đến chuỗi hoạt động phong phú, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam, tạo không khí rộn ràng đón chào năm mới.
Chào đón năm mới 2025, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra, mang đến không khí đậm đà bản sắc dân tộc và niềm vui ngày xuân. Nổi bật là chuyên đề “Xuân về bản em” và chương trình dân ca, dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía Bắc. Người xem sẽ được tham gia các trò chơi dân gian như ném pao, đánh yến, ném còn, đánh đu, nhảy sạp. Bên cạnh đó, lễ Tạ ơn của dân tộc Dao cũng được tái hiện, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của người Dao, nơi mọi khó khăn, xích mích đều được hóa giải, và các thành viên trong gia đình dù ở xa hay gần đều tụ họp để chung vui. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Dao quần chẹt còn thể hiện sự thành kính và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của các dân tộc Tây Nguyên mang đến không khí rộn ràng với lời ca, tiếng hát và diễn xướng dân gian. Đây cũng là dịp các cộng đồng thể hiện quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Trong khuôn khổ các hoạt động, lễ “Dựng cây Nêu ngày Tết”, “Bữa cơm đoàn viên” và “Hội xuân” sẽ diễn ra, tạo không gian vui tươi và ấm áp đón Tết Nguyên đán. Chương trình dân ca, dân vũ “Xuân sum họp” giới thiệu âm nhạc dân gian từ các nhạc cụ tre nứa, những bản nhạc về mùa xuân, Đảng, Bác Hồ và các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer.
Sự kiện có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, H’Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 11 địa phương gồm: Các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Sóc Trăng.
Hoạt động nổi bật bao gồm: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025: Nơi hội tụ những nét đặc trưng văn hóa vùng cao với nhiều sản vật độc đáo. Chương trình dân ca, dân vũ “Đón xuân ở bản em”: Do các nhóm đồng bào phía Bắc trình diễn. Tái hiện Lễ tạ ơn của dân tộc Dao: Diễn ra vào 9 giờ sáng Chủ nhật tại Làng dân tộc Dao (Khu các làng dân tộc I), giới thiệu nét đẹp phong tục truyền thống.
Giao lưu “Xuân về trên cao nguyên”: Sự kiện của các dân tộc Tây Nguyên với lời ca, điệu múa chào xuân. Dựng cây Nêu ngày Tết: Dự kiến tổ chức vào ngày 19/01/2025 (tức 20/12 âm lịch) tại sân nhà điều hành làng IV. “Bữa cơm đoàn viên”: Hoạt động mang đậm ý nghĩa sum họp của các dân tộc. Hoạt động Tết cổ truyền Từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Nguyên đán, không gian các làng đồng bào tái hiện phong tục chúc Tết và nghi thức đón Tết theo từng vùng miền. Các hoạt động nổi bật gồm: Lễ hội, âm nhạc đầu năm mới. Giao lưu văn nghệ, biểu diễn múa xòe, nhảy sạp, múa rùa cùng các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Trải nghiệm văn hóa và ẩm thực, du khách có cơ hội tham gia: Gói bánh truyền thống: Tìm hiểu và thực hành quy trình gói, nấu bánh tại không gian các làng dân tộc phía Bắc. Trò chơi dân gian: Như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co. Ẩm thực đặc sắc: Thưởng thức các món ăn đặc trưng của các dân tộc. Món ăn của dân tộc Mường, Thái: Xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng. Dân tộc Khơ Mú, Dao: Gà nướng. Dân tộc Tày, Nùng: Khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi. Dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu: Bánh tình yêu A Quát, bánh sừng trâu, bánh ốc sên. Dân tộc Ê Đê, Xơ Đăng: Hương vị cà phê, cacao. Dân tộc Khmer: Bánh tét.
Trải nghiệm nghề truyền thống Du khách có thể tham gia các hoạt động như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam. Chương trình “Xuân về trên bản làng” là cơ hội để du khách hòa mình vào không khí ngày xuân, tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc.
Những hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui ngày xuân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.